Được thành lập ngày 02/5/1982 (theo Quyết định số 356/QĐ-UB của UBND tỉnh), trong bối cảnh hết sức khó khăn, nhất là bộ máy còn non trẻ, đội ngũ cán bộ quá ít, trình độ chuyên môn và kiến thức pháp luật còn hạn chế; bộ máy tư pháp cấp huyện, xã chưa được hình thành, cơ sở vật chất, phương tiện làm việc còn nhiều thiếu thốn..., nhưng dưới quan tâm chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Bộ Tư pháp và sự đoàn kết, nỗ lực, phấn đấu không mệt mỏi, sự đổi mới không ngừng phương thức quản lý, điều hành của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức trong ngành, Tư pháp Đăk Lăk hôm nay đã và đang lớn mạnh, trưởng thành và phát triển cùng với sự đổi mới, đi lên của tỉnh nhà và sự trưởng thành của ngành Tư pháp Việt Nam.
Nhìn lại chặng đường 28 năm qua mới thấy hết được sự nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn thách thức để vươn lên, trưởng thành của Tư pháp Đăk Lăk. Từ lúc chỉ có 11 cán bộ và 03 phòng chuyên môn khi mới thành lập, đến nay tổ chức bộ máy của ngành đã được xây dựng và thường xuyên củng cố, kiện toàn từ tỉnh đến cấp huyện, cấp xã và với một đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có trình độ chuyên môn nghiệp vụ vững vàng, có bản lĩnh chính trị, năng lực công tác, phẩm chất, đạo đức tốt đủ sức đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ trong tình hình mới. Hiện nay, bộ máy cơ quan Sở Tư pháp Đăk Lăk bao gồm 13 phòng, trung tâm với 81 cán bộ, công chức, viên chức (trong đó, 60 cán bộ có trình độ đại học và 6 cán bộ đang học đại học, còn lại là cao đẳng, trung cấp và tương đương; 10 cán bộ có trình độ chính trị cao cấp, còn lại là trung cấp). 15 Phòng Tư pháp cấp huyện có 67 cán bộ, công chức (trong đó, 01 cán bộ trình độ thạc sĩ, 54 cán bộ trình độ đại học, 4 người đang học đại học; 13 người có trình độ chính trị cao cấp, 40 người trung cấp, còn lại là sơ cấp). 184 xã, phường, thị trấn có 277 cán bộ Tư pháp - hộ tịch, trong đó 03 xã bố trí 03 cán bộ tư pháp - hộ tịch, 85 xã, phường, thị trấn bố trí 02 cán bộ tư pháp - hộ tịch. Mặt khác, Sở đã thực hiện tốt chức năng tham mưu cho UBND tỉnh quản lý nhà nước đối với hoạt động hành nghề luật sư, tư vấn pháp luật và giám định tư pháp trên địa bàn tỉnh; hiện nay Đoàn luật sư có 29 luật sư, hoạt động tại 15 văn phòng luật sư, có 60 giám định viên tư pháp hoạt động tại Trung tâm pháp y tỉnh và các Sở, ngành liên quan; hoạt động công chứng đã từng bước được xã hội hoá, đã thành lập 02 Văn phòng Công chứng trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh việc chú trọng củng cố, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của ngành ngày càng lớn mạnh, các cơ quan Tư pháp cũng đã tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp ban hành các văn bản nhằm hoàn thiện thể chế quản lý tư pháp ở địa phương (hiện có 33 văn bản quy phạm pháp luật hiện hành điều chỉnh các lĩnh vực của ngành), đã tạo hành lang pháp lý đồng bộ để các ngành, địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, mục tiêu công tác Tư pháp trong nhiều năm qua. Mặt khác, sự cố gắng nỗ lực vươn lên, khắc phục mọi khó khăn, luôn tự đổi mới, chủ động, sáng tạo, dám làm và dám chịu trách nhiệm của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức của ngành đã luôn tạo ra sức bật mới, là động lực và tiền đề quan trọng thúc đẩy thực hiện hoàn thành nhiệm vụ trọng tâm của ngành trong những năm qua, nổi bật nhất là:
- Công tác xây dựng, thẩm định, kiểm tra, góp ý, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật và công tác theo dõi thi hành pháp luật ngày càng được tăng cường, chất lượng văn bản ngày càng được nâng cao, tất cả các văn bản do ngành trực tiếp xây dựng, thẩm định đều có chất lượng và đúng quy định pháp luật; công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật đã được ngành tham mưu triển khai thực hiện kịp thời, thường xuyên; công tác theo dõi thi hành pháp luật là một nhiệm vụ mới nhưng đã được tập trung triển khai sâu rộng và đạt một số kết quả nhất định..., góp phần quan trọng bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, khả thi của hệ thống văn bản pháp luật và thực hiện pháp luật, đáp ứng yêu cầu nâng cao hiệu lực quản lý, điều hành của chính quyền địa phương.
