 |
Phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân cơ sở thông qua hình thức tổ chức Hội thi |
Nhằm đánh giá thực trạng tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở, từ đó có giải pháp thúc đẩy, nâng cao trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức và cá nhân trong việc triển khai các thiết chế tiếp cận pháp luật, thực hiện, bảo vệ và phát huy quyền và lợi ích hợp pháp của công dân ngay tại cơ sở; phát huy vai trò của pháp luật trong đời sống xã hội, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Ngày 24/01/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 09/2013/QĐ-TTg quy định về chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở.
Theo đó, có 8 tiêu chí để đánh giá việc đạt chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở, gồm: 1 - Giải quyết các vụ việc hành chính tư pháp; 2 - Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND xã, phường; 3 - Phổ biến, giáo dục pháp luật; 4 - Trợ giúp pháp lý; 5 - Thực hiện dân chủ ở xã, phường; 6 - Thiết chế tiếp cận pháp luật của xã hội; 7 - Bộ máy bảo đảm thực hiện thiết chế pháp luật; 8 - Kinh phí và cơ sở vật chất.
8 tiêu chí nêu trên có 41 chỉ tiêu với số điểm đánh giá tương ứng, chẳng hạn như tiêu chí về giải quyết các vụ việc hành chính tư pháp gồm 12 chỉ tiêu với số điểm đánh giá tối đa là 300 điểm; tiêu chí về phổ biến, giáo dục pháp luật gồm 6 chỉ tiêu với số điểm đánh giá tối đa là 100 điểm; tiêu chí về trợ giúp pháp lý gồm 5 chỉ tiêu với số điểm đánh giá tối đa là 100 điểm;... Tổng số điểm tối đa của các tiêu chí là 1.000 điểm. Địa phương đạt chuẩn và tiêu biểu về tiếp cận pháp luật ít nhất phải đạt từ 700 điểm trở lên.
Theo Quyết định, đơn vị hành chính cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật là đơn vị không có tiêu chí nào đạt dưới 50% số điểm tối đa và có số điểm chuẩn như sau:
- Đạt từ 900 điểm trở lên đối với các phường thuộc các quận của thành phố trực thuộc Trung ương.
- Đạt từ 800 điểm trở lên đối với các xã, thị trấn thuộc huyện của thành phố trực thuộc Trung ương; xã, phường của thành phố, thị xã thuộc tỉnh; thị trấn của huyện thuộc tỉnh khu vực đồng bằng, trung du; xã, phường của thị xã, thành phố thuộc tỉnh miền núi.
- Đạt từ 700 điểm trở lên đối với các xã, thị trấn thuộc miền núi, hải đảo; xã đặc biệt khó khăn theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.
Theo đó, quận, huyện được công nhận là quận, huyện đạt chuẩn tiếp cận pháp luật nếu có trên 70% số xã, phường (không tính thị trấn) đạt chuẩn tiếp cận pháp luật và không có xã, phường nào đạt dưới 500 điểm; tỉnh, thành phố được công nhận là tỉnh, thành phố đạt chuẩn tiếp cận pháp luật nếu có trên 70% số quận, huyện đạt chuẩn tiếp cận pháp luật và trên 70% số xã, phường đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; không có xã, phường đạt dưới 500 điểm.
Trên cơ sở kết quả đánh giá đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, địa phương sẽ được biểu dương là đơn vị tiêu biểu về tiếp cận pháp luật, nếu đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại Điều 6 của Quyết định, bao gồm:
- Xã, phường được biểu dương là xã, phường tiêu biểu về tiếp cận pháp luật cấp tỉnh phải đạt trên 20 điểm so với điểm chuẩn của năm đánh giá nhưng không quá 15% số xã, phường đạt chuẩn tiếp cận pháp luật của tỉnh, thành phố.
- Xã, phường được biểu dương là xã, phường tiêu biểu về tiếp cận pháp luật toàn quốc phải đạt trên 40 điểm so với điểm chuẩn của năm đánh giá nhưng không quá 3% số xã, phường đạt chuẩn tiếp cận pháp luật của toàn quốc; Quận, huyện được biểu dương là quận, huyện tiêu biểu về tiếp cận pháp luật toàn quốc nếu trong năm đánh giá có trên 90% xã, phường đạt chuẩn tiếp cận pháp luật và không quá 10% số quận, huyện đạt chuẩn tiếp cận pháp luật;
- Tỉnh, thành phố được biểu dương là tỉnh, thành phố tiêu biểu về tiếp cận pháp luật toàn quốc nếu trong năm đánh giá có quận, huyện tiêu biểu về tiếp cận pháp luật toàn quốc, có trên 3% số xã, phường đạt chuẩn tiếp cận pháp luật được biểu dương là xã, phường tiêu biểu về tiếp cận pháp luật toàn quốc. Tỉnh, thành phố tiêu biểu về tiếp cận pháp luật toàn quốc không quá 20% số tỉnh, thành phố đạt chuẩn tiếp cận pháp luật
Việc đánh giá xã, phường đạt chuẩn tiếp cận pháp luật được thực hiện mỗi năm một lần, tính từ ngày 01 tháng 7 của năm trước đến 30 tháng 6 của năm đánh giá. Việc đánh giá xã, phường tiêu biểu về tiếp cận pháp luật được thực hiện hai năm một lần tính từ ngày 01 tháng 7 của 02 năm trước đến 30 tháng 6 của năm đánh giá.
Quyết định cũng quy định cụ thể về quy trình đánh giá, công nhận, biểu dương, khen thưởng xã, phường, quận, huyện, tỉnh, thành phố đạt chuẩn và tiêu biểu về tiếp cận pháp luật; định mức khen thưởng đối với các đơn vị được công nhận, khen thưởng cũng như quy định trách nhiệm của các Bộ, ngành, UBND các cấp trong việc triển khai thực hiện Quyết định này.
Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 31/3/2013. Thời hạn được tính để đánh giá địa phương bắt đầu từ ngày 01/7/2013.
Nguyễn Thủy