UBND tỉnh ban hành Đề án đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp
Ngày đăng: 19/01/2011 15:23
Thực hiện Quyết định số 258/QĐ-TTg ngày 11/02/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp”, Chỉ thị số 1958/CT-TTg ngày 25/10/2010 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp cấp bách nhằm tăng cường năng lực, hiệu quả hoạt động giám định tư pháp; ngày 31/12/2010, UBND tỉnh đã ban hành Đề án đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp trên địa bàn tỉnh (kèm theo Quyết định số 3509/QĐ-UBND).
Mục tiêu của Đề án nhằm đổi mới tổ chức, nâng cao hiệu quả hoạt động và thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước về giám định tư pháp; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, đột phá, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động giám định tư pháp trên địa bàn tỉnh, đáp ứng tốt nhu cầu giám định của các cơ quan tiến hành tố tụng, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người dân. Từng bước thực hiện xã hội hoá hoạt động giám định tư pháp, đáp ứng yêu cầu của tổ chức, cá nhân ngoài hoạt động tố tụng, góp phần vào công cuộc ổn định tình hình chính trị và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Để đạt được những mục tiêu trên, nội dung của Đề án đã đặt ra những yêu cầu đối với các các Sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng của công tác giám định tư pháp đối với hoạt động tố tụng cũng như trong đời sống xã hội; gắn việc thực hiện các nội dung của Đề án với việc thực hiện các nhiệm vụ công tác chuyên môn theo chức năng, nhiệm vụ được được giao; đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa các Sở, ngành liên quan trong quá trình triển khai các nội dung của Đề án. Phấn đấu đến năm 2015, các tổ chức giám định pháp y, pháp y tâm thần, kỹ thuật hình sự, giám định viên tư pháp chuyên ngành thuộc các lĩnh vực: Văn hoá, Tài chính, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương, Thông tin và Truyền thông... có đủ giám định viên chuyên trách đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong hoạt động tố tụng. Đảm bảo đội ngũ giám định viên tư pháp chuyên ngành và người giám định tư pháp theo vụ việc đủ về số lượng, mạnh về chất lượng; tăng cường cơ sở vật chất, phương tiện, trang thiết bị hiện đại phục vụ công tác giám định cho các tổ chức giám định và đội ngũ giám định viên tư pháp chuyên ngành đáp ứng yêu cầu hoạt động giám định độc lập, khách quan và chính xác. Nghiên cứu xây dựng lộ trình thích hợp để thực hiện xã hội hóa các lĩnh vực giám định tư pháp chuyên ngành, xây dựng cơ chế điều phối, có chính sách huy động, thu hút các tổ chức chuyên môn có điều kiện, cá nhân có trình độ chuyên môn giỏi tham gia vào hoạt động giám định tư pháp. Xây dựng các Quy chế phối hợp quản lý nhà nước trong hoạt động giám định tư pháp giữa Sở Tư pháp và các Sở, ngành liên quan, nhằm phân công trách nhiệm, quy định rõ phạm vi, chức năng, nhiệm vụ và cơ chế phối hợp giữa cơ quan quản lý Nhà nước với các cơ quan có tổ chức giám định tư pháp, giám định viên tư pháp chuyên ngành.
Để đảm bảo các nội dung của Đề án được triển khai thực hiện có hiệu quả, UBND tỉnh đã giao trách nhiệm cụ thể cho Sở Tư pháp, Sở Y tế, Sở Tài chính, Sở Nội vụ, Công an tỉnh và các Sở, ngành chuyên môn trong việc triển khai thực hiện Đề án./.
Bảo Minh