01:40 Thứ tư , Ngày 08 Tháng 01 Năm 2025

Thẩm quyền chứng thực văn bản song ngữ

10/10/2022 10:09:32 - Nguyễn Ngọc Thương

Xin được tư vấn về thẩm quyền chứng thực. Thế nào là văn bản song ngữ? Hiện nay tất cả các bằng tốt nghiệp cử nhân đại học, cao đẳng đều một bên được ghi bằng tiếng Việt và một bên là ghi bằng tiếng Anh, mặc dù các trường đó không phải là liên kết với trường nước ngoài thì đó có phải là văn bản song ngữ không? Vì hiện nay chúng tôi đi công chứng văn bằng tốt nghiệp UBND cấp xã đều chỉ đi huyện vì đây là văn bản song ngữ. Xin chân thành cảm ơn.

Trả lời có tính chất tham khảo:

Giấy tờ, văn bản song ngữ là giấy tờ, văn bản được thể hiện đầy đủ bằng hai ngôn ngữ, trong đó có một ngôn ngữ là tiếng Việt và một ngôn ngữ là tiếng nước ngoài.

Như vậy, các bằng tốt nghiệp cử nhân đại học, cao đẳng đều một bên được ghi bằng tiếng Việt và một bên là ghi bằng tiếng Anh, mặc dù các trường đó không phải là liên kết với trường nước ngoài đều là giấy tờ, văn bản song ngữ. 

Theo Nghị định số 04/2012/NĐ-CP ngày 20/01/2012 sửa đổi, bổ sung Điều 5 của Nghị định số 79/2007/NĐ-CP ngày 18/05/2005 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký thì giấy tờ, văn bản song ngữ thuộc thẩm quyền chứng thực của Phòng Tư pháp cấp huyện.

Thẩm quyền chứng thực của Ủy ban nhân dân cấp xã

17/05/2022 10:07:08 - Dương Trọng Thủy

Tôi có bằng tốt nghiệp đại học song ngữ, cấp xã có chứng thực được không?

Trả lời có tính chất tham khảo:

Theo quy định tại Nghị định số 04/2012/NĐ-CP ngày 20/01/2012 sửa đổi, bổ sung Điều 5 của Nghị định số 79/2007/NĐ-CP ngày 18/05/2005 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký thì giấy tờ, văn bản song ngữ thuộc thẩm quyền chứng thực của Phòng Tư pháp cấp huyện.

Vì vậy, bằng tốt nghiệp đại học được cấp dưới dạng song ngữ của bạn không được thực hiện chứng thực ở cấp xã, đề nghị bạn liên hệ Phòng Tư pháp cấp huyện để được giải quyết.

Công chức cấp xã thôi việc theo nguyện vọng có được hưởng trợ cấp thôi việc không

01/03/2022 21:42:50 - Lê Nữ Huyền Trang

Tôi trúng tuyến công chức cấp xã vào năm 2007. Nay tôi có đơn thôi việc theo nguyện vọng và được UBND xã chấp thuận. Vậy cho tôi hỏi, tôi có được nhận trợ cấp thôi việc không?

Trả lời có tính chất tham khảo:

Xin chào bạn chúng tôi rất vui vì bạn đã quan tâm và gửi câu hỏi đến Ban Biên tập cổng thông tin điện tử Sở Tư pháp. Tuy nhiên, liên quan đến nội dung câu hỏi, Ban biên tập thấy rằng để được hướng dẫn chi tiết về vấn đề này bạn có thể liên hệ với cơ quan bảo hiểm xã hội để biết thêm chi tiết ạ.

Lý lịch tư pháp

23/02/2022 14:45:13 - Nguyễn Kim Quân

Em đăng kí cấp lý lịch tư pháp trực tuyến và đã gửi hồ sơ từ ngày 10/2/2022 đến nay, mà trên web tra cứu thì hồ sơ em vẫn chưa đến bưu cục và chưa được giải quyết, em muốn hỏi là hồ sơ em khi nào có thể hoàn thành ạ! Em gọi vào số của sở thì không ai nghe máy cả! Em cảm ơn ạ!

Trả lời có tính chất tham khảo:

Chào ban!