- Công tác phổ biến giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý đã được toàn ngành chú trọng, tập trung hướng mạnh về cơ sở bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, nội dung phù hợp với các đối tượng… Đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật đã chú trọng xây dựng và phát triển mạnh, toàn tỉnh có 168 báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh, 637 báo cáo viên pháp luật cấp huyện và 4.029 tuyên truyền pháp luật ở cơ sở; có 139 câu lạc bộ pháp luật, với gần 20.000 hội viên; công tác xây dựng, quản lý và khai tủ sách pháp luật ở các cơ quan, đơn vị, trường học và xã, phường, thị trấn đã thực sự phát huy hiệu quả thiết thực (hiện có 612 tủ sách pháp luật với hơn 40.000 đầu sách); Bản tin Tư pháp hàng tháng phát hành 3.500 cuốn và hàng trăm nghìn ấn phẩm tuyên truyền pháp luật phát hành hàng năm được cấp phát miễn phí đến tận thôn, buôn, tổ dân phố… góp phần thiết thực nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ và nhân dân, do đó tình trạng vi phạm pháp luật và các tệ nạn xã hội giảm đáng kể, các mâu thuẫn tranh chấp trong nhân dân được giải quyết kịp thời, củng cố tình đoàn kết keo sơn giữa các dân tộc trong tỉnh, phục vụ kịp thời nhiệm vụ chính trị ở địa phương, nhất là góp phần ổn định tình hình an ninh, trật tự ở cơ sở.
Hoạt động trợ giúp pháp lý tiếp tục được kiện toàn, củng cố về tổ chức bộ máy, cán bộ, hiện có 01 Trung tâm, 02 chi nhánh, 14 câu lạc bộ, 104 trợ giúp viên và cộng tác viên trợ giúp pháp lý, hoạt động ngày càng đi vào chiều sâu, mở rộng đến nhiều đối tượng, bám sát các nhu cầu bức xúc của nhân dân, nhất là các yêu cầu về pháp luật và các chính sách ưu đãi về kinh tế – xã hội ở các thôn, buôn, xã đặc biệt khó khăn. Hoạt động hòa giải ở cơ sở ngày càng đi vào nề nếp, toàn tỉnh có 2.399 tổ hòa giải ở cơ sở, với 12.633 hòa giải viên, trung bình hàng năm hòa giải thành trên 3.000 vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp nhỏ trong cộng đồng dân cư, góp phần giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội ở cơ sở, phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương.
- Công tác hành chính tư pháp và bổ trợ tư pháp được tăng cường quản lý và chỉ đạo đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nhất là tập trung rà soát loại bỏ những thủ tục, giấy tờ không cần thiết và rút ngắn thời gian giải quyết đối với từng loại việc; bên cạnh đó là tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ và đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức trong thực thi công vụ được nâng cao, nên các hoạt động đăng ký hộ tịch, quốc tịch, lý lịch tư pháp, công chứng, chứng thực, luật sư, tư vấn pháp luật, giám định tư pháp; bán đấu giá tài sản, trách nhiệm bồi thường của Nhà nước… đã đáp ứng kịp thời các yêu cầu của công dân, tổ chức doanh nghiệp và bổ trợ cho các hoạt động Tư pháp khác, phục vụ nhiệm vụ đấu tranh phòng chống tội phạm, ngăn ngừa vì phạm pháp luật trong tỉnh những năm qua.
- Công tác cải cách hành chính từng bước được đẩy mạnh thực hiện, thông qua việc rà soát,
công bố và thực hiện Bộ thủ tục hành chính của ngành gồm 131 thủ tục; thực hiện cải cách hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông, gắn với việc áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001 : 2008 và Hệ thống quản lý theo kết quả đầu ra (PMS) trong các lĩnh vực hoạt động của ngành đã từng bước nâng cao năng lực công tác, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tác phong công tác, đạo đức lối sống, phẩm chất chính trị, tinh thần trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức của ngành trong thực thi công vụ và đã giải quyết, cung cấp kịp thời các dịch vụ hành chính công cho công dân, tổ chức, doanh nghiệp...; góp phần nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước về công tác tư pháp, phục vụ các hoạt động kinh tế, xã hội trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, việc triển khai áp dụng phần mềm quản lý, điều hành trực tuyến (OMS) trong hoạt động của cơ quan; phần mềm đăng ký và quản lý hộ tịch ở 3 cấp (tỉnh, huyện, xã); xây dựng và phát hành đĩa CD-Room cơ sở dữ liệu văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh; xây dựng và duy trì hoạt động thường xuyên Trang tin điện tử của Sở Tư pháp, góp phần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, hướng dẫn nghiệp vụ, thủ tục hành chính, giải đáp các vướng mắc về pháp luật của công dân, tổ chức, doanh nghiệp và thông tin các hoạt động của ngành từ tỉnh đến cơ sở; công khai các trình tự, thủ tục, hồ sơ, mức thu lệ phí trong các lĩnh vực giải quyết các yêu cầu của công dân, tổ chức, doanh nghiệp, thông báo kết quả giải quyết công việc… Những kết quả này đã góp phần tích cực đưa công nghệ thông tin vào phục vụ các hoạt động chuyên môn của ngành từ tỉnh đến cơ sở, tăng cường công tác quản lý, điều hành và nâng cao chất lượng, hiệu quả các lĩnh vực công tác của ngành.
Những kết quả đã đạt được của ngành trong 28 năm qua chính là nhờ sự cố gắng phấn đấu nỗ lực, sự dày công xây dựng, vun đắp cho Tư pháp Đăk Lăk trưởng thành, phát triển như ngày hôm nay của các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức của ngành, và những thành quả ấy đã được Nhà nước ghi nhận, biểu dương kịp thời, nhiều năm liền Sở Tư pháp Đăk Lăk đã được UBND, Bộ Tư pháp tặng nhiều Bằng khen, Cờ thi đua xuất sắc, Bộ Công an tặng Bằng khen về phong trào quần chúng bảo vệ an ninh tổ quốc, Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen và phần thưởng cao quý, nhất là được Chủ tịch Nước tặng thưởng Huân chương lao động hạng Ba vào năm 2001, Huân chương lao động hạng Nhì vào năm 2007 và 03 năm gần đây (từ 2007 - 2009) liên tục được UBND tỉnh tặng Cờ thi đua xuất sắc dẫn đầu Khối cơ quan Nội chính của tỉnh.
Với một bề dày thành tích đã đạt được và đến nay vẫn không ngừng được duy trì, phấn đấu, phát triển, trong những năm tiếp theo, ngành Tư pháp Đăk Lăk mong được sự quan tâm hơn nữa của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Bộ Tư pháp và các Sở, ngành, địa phương trong tỉnh; đồng thời, mỗi đơn vị và từng cán bộ, công chức, viên chức của ngành sẽ tiếp tục phát huy đoàn kết, chủ động đổi mới, tích cực, năng động, sáng tạo, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, tạo nhiều chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa các hoạt động Tư pháp Đăk Lăk trong thời kỳ mới; tiếp tục thực hiện tốt phương châm “gần dân, cần cho dân và thân thiện với dân”, góp phần đáng kể vào việc ổn định an ninh chính trị và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà và sự vững mạnh, trưởng thành của ngành Tư pháp Việt Nam.
Thanh Tâm