Quốc hội ban hành Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013
Ngày đăng: 21/08/2013 08:39
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 21/08/2013 08:39
Ngày 20/6/2013, tại Kỳ họp thứ năm Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật Hòa giải ở cơ sở thay thế cho Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở, có hiệu lực thi hành bắt đầu từ ngày 01/01/2014. Luật gồm 5 Chương 33 Điều bao gồm những quy định chung; hòa giải viên, tổ hòa giải; hoạt động hòa giải ở cơ sở; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong hoạt động hòa giải ở cơ sở; điều khoản thi hành.
Luật quy định hòa giải ở cơ sở là việc hòa giải viên hướng dẫn, giúp đỡ các bên đạt được thỏa thuận, tự nguyện giải quyết với nhau các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật, theo đó, những trường hợp mâu thuẫn, tranh chấp xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng; vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình, giao dịch dân sự mà theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự; vi phạm pháp luật mà theo quy định phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc bị xử lý vi phạm hành chính; mâu thuẫn, tranh chấp khác thì không thuộc phạm vi hòa giải ở cơ sở. Bên cạnh đó, Luật còn quy định hoạt động hòa giải ở cơ sở được thực hiện trên nguyên tắc tự nguyện của các bên, phù hợp với chính sách, pháp luật của Nhà nước, đạo đức xã hội, phong tục tập quán tốt đẹp của nhân dân; tôn trọng ý chí, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận trong công tác hòa giải ở cơ sở; tạo điều kiện cho hoạt động hòa giải và khuyến khích các tổ chức, cá nhân đóng góp, hỗ trợ cho hoạt động hòa giải ở cơ sở; Nhà nước hỗ trợ kinh phí để biên soạn, phát hành tài liệu; tổ chức bồi dưỡng, hướng dẫn nghiệp vụ, kỹ năng về hòa giải ở cơ sở, các chi phí cần thiết khác cho hoạt động hòa giải ở cơ sở.
Theo quy định của Luật về hòa giải viên thì công dân Việt Nam thường trú tại cơ sở, tự nguyện tham gia hoạt động hòa giải và phải có phẩm chất đạo đức tốt, có uy tín trong cộng đồng dân cư; có khả năng thuyết phục, vận động nhân dân; có hiểu biết pháp luật thì đủ tiêu chuẩn để được bầu làm hòa giải viên. Quyền và nghĩa vụ của hòa giải viên khi tham gia hoạt động hòa giải ở cơ sở và các trường hợp thôi làm hòa giải viên. Tổ hòa giải được thành lập khi có từ 3 hòa giải viên trở lên, có hòa giải viên nữ, có hòa giải viên là người đồng bào đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Căn cứ vào đặc điểm tình hình kinh tế - xã hội, dân số của địa phương để thành lập tổ hòa giải, hòa giải viên. Đồng thời, quy định rõ trách nhiệm của tổ hòa giải, tổ trưởng tổ hòa giải trong hoạt động hòa giải ở cơ sở.
Luật còn quy định cụ thể về hoạt động hòa giải ở cơ sở như: căn cứ để tiến hành hòa giải; quyền và nghĩa vụ của các bên trong hòa giải; phân công hòa giải viên; người được mời tham gia hòa giải; địa điểm và thời gian hòa giải; tiến hành hòa; hòa giải giữa các bên ở thôn, tổ dân phố khác nhau; kết thúc hòa giải; hòa giải thành; thực hiện thỏa thuận hòa giải thành; theo dõi, đôn đốc thực hiện thỏa thuận hòa giải thành; hòa giải không thành.
Bên cạnh các nội dung trên, Luật còn quy định chi tiết về trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong hoạt động hòa giải ở cơ sở trong đó có Chính phủ, Bộ Tư pháp, Ủy ban nhân dân các cấp (UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; UBND huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; UBND cấp xã); Ủy ban mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên của Mặt trận.
Sự ra đời của Luật Hòa giải ở cơ sở đã khẳng định được vai trò của hòa giải ở cơ sở trong việc giải quyết tranh chấp trong cộng đồng dân cư, nâng cao nhận thức trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội đối với công tác này. Qua đó, từng bước kiện toàn tổ chức và nâng cao hiệu quả hoạt động hòa giải ở cơ sở; tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, toàn diện và thống nhất về tổ chức, hoạt động của Tổ hòa giải trong cộng đồng dân cư; tăng tỷ lệ hòa giải thành thông qua việc phát hiện và giải quyết kịp thời, có hiệu quả những vi phạm pháp luật, tranh chấp nhỏ thuộc phạm vi hòa giải; góp phần ổn định trật tự xã hội ở địa bàn dân cư, hạn chế đơn thư khiếu kiện trong nhân dân; tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ thực hiện nhiệm vụ theo dõi, hướng dẫn công tác hòa giải ở cơ sở; nâng cao hiểu biết pháp luật, kỹ năng hòa giải ở cơ sở cho Hòa giải viên.
Bích Luy
23/05/2025 10:46:38
14/05/2025 10:50:38
22/04/2025 07:57:18