Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo triển khai Luật Lý lịch tư pháp.
Ngày đăng: 07/12/2010 15:45
Luật Lý lịch tư pháp (gọi tắt là Luật LLTP) được Quốc hội khóa XII thông qua tại kỳ họp thứ 5 ngày 17/6/2009, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2010. Đây là văn bản quy phạm pháp luật có giá trị pháp lý cao về quản lý và cấp phiếu lý lịch tư pháp, liên quan trực tiếp đến quyền của công dân và hoạt động của các cơ quan tư pháp.
Để kịp thời tổ chức triển khai những quy định của Luật Lý lịch tư pháp và Công văn số 1959/BTP-HCTP ngày 30/6/2010 của Bộ Tư pháp hướng dẫn áp dụng quy định pháp luật liên quan đến việc triển khai thực hiện Luật Lý lịch tư pháp, ngày 26/11/2010, UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 6216/UBND-NC chỉ đạo và giao trách nhiệm cho các Sở, ngành liên quan triển khai thực hiện các quy định của Luật Lý lịch tư pháp, nhằm thực hiện tốt việc cung cấp thông tin lý lịch tư pháp; tiếp nhận, cập nhật xử lý thông tin lý lịch tư pháp; quản lý dữ liệu thông tin lý lịch tư pháp và cấp phiếu lý lịch tư pháp theo yêu cầu của công dân, tổ chức trên địa bàn tỉnh. Cụ thể:
1. Sở Tư pháp: Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về lý lịch tư pháp trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhằm tiếp tục nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về lý lịch tư pháp trong các cấp, các ngành và cán bộ, nhân dân trên địa bàn tỉnh; Bố trí cán bộ, công chức làm công tác lý lịch tư pháp; giải quyết kịp thời, đúng pháp luật các vấn đề về lý lịch tư pháp, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về công tác lý lịch tư pháp trên địa bàn tỉnh; Tiếp nhận đầy đủ, kịp thời thông tin lý lịch tư pháp về án tích do các cơ quan, tổ chức cung cấp; lập lý lịch tư pháp, cập nhật, xử lý thông tin lý lịch tư pháp về án tích và cấp phiếu lý lịch tư pháp theo quy định của Luật LLTP; Trang bị máy móc, đảm bảo cơ sở vật chất và phương tiện làm việc, đáp ứng yêu cầu quản lý cơ sở dữ liệu và cấp phiếu lý lịch tư pháp. Xây dựng phần mềm quản lý dữ liệu lý lịch tư pháp; kho lưu trữ hồ sơ, giấy tờ về lý lịch tư pháp phục vụ yêu cầu tra cứu chính xác, kịp thời; lưu trữ an toàn, lâu dài.
2. Công an tỉnh: Tiếp tục thực hiện việc trao đổi, cung cấp thông tin lý lịch tư pháp theo quy định tại Thông tư Liên tịch số 07/1999/TTLT-BTP-BCA ngày 28/02/1999; phối hợp với Sở Tư pháp tiến hành các thủ tục theo quy định của pháp luật để giải quyết tốt các yêu cầu về lý lịch tư pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức.
3. Cơ quan Thi hành án dân sự: Có trách nhiệm gửi quyết định thi hành án phạt tiền, tịch thu tài sản, án phí và các nghĩa vụ dân sự khác của người bị kết án; quyết định đình chỉ thi hành án; giấy xác nhận kết quả thi hành án; văn bản thông báo kết thúc thi hành án trong trường hợp người bị kết án đã thực hiện xong nghĩa vụ của mình cho Sở Tư pháp.
4. Toà án nhân dân tỉnh các cấp: Đánh giá thực trạng dữ liệu lý lịch tư pháp đối với những thông tin về lý lịch tư pháp có trước ngày 01/7/2010 (ngày Luật LLTP có hiệu lực thi hành) tại các cơ quan, tổ chức mình làm cơ sở xây dựng Kế hoạch thực hiện việc tra cứu, trao đổi, cung cấp thông tin lý lịch tư pháp có trước ngày 01/7/2010; Gửi cho Sở Tư pháp các văn bản, quyết định liên quan đến việc xét xử, thi hành án hình sự ; Cung cấp thông tin lý lịch tư pháp về tình trạng án tích; tình trạng thi hành án; thông tin về cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã theo đề nghị của Sở Tư pháp.
Ngoài ra , UBND tỉnh cũng chỉ đạo Sở Thông tin - Truyền thông, Sở Nội vụ; Sở Tài chính trong thực hiện một số nhiệm vụ có liên quan trong triển khai Luật Lý lịch tư pháp như: bố trí nhân lực, kinh phí đầu tư trang thiết bị xây dựng phần mềm quản lý dữ liệu lý lịch tư pháp...
VÂN ANH