Thủ tướng Chính phủ chỉ thị: Tăng cường chỉ đạo thực hiện các biện pháp bảo vệ rừng
Ngày đăng: 05/10/2011 09:55
Nhằm đảm bảo kỷ cương pháp luật, hiệu quả quản lý nhà nước trong công tác bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng phá rừng, chiếm đất, lấy gỗ và lâm sản trái pháp luật, ngày 27/9/2011, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 1685/CT-TTg về tăng cường chỉ đạo thực hiện các biện pháp bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng phá rừng và chống người thi hành công vụ. Theo Chỉ thị này, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo, tổ chức thực hiện quyết liệt các biện pháp quản lý bảo vệ rừng, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của địa phương; trước mắt cần khẩn trương thực hiện nghiêm túc một số việc trọng tâm, cấp bách sau:
- Kiểm tra diện tích rừng hiện có, trong đó, tập trung chủ yếu vào diện tích rừng tự nhiên, giao trách nhiệm quản lý, bảo vệ rừng cho chính quyền cấp huyện, cấp xã và chủ rừng. Huy động các lực lượng Công an, Quân đội phối hợp với Kiểm lâm kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn tình trạng phá rừng lấy gỗ, lâm sản và đất sản xuất trái pháp luật.
- Tổ chức rà soát, đánh giá kết quả thực hiện các dự án chuyển đổi rừng sang các cây trồng khác và các dự án chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, đất lâm nghiệp được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt từ năm 2006 đến nay. Xử lý nghiêm, đúng pháp luật đối với tổ chức, cá nhân lợi dụng chủ trương cải tạo, chuyển đổi rừng nghèo kiệt để trục lợi.
- Rà soát diện tích rừng và đất lâm nghiệp do các lâm trường, công ty lâm nghiệp đang quản lý, sử dụng để tiếp tục có phương án, giải pháp cụ thể sắp xếp, nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng, sản xuất kinh doanh, đề xuất chính sách, cơ chế quản lý.
Đối với diện tích rừng và đất lâm nghiệp do UBND cấp xã đang quản lý phải khẩn trương rà soát để tổ chức giao, cho thuê cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng theo quy định của pháp luật.
- Rà soát toàn bộ diện tích khoán bảo vệ rừng; khoán đất lâm nghiệp theo quy định. Kiên quyết thanh lý hợp đồng khoán bảo vệ rừng, khoán đất lâm nghiệp không đúng đối tượng hoặc tổ chức, cá nhân đã nhận khoán bảo vệ rừng nhưng thiếu trách nhiệm, vi phạm quy định của Nhà nước về bảo vệ rừng.
- Quản lý chặt chẽ, kiểm tra thường xuyên, đột xuất các cơ sở chế biến gỗ; xử lý nghiêm, đúng quy định pháp luật... Thu hồi, không cấp mới giấy phép kinh doanh đối với cơ sở chế biến gỗ không đảm bảo nguồn nguyên liệu hợp pháp hoặc không phù hợp với quy hoạch các cơ sở chế biến gỗ trên địa bàn.
- Tăng cường quản lý đất lâm nghiệp, phát hiện, xử lý kịp thời các vụ vi phạm pháp luật về đất đai. Thu hồi toàn bộ đất lâm nghiệp bị lấn chiếm trái pháp luật để trồng lại rừng; chấm dứt tình trạng mua, bán và “hợp thức hóa” quyền sử dụng đất do phá rừng trái pháp luật.
- Quản lý chặt chẽ tình trạng dân di cư tự do tại cả nơi đi và nơi đến. Các địa phương có dân đi phải tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, ổn định đời sống của người dân để giảm thiểu tình trạng di cư ra khỏi địa phương.
- Xử lý nghiêm minh những vi phạm theo pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng, tập trung thống kê, điều tra, triệt phá chủ đường dây buôn bán lâm sản trái pháp luật; rà soát xử lý dứt điểm các vụ án tồn đọng gắn với tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương để giáo dục, răn đe phòng ngừa chung.
(B.N)