Bạn vui lòng kiểm tra lại mình đã thực hiện đầy đủ 05 bước trong Hướng dẫn (how to use) tại trang https://lltptructuyen.moj.gov.vn hay chưa. Nếu đã thực hiện đầy đủ các bước tại Hướng dẫn, vui lòng cung cấp họ tên, mã số hồ sơ để tra cứu, trả lời chính xác đối với trường hợp của bạn.

Chúng tôi không rõ bạn gọi vào số điện thoại nào của Sở mà không liên hệ được. Để nắm rõ chi tiết về trình tự, thủ tục, thành phần hồ sơ, tiến độ giải quyết của Phiếu Lý lịch tư pháp, đề nghị bạn liên hệ Tổng đài 0262.3650650 - bấm số 14 để được giải đáp.

Thủ tục LLTP

08/02/2022 14:12:03 - Lan

Tôi làm LLTP thì nộp hồ sơ trực tuyến hay làm trực tiếp?

Trả lời có tính chất tham khảo:

Chào bạn!

Đối với vấn đề bạn hỏi chúng tôi xin trả lời như sau:

Việc cấp Phiếu Lý lịch tư pháp hiện nay được thực hiện qua 02 hình thức:

- Nộp hồ sơ trực tiếp (nhận kết quả trực tiếp hoặc đăng ký nhận kết quả qua dịch vụ Bưu chính công ích).

- Gửi hồ sơ qua dịch vụ bưu chính công ích (nhận kết quả trực tiếp hoặc đăng ký nhận kết quả qua dịch vụ Bưu chính công ích).

Công dân có thể nghiên cứu, lựa chọn hình thức phù hợp với điều kiện của mình.

LÀM SƠ YẾU LÝ LỊCH TƯ PHÁP

11/12/2021 10:44:05 - NGUYỄN THỊ HỒNG MỸ

Chào a/c ạ, e bị mất CMND đã làm CCCD từ t4 đến nay vẫn chưa có. Giờ e cần làm gấp sơ yếu lý lịch tư pháp mà chỉ còn hình chụp 2 mặt CMND với bản photo( đã công chứng cách đây 3 năm)thì có làm được k ạ? E xin cảm ơn?

Trả lời có tính chất tham khảo:

Chào bạn!

Đối với vấn đề bạn hỏi chúng tôi xin trả lời như sau:

Hiện tại, không có quy định sơ yếu lý lịch tư pháp. Do đó bạn cần xác định rõ: Nếu là đề nghị xác nhận Sơ yếu lý lịch, bạn liên hệ với chính quyền địa phương nơi cư trú; còn nếu là đề nghị cấp Phiếu Lý lịch tư pháp thì liên hệ với Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của Sở Tư pháp nơi thường trú (nếu không có nơi thường trú thì nộp tại nơi tạm trú; nếu không xác định được cả 02 nơi này thì nộp tại Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia)[1].

Hồ sơ đề nghị cấp Phiếu lý lịch tư pháp gồm Tờ khai (theo mẫu), bản sao Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân/Hộ chiếu. Nếu nộp bản chụp thì phải xuất trình bản chính để đối chiếu; trường hợp không có bản chính để đối chiếu thì nộp bản sao có chứng thực[2].

Pháp luật chứng thực không quy định thời hạn sử dụng của bản sao có chứng thực. Tuy nhiên, pháp luật chuyên ngành lại quy định thời hạn sử dụng của một số loại giấy tờ. Do đó, bản sao Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân/Hộ chiếu chỉ hợp lệ khi bản chính còn thời hạn sử dụng (thời hạn sử dụng của Chứng minh nhân dân là 15 năm)[3].

 

[1]Điều 44, Điều 45 Luật Lý lịch tư pháp năm 2009

[2] Điều 45, Điều 46 Luật Lý lịch tư pháp năm 2009; khoản 2 Điều 3, Điều 6 Nghị định số 23/2015/NĐ-CP ngày 16/02/2015 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch

[3]Nghị định số 23/2015/NĐ-CP; khoản 4 Mục I Thông tư số 04/1999/TT-BCA (C13) ngày 29/4/1999 của Bộ trưởng Bộ Công an hướng dẫn một số quy định của Nghị định số 05/1999/NĐ-CP ngày 03/02/1999 của Chính phủ về chứng minh nhân dân

Lý Lịch Tư Pháp số 2

01/12/2021 17:53:35 - Đặng Thị Chinh

Xin Chào ! Tên tôi là Đặng Thị Chinh , sinh ngày 01/04/1996 tại Xã Hồng Châu - Huyện Đông Hưng - Tỉnh Thái Bình . Hiện tại tôi đang sinh sống tại Hàn Quốc . Hôm nay ngày 01/12/2021 tôi có tra cứu kết quả lý lịch tư pháp số 2 thì được biết kết quả là có án tích vào tháng 6/2016 về tội môi giới mại dâm tại Long Biên Hà Nội . Và tôi thực sự bất ngờ vì tôi chưa hề đến Long Biên và cũng không hề biết rằng mình từng có án tích ngồi tù như trong lý lịch tư pháp đã viết . Vậy tôi có thể làm đơn khiếu lại chuyển lên Sở Tư Pháp để đính chính lại hay làm đơn khởi kiện không ạ ? Tôi xin chân thành cảm ơn !

Trả lời có tính chất tham khảo:

Chào ban!

Sở Tư pháp tỉnh Đắk Lắk đã kiểm tra Hệ thống lý lịch tư pháp của tỉnh, không có trường hợp nào yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp với tên, thông tin như bạn nêu. Đề nghị bạn liên hệ với Sở Tư pháp nơi bạn đã đề nghị cấp Phiếu Lý lịch tư pháp để được kiểm tra, hướng dẫn cụ thể.

Em muốn xin tờ thư xin lỗi trễ hẹn của sở tư pháp

10/11/2021 12:54:49 - Nhữ văn nam

Em muốn xin tờ thư xin lỗi trễ hẹn của sở tư pháp.

Trả lời có tính chất tham khảo:

Chào bạn!

Đối với vấn đề bạn hỏi chúng tôi xin trả lời như sau:

Phiếu xin lỗi trễ hẹn chỉ được cấp trong trường hợp giải quyết thủ tục hành chính, đến hạn nhưng chưa giải quyết xong hồ sơ mà không có lý do chính đáng; được gửi đến công dân, tổ chức có yêu cầu thực hiện thủ tục hành chính, đồng thời, đăng tải trên Trang thông tin điện tử của cơ quan, niêm yết tại điểm tiếp nhận thủ tục hành chính của đơn vị tại bộ phận Tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả[1].

Nếu hồ sơ của bạn đầy đủ, không thuộc các trường hợp cần bổ sung, xác minh nhưng đến thời hạn vẫn chưa nhận được kết quả và không có Phiếu xin lỗi trễ hẹn, đề nghị bạn liên hệ theo số điện thoại 0262.3959126 (đối với lĩnh vực hành chính tư pháp) hoặc 0262.3956950 (đối với lĩnh vực bổ trợ tư pháp) để được giải quyết.

 

[1] Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23/4/2018 của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính; Chỉ thị 26/CT-TTg ngày 05/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong cơ quan hành chính nhà nước các cấp do Thủ tướng Chính phủ ban hành; Chỉ thị số 18/CT-UBND ngày 28/12/2016 của Chủ tịch UBND tỉnh về thực hiện nghiêm quy định xin lỗi bằng văn bản khi giải quyết quá hạn thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk

Vi phạm quy định phòng chống dịch

10/11/2021 12:42:41 - Lê Hữu Phát

Xin hỏi về mức quy định xử phạt khi vi phạm nội quy của khu cách ly tập trung như thế nào? Xin cụ thể hoá mức xử phạt khi vi phamj đối với từng nội quy!

Trả lời có tính chất tham khảo:

Chào bạn!

Đối với vấn đề bạn hỏi chúng tôi xin trả lời như sau:

Theo Quyết định số 219/QĐ-BYT ngày 29/01/2020 của Bộ Y tế về việc bổ sung bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona (nCov) gây ra vào danh mục các bệnh truyền nhiễm nhóm A theo quy định tại Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007. 

Việc cách ly tập trung được thực hiện theo quy định tại Quyết định số 878/QĐ-BYT ngày 12/3/2020 của Bộ trường Bộ Y tế về việc ban hành “Hướng dẫn cách ly tại cơ sở cách ly tập trung phòng chống dịch Covid-19”. Tuỳ thuộc vào từng cơ sở cách ly y tế sẽ có các quy định về “nội quy cách ly” khác nhau. Người được cách ly y tế tập trung - Phòng chống bệnh viêm đường hô hấp cấp do Covid-19 đều phải tuân thủ các quy định sau: (1) Chấp hành việc cách ly y tế theo quy định; (2) Thực hiện các biện pháp vệ sinh cá nhân, đeo khẩu trang, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn khác; (3) Không được ra khỏi khu vực cách ly; (4) Hạn chế ra khỏi phòng cách ly và hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người khác trong phân khu cách. Người vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Hiện nay, mức phạt với hành vi vi phạm quy định về cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế được quy định tại Điều 11 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế như sau:

"Điều 11. Vi phạm quy định về cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế

1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không tổ chức cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế đối với trường hợp phải thực hiện việc cách ly y tế theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản 2 Điều này;

b) Từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 2 Điều này;

c) Không lập danh sách và theo dõi sức khỏe của những người tiếp xúc với người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế theo quy định của pháp luật.

2. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không tổ chức cách ly y tế đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A;

b) Từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng quyết định cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A đối tượng kiểm dịch y tế biên giới mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A hoặc khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu;

c) Cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế tại địa điểm không đủ điều kiện thực hiện cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế theo quy định của pháp luật.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc thực hiện việc cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế đối với hành vi quy định tại các điểm a, b khoản 1 và các điểm a, b khoản 2 Điều này."

Như vậy, đối với những trường hợp phải thực hiện cách ly y tế tập trung mà chối hoặc trốn khỏi khu vực cách ly y tế sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng; đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A mà từ chối hoặc trốn khỏi khu vực cách ly y tế sẽ bị phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng. Đồng thời, buộc phải tiếp tục thực hiện việc cách ly y tế theo khoản 3 Điều 11 Nghị định 117/2020/NĐ-CP.

Ngoài ra, trường hợp bỏ trốn khỏi khu vực cách ly y tế dẫn đến gây hậu quả nghiêm trọng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự, cụ thể: Theo khoản 1 Công văn số 45/TANDTC-PC ngày 30/3/2020 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về việc xét xử tội phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19, trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly bị coi là trường hợp thực hiện “hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người” quy định tại điểm c khoản 1 Điều 240 Bộ luật Hình sự năm 2015,  sửa đổi, bổ sung năm 2017 về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người.

Cụ thể, mức phạt áp dụng cho người không tuân thủ cách ly làm lây lan dịch bệnh theo quy định của Điều 240 Bộ luật Hình sự năm 2015 là phạt tiền từ 50 - 200 triệu đồng hoặc bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

Ngoài ra, tùy thuộc vào hậu quả của hành vi trốn cách ly, người phạm tội có thể bị phạt tù từ 05 - 10 năm khi dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh hoặc Bộ trưởng Bộ Y tế hoặc làm chết 01 người.

Trường hợp dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ hoặc làm chết 02 người trở lên thì bị phạt tù từ 10 - 12 năm.

Hình phạt bổ sung của tội này là phạt tiền từ 20 - 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 - 05 năm.

Thắc mắc về cccd gắn chíp

21/10/2021 10:46:35 - Phạm Thị Như Quỳnh

Cháu năm nay lớp 12. Cháu làm cccd từ tháng 2/2021 đến nay 21/10 vẫn chưa có cccd. Lúc làm cccd cháu cũng không có giấy hẹn. Bạn bè trang lứa đều có hết. Liệu tới bao giờ cháu mới có ạ. Cháu cần gấp thì phải làm sao ạ.

Trả lời có tính chất tham khảo:

Xin chào bạn chúng tôi rất vui vì bạn đã quan tâm và gửi câu hỏi đến Ban Biên tập cổng thông tin điện tử Sở Tư pháp. Tuy nhiên, liên quan đến nội dung câu hỏi, việc cấp Căn cước công dân do bên Công an quản lý, do đó, Ban biên tập thấy rằng để được hướng dẫn chi tiết về vấn đề này bạn có thể liên hệ với cơ quan bcông an nơi bạn đăng ký làm thẻ Căn cước công dân.

EMC Đã kết nối EMC
icon
Đô Thị Thông Minh