 |
Hội thi "Trưởng thôn, buôn, tổ dân phố với kiến thức pháp luật" được tổ chức theo hình thức sân khấu hóa |
Ảnh: X.L |
Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật là một hoạt động quan trọng được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm; là một trong những kênh thông tin hiệu quả đưa chủ trương, chính sách, pháp luật đến với nhân dân, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật cho người dân, góp phần giữ gìn an ninh, trật tự, ổn định chính trị, phát triển kinh tế địa phương.
Công tác này rất có ý nghĩa đối với Đắk Lắk là một tỉnh có tới 44 dân tộc anh em cùng sinh sống, với nhiều thôn, buôn đặc biệt khó khăn và các xã vùng sâu, vùng xa, xã biên giới; nhiều nơi đường sá đi lại khó khăn…
Xác định được tầm quan trọng và sự cần thiết của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, Sở Tư pháp đã dựa vào phương châm: tăng cường hướng về cơ sở, phục vụ cơ sở để triển khai nhiệm vụ này với những kết quả đáng khích lệ.
Đầu tiên phải kể đến hoạt động chỉ đạo củng cố kiện toàn đội ngũ người làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật – những báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật từ tỉnh đến cơ sở được coi là yếu tố mấu chốt quyết định đến chất lượng và hiệu quả thực hiện công tác này. Với 77 báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh, 371 báo cáo viên pháp luật cấp huyện, 154/280 xã, phường, thị trấn có tuyên truyền viên pháp luật… đội ngũ người làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đã tạo thành mạng lưới rộng khắp ở tất cả các cơ quan, đơn vị, đến từng xã, thôn, buôn. Bên cạnh đó là đội ngũ hơn 100 cộng tác viên trợ giúp pháp lý tại cơ sở và 12.777 thành viên của 2.437 tổ hòa giải đã hàng ngày, hàng giờ đưa pháp luật đến với người dân ngay tại địa bàn, kịp thời đáp ứng các yêu cầu tìm hiểu pháp luật của nhân dân.
Sau 30 năm hình thành và phát triển, đến nay, Sở Tư pháp đã chỉ đạo, duy trì thường xuyên hơn 10 hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật phù hợp với từng đối tượng, từng địa bàn; nhiều hình thức luôn được cải tiến để ngày càng đa dạng, linh hoạt, chuyển tải được nhiều thông tin pháp luật về cơ sở. Trong đó, phải kể đến việc tổ chức các hội thi, cuộc thi tìm hiểu pháp luật, xây dựng ấn phẩm tài liệu tuyên truyền pháp luật, Bản tin Tư pháp, Trang tin điện tử… và những hoạt động lồng ghép hiệu quả việc phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua hòa giải cơ sở, trợ giúp pháp lý….
Trong các hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật thì công tác tổ chức hội thi, cuộc thi của tỉnh là một trong những hình thức mang lại hiệu quả cao đã có hơn 20 hội thi, cuộc thi được Sở Tư pháp – cơ quan thường trực của Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tham mưu UBND tỉnh tổ chức và rất nhiều hội thi, cuộc thi do các cơ quan, đơn vị, địa phương chủ động tiến hành, thu hút hàng chục lượt người tham dự. Đa số hội thi, cuộc thi được tổ chức theo hình thức sân khấu hóa, cách thức tổ chức luôn được cải tiến khiến cho các thí sinh đến từ cơ sở hoặc những người dân tham gia không cảm thấy nhàm chán. Các tiểu phẩm dự thi chứa đựng các bài thơ, bài hát, câu ví, bài vè, bằng những câu nói dân gian, gần gũi với cuộc sống thường ngày của người dân, trở nên dễ nhớ, dễ hiểu hơn đối với đông đảo người dân.
Các tờ rơi, tờ gấp tuyên truyền pháp luật có nội dung ngắn gọn, súc tích, dễ hiểu, gần gũi với đời sống thường ngày của người dân được ngành Tư pháp in ấn và phát hành hàng trăm ngàn bản mỗi năm, trong đó nhiều tài liệu đã được dịch sang tiếng Ê Đê, Mnông… để người dân có điều kiện tìm hiểu pháp luật. Bên cạnh đó, hàng chục ngàn cuốn tài liệu, đề cương, chuyên đề, sổ tay và các ấn phẩm tuyên truyềnpháp luật khác được xây dựng theo kế hoạch hàng năm và cấp phát miễn phí đến tận cơ sở được đông đảo cán bộ và nhân dân trên địa bàn tỉnh đón nhận.
Phát huy vai trò của mình Sở Tư pháp và Phòng Tư pháp các huyện, thị xã, thành phố thường xuyên phối hợp với đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, đài truyền thanh, truyền hình các huyện, thị xã, thành phố và hệ thống loa truyền thanh ở cơ sở đã chuyển tải kịp thời các thông tin, các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các văn bản mới thuộc các lĩnh vực đất đai, dân sự, hình sự, giao thông, dân chủ cơ sở, dân tộc, tín ngưỡng tôn giáo… đến từng hộ gia đình. Đồng thời, Sở Tư pháp đã phối hợp với Báo Đắk Lắk dành riêng một chuyên mục giới thiệu văn bản pháp luật mới và giải đáp pháp luật vào số báo cuối tuần để kịp thời giải đáp những thắc mắc của người dân về các lĩnh vực pháp luật mà họ quan tâm.
Các Hội nghị quán triệt, phổ biến luật mới, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật được ngành Tư pháp kịp thời tổ chức (mỗi năm có khoảng 50 hội nghị) để trang bị kiến thức, kỹ năng phổ biến, giáo dục pháp luật cho đội ngũ làm công tác tuyên truyền pháp luật và các cán bộ chủ chốt từ tỉnh đến cơ sở.
Bản tin Tư pháp Đắk Lắk được phát hành mỗi tháng 3.500 bản/số, với hình thức đẹp, nội dung phong phú, thiết thực liên quan mật thiết đến cuộc sống của người dân đặc biệt là các đối tượng vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Các văn bản với nội dung dài, khó hiểu được rút gọn, súc tích để người dân dễ đọc, dễ hiểu, những văn bản pháp luật vốn dĩ khô khan thông qua chuyên mục pháp luật và đời sống, chuyên mục gỡ rối của “Cô Chào Mào”… được khai thác theo lối văn nói dân gian, bình dị, đời thường. Nhiều tin, bài có chất lượng được bạn đọc quan tâm như nghiên cứu, bình luận; câu chuyện vụ án; giải đáp những thắc mắc mọi lĩnh vực của đời sống xã hội liên quan đến pháp luật. Bản tin Tư pháp còn được cấp phát miễn phí đến các cơ quan, ban, ngành, tổ chức, đoàn thể ở tỉnh, báo cáo viên pháp luