 |
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet) |
Trước tình hình dịch tai xanh ở lợn đã xảy ra 11/15 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh và có chiều hướng tiếp tục gia tăng, với mức độ báo động; để chủ động phòng, chống và ngăn chặn kịp thời các ổ dịch phát sinh, không để dịch lây lan, hạn chế thiệt hại do dịch gây ra. Ngày 20/8/2012, UBND tỉnh Đắk Lắk đã ban hành Kế hoạch số 4668/UBND-KH về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh heo tai xanh trên địa bàn nhằm khống chế, dập dịch trong tháng 9/2012, đặt công tác tiêm phòng vắc xin tai xanh là mục tiêu, biện pháp số 1 để nhanh chóng dập dịch. Theo đó, UBND tỉnh chỉ đạo Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm của tỉnh, huyện; các Sở, ban, ngành; các tổ chức đoàn thể; Chủ tịch UBND cấp huyện; UBND xã, phường, thị trấn thực hiện các biện pháp cấp bách sau:
1. Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm của tỉnh: tổ chức họp định kỳ 1 tuần/1 lần để đánh giá kết quả triển khai các biện pháp phòng, chống dịch để kịp thời điều chỉnh, bổ sung các giải pháp phù hợp và xử lý các vướng mắc, khó khăn của các địa phương trong quá trình thực hiện; yêu cầu các thành viên trong Ban chỉ đạo xuống địa bàn đã được phân công chỉ đạo để thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình.
2. Các Sở, ban, ngành:
- Xây dựng kế hoạch cụ thể về việc tổ chức tiêm phòng vắc xin tai xanh dập dịch; tiếp tục triển khai các biện pháp tuyên truyền sâu rộng, các nội dung liên quan đến chính sách pháp luật, quy định của nhà nước về phòng, chống dịch bệnh, tổ chức dưới nhiều hình thức; tổ chức tốt công tác vệ sinh và hướng dẫn người dân thực hiện, tiêu độc, khử trùng vùng dịch, các khu vực có nguy cơ cao; tăng cường công tác kiểm tra liên ngành, xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển, giết mổ heo bệnh, chết.
- Đầu tư trang thiết bị, phương tiện phục vụ chống dịch, cân đối nguồn lực kịp thời đáp ứng cho công tác phòng chống dịch; thực hiện kiểm tra, kiểm soát việc chặt chẽ sản phẩm heo thịt buôn bán tại các chợ.
- Huy động lực lượng tham gia các trạm kiểm dịch đầu mối giao thông, chốt kiểm dịch động vật tạm thời. Phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; tăng cường công tác kiểm tra các hoạt động kinh doanh, buôn bán, vận chuyển, giết mổ và tiêu thụ heo, sản phẩm thịt heo trên địa bàn tỉnh.
- Tổ chức kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm các sản phẩm có nguồn gốc động vật, đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng và có biện pháp hữu hiệu đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm không để làm ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng; tăng cường công tác kiểm tra các phương tiện giao thông trong công việc chấp hành nghiêm các quy định về vận chuyển động vật, sản phẩm động vật.
- Chọn địa điểm chôn tiêu hủy gia súc bệnh, chết phải tiêu hủy bắt buộc, đảm bảo vệ sinh môi trường; phối hợp với cơ quan thú y hướng dẫn các địa phương thực hiện đúng quy trình tiêu hủy gia súc.
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng đúng, đủ, chính xác, khách quan, không gây hoang mang dư luận và thiệt hại cho ngành chăn nuôi, góp phần tích cực nâng cao hiệu quả trong công tác phòng chống dịch bệnh và thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm…
3. Các tổ chức đoàn thể : tích cực tuyên truyền chính sách, quy định của pháp luật về công tác phòng, chống dịch để người dân biết và thực hiện đúng, vận động nhân dân phát hiện, thông tin kịp thời tình hình dịch bệnh và không dấu dịch cho chính quyền và cơ quan chức năng, chấp hành tiêm phòng vắc xin…
4. Chủ tịch UBND cấp huyện; Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm cấp huyện: tổ chức thực hiện tốt công tác tiêm phòng vắc xin tai xanh để phục vụ công tác chống dịch; tổng hợp, báo cáo diễn biến dịch và tiến độ tiêm phòng vắc xin; thành lập chốt kiểm dịch tạm thời trên địa bàn quản lý và bố trí lực lượng trực chốt, bám sát địa bàn từng xã để chỉ đạo và xử lý kịp thời các vướng mắc; tổ chức kiểm tra, giám sát thực hiện tại các xã; kiểm tra chợ, kiểm tra hoạt động giết mổ và thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học của trang trại, phổ biến chính sách, chủ trương của nhà nước và các yêu cầu áp dụng các biện pháp phòng chống dịch của trang trại.
5. UBND xã, phường, thị trấn: thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn; chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật lực để thực hiện kế hoạch tiêm phòng vắc xin; tổ chức tuyên truyền thường xuyên về biện pháp phòng, chống, dập dịch; quy hoạch địa điểm chôn, tiêu hủy heo bệnh chết theo đúng quy trình; kiểm tra, rà soát lại các điểm giết mổ, xóa ngay các cơ sở giết mổ lậu, cơ sở không đảm bảo tiêu chuẩn; kiểm tra, vận động các cửa hàng ký cam kết về việc không để thức ăn của các hộ có heo chết quay lại cửa hàng để bán cho các hộ khác; kiểm tra, ký cam kết với thương lái, yêu cầu không mua bán, vận chuyển heo bệnh, chết, các sản phẩm heo mắc bệnh trên địa bàn.
Bích Luy