Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Đắk Lắk được thành lập năm 1998, cùng với sự lớn mạnh và phát triển của ngành tư pháp tỉnh hoạt động Trợ giúp pháp lý đã trở thành cầu nối đưa chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước đến với người nghèo, người có công, phụ nữ, người già, trẻ em cô đơn không nơi nương tựa và đồng bào dân tộc thiểu số... Hoạt động trợ giúp pháp lý đã giúp họ bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của mình, nâng cao hiểu biết và ý thức pháp luật, biết lựa chọn cách ứng xử phù hợp với pháp luật, tôn trọng và chấp hành pháp luật, góp phần thực hiện công bằng xã hội, bảo đảm quốc phòng và an ninh tỉnh nhà trong những năm qua.
Từ những ngày đầu mới thành lập chỉ có 2 cán bộ, đến nay Trung tâm đã thực sự lớn mạnh và trưởng thành. Ban Lãnh đạo và đội ngũ viên chức của Trung tâm thường xuyên được kiện toàn, bổ sung biên chế đảm bảo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Trung tâm hiện có 22 người trong đó hầu hết đều có trình độ đại học, công tác tại Trung tâm và 02 chi nhánh (Chi nhánh số 01 đặt tại thị trấn Phước An, huyện Krông Pắk; Chi nhánh số 02 đặt tại huyện Cư Kuin).
14 năm qua, tuy chưa phải là thời gian dài nhưng với những nỗ lực, cố gắng không mệt mỏi của tập thể cán bộ viên chức, Trung tâm đã đạt được những thành quả nhất định khi đã thực hiện hơn 21.000 vụ việc trợ giúp pháp lý miễn phí cho các đối tượng bằng các hình thức: tư vấn pháp luật, tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng và các hình thức khác... ; giúp người nghèo, người dân tộc thiểu số và các đối tượng chính sách giải quyết vướng mắc pháp luật trong các lĩnh vực pháp luật: hình sự, dân sự, đất đai, hôn nhân - gia đình, hành chính, khiếu nại, tố cáo... Trong đó, hơn 500 vụ mời luật sư tham gia tố tụng để bảo vệ, bào chữa cho đối tượng thực hiện tư vấn pháp luật hơn 15.000 vụ, kiến nghị 129 vụ, hòa giải 15 vụ. Trung bình mỗi năm thực hiện hơn 1.360 vụ, năm sau cao hơn năm trước với chất lượng, hiệu quả ngày càng tăng.
Với phương châm hướng hoạt động trợ giúp pháp lý đến với vùng xa, vùng sâu, tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng yếu thế, hoàn cảnh khó khăn, nhận thức pháp luật còn hạn chế ... được tiếp cận với hoạt động trợ giúp pháp lý miễn phí, giảm được thời gian và chi phí đi lại cho người dân; thời gian qua, Trung tâm đã phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức 358 đợt trợ giúp pháp lý lưu động đến tất cả các xã và thôn, buôn trong đó hầu hết các xã khu vực III và thôn, buôn đặc biệt khó khăn. Trong các đợt trợ giúp pháp lý lưu động, Trung tâm đã trực tiếp tư vấn hàng ngàn vụ việc để hướng dẫn người dân giải quyết tranh chấp, vướng mắc pháp luật, lồng ghép tuyên truyền pháp luật cho gần 30 ngàn người (đa phần là đồng bào dân tộc thiểu số, nhân dân ở vùng đồng bào có đạo và vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn) với các hình thức khác nhau như: tổ chức các bàn để tiếp dân theo lĩnh vực pháp luật (hình sự, dân sự, đất đai, chính sách xã hội…), tổ chức nói chuyện chuyên đề pháp luật hoặc giới thiệu các quy định của pháp luật... Thành công của các đợt trợ giúp pháp lý lưu động được thể hiện bằng việc thu hút hàng nghìn người dân tham dự, lắng nghe các nội dung pháp luật và làm theo hướng dẫn của Trung tâm về cách giải quyết các vướng mắc của mình; đồng thời, Trung tâm đã cấp phát tận tay người dân hàng chục ngàn tờ gấp pháp luật về hoạt động của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước, một số quy định về Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Đất đai, pháp luật về phòng chống tội phạm, bình đẳng giới, giao thông đường bộ.... Trong quá trình trợ giúp pháp lý, bên cạnh việc đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của người dân, Trung tâm Trợ giúp pháp lý đã tích cực phát hiện, báo cáo, kiến nghị với chính quyền các cấp của địa phương nhằm hoàn thiện hơn một số nội dung thuộc quản lý hành chính nhà nước.
Đặc biệt, đầu năm 2000, Trung tâm Trợ giúp pháp lý cùng các Cộng tác viên trợ giúp pháp lý đã tích cực tham gia với chính quyền địa phương thực hiện điều tra khảo sát, viết giúp giấy khai sinh quá hạn cho hơn 12.000 cháu học sinh (chủ yếu là người dân tộc thiểu số) có giấy khai sinh để đến trường; điều tra khảo sát, viết giúp giấy đăng ký kết hôn cho 8.250 cặp vợ chồng ở các xã vùng sâu, vùng xa, các buôn dân tộc trong tỉnh nhằm thực hiện Nghị định của Chính phủ số 77/2001/NĐ-CP ngày 22/10/2001 quy định chi tiết về đăng ký kết hôn theo Nghị quyết số 35/2000/QH10 của Quốc hội về việc thi hành Luật Hôn nhân và gia đình; Tham gia Ban chỉ đạo của tỉnh và trực tiếp giúp đỡ một số huyện, xã trong việc tập huấn cán bộ xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước buôn thôn, góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng hương ước, quy ước trong toàn tỉnh.
Trung tâm đã tiến hành đa dạng hóa hoạt động tuyên truyền, giới thiệu về hoạt động và chức năng nhiệm vụ của Trung tâm bằng các hình thức như lên sóng phát thanh và truyền hình, Báo Đắk Lắk, Trang tin điện tử của Sở Tư pháp, Bản tin Tư pháp; Bản tin chuyên đề cấp đến các cơ quan, đơn vị tận cơ sở. Đồng thời, phát huy có hiệu quả việc tuyên truyền pháp luật trên loa, đài truyền thanh ở cụm dân cư, thôn, buôn, tổ dân phố, xã, phường; phối hợp với các cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan biên soạn và cung cấp tài liệu tuyên truyền (đề cương, băng đĩa ghi nội dung pháp luật...); lắp đặt các bảng thông tin, Hộp tin về trợ giúp pháp lý theo Chương trình phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng giữa Công an tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Sở Tài chính, Toà án nhân dân tỉnh, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng và Bộ chỉ huy Quân sự; xây dựng các mẫu đơn, tờ gấp, tài liệu về TGPL và Sổ theo dõi, hướng dẫn đối tượng TGPL miễn phí đặt trong hộp tin để hỗ trợ tốt nhất cho cán bộ hướng dẫn cũng như các đối tượng thụ hưởng; thực hiện chuyên mục “Giải đáp pháp luật” về trợ giúp pháp lý trên Báo Đắk Lắk.
Hiện trên địa bàn tỉnh có 14 Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý (trong đó có 02 Câu lạc bộ thuộc Quỹ trợ giúp pháp lý, 04 Câu lạc bộ trong Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và 08 Câu lạc bộ thuộc Dự án). Với điều kiện thuận lợi là gần dân, sát dân, thành viên của Câu lạc bộ là những người sống chung trong cộng đồng dân cư ở cơ sở nên hoạt động của các Câu lạc bộ đã trở thành chỗ dựa về mặt pháp luật cho nhân dân, giúp họ nâng cao hiểu biết pháp luật, tự tin trong giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp nhỏ trong cộng đồng dân cư, giữ gìn tình làng, nghĩa xóm và thực hiện dân chủ cơ sở, ổn định trật tự xã hội và an ninh nông thôn ở từng địa bàn dân cư.
Tập thể công chức, viên chức, người lao động tại Trung tâm đã nhiều năm liền nhận được Giấy khen của Giám đốc Sở Tư pháp, Bằng khen của Bộ Tư pháp và UBND tỉnh Đắk Lắk về thành tích đạt được trong công tác trợ giúp pháp lý. Nhưng phần thưởng có ý nghĩa nhất đối với những người làm trợ giúp pháp lý tại Trung tâm là những ánh mắt biết ơn, những bàn tay siết chặt của đối tượng được trợ giúp pháp lý; đó cũng chính là niềm tự hào, sự động viên to lớn đối với cán bộ, công chức, viên chức của Trung tâm, là chất keo gắn kết mỗi cán bộ, viên chức với nghề.
Trong thời gian tới, khi đội ngũ cán bộ tăng lên Theo lộ trình của Đề án kiện toàn tổ chức bộ máy và biên chế, Trung tâm xác định mục tiêu hướng tới là tăng số lượng và chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý nhất là các vụ việc tham gia tố tụng, đại diện, hoà giải...; thực hiện tốt hơn nữa việc kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về những vấn đề bức xúc liên quan đến thi hành pháp luật.
Hiện nay, các đối tượng được thụ hưởng chính sách trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh là rất nhiều, phân bố tập trung ở hầu hết các huyện, thị xã có nhiều xã khu vực III, thôn buôn đặc biệt khó khăn...(trên địa bàn tỉnh đối tượng hưởng chính sách là gần 39.500 người, số người bị tàn tật là gần 25.650 người, số hộ nghèo là hơn 55.500 hộ, số đối tượng bảo trợ xã hội hưởng trợ cấp là hơn 10.560 người). Đồng thời, với diện tích rộng, cơ sở hạ tầng và kinh tế xã hội chưa phát triển, địa hình phức tạp thì việc triển khai thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý cho các đối tượng tại tỉnh cũng là một thách thức không nhỏ đối với những cán bộ làm công tác trợ giúp pháp lý. Vì vậy, hoạt động trợ giúp pháp lý tại địa phương luôn cần được sự quan tâm chỉ đạo và kịp thời, tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn của các cấp ủy Đảng; Cục Trợ giúp pháp lý; UBND tỉnh; Lãnh đạo Sở Tư pháp; sự phối hợp của các Sở, ban, ngành và chính quyền các địa phương trong công tác trợ giúp pháp lý nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh đáp ứng cao nhất các nhu cầu trợ giúp pháp lý của người dân, góp phần bảo vệ quyền lợi cho các đối tượng đồng thời nâng cao hiểu biết và ý thức tôn trọng pháp luật của nhân dân, góp phần phòng ngừa, hạn chế hành vi vi phạm pháp luật và tranh chấp do thiếu hiểu biết pháp luật, đảm bảo công bằng xã hội; xứng đáng là chỗ dựa tin cậy của người nghèo, người yếu thế./.
Phạm Thị Minh Phương
Giám đốc Trung tâm TGPL