Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Xây dựng Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia và kiện toàn tổ chức thuộc Sở Tư pháp để xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp”
Ngày đăng: 17/01/2011 10:26
Thực hiện Kế hoạch triển khai thực hiện Luật Lý lịch tư pháp và Nghị định số 111/2010/NĐ-CP ngày 23/11/2010 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Lý lịch tư pháp, ngày 28/12/2010, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 2369/2010/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Xây dựng Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia và kiện toàn tổ chức thuộc Sở Tư pháp để xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp”, với một số nội dung cơ bản sau đây:
1. Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia: Đã được Luật Lý lịch tư pháp và Nghị định số 111/2010/NĐ-CP xác định rõ, đó là đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ Tư pháp, có chức năng xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp trong phạm vi cả nước. Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia sẽ có quan hệ phối hợp với khoảng hơn 200 đầu mối các cơ quan, tổ chức trên toàn quốc.
2. Kiện toàn tổ chức thuộc Sở Tư pháp: Sở Tư pháp là cơ quan vừa thực hiện chức năng xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đồng thời, là cơ quan tham mưu, giúp UBND cấp tỉnh thực hiện quản lý nhà nước về lý lịch tư pháp tại địa phương. Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp được xây dựng tại Sở Tư pháp bao gồm các thông tin lý lịch tư pháp của người có hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Để thực hiện nhiệm vụ xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp và quản lý nhà nước về lý lịch tư pháp tại địa phương, về cơ bản, các Sở Tư pháp sử dụng tổ chức hiện có của Sở là Phòng Hành chính tư pháp, được bổ sung thêm biên chế để thực hiện nhiệm vụ mới. Riêng đối với Sở Tư pháp 5 thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh và Cần Thơ với đặc thù là 5 thành phố trực thuộc Trung ương, được thành lập Phòng Lý lịch tư pháp thuộc Sở Tư pháp.
3. Các giải pháp thực hiện Đề án: Để bảo đảm tính khả thi của các hoạt động, Đề án đã đề ra các giải pháp thực hiện, gồm: giải pháp về xây dựng, hoàn thiện thể chế; giải pháp về phối hợp cung cấp thông tin giữa cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp và các cơ sở dữ liệu khác như hộ tịch, hộ khẩu, chứng minh nhân dân, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; giải pháp về tổ chức bộ máy, biên chế; giải pháp về bảo đảm cơ sở vật chất, kỹ thuật cho Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia và các Sở Tư pháp, giải pháp về ứng dụng công nghệ thông tin; giải pháp về đào tạo công chức, viên chức làm công tác lý lịch tư pháp.
Phương Hoa (Nguồn: www.moj.gov.vn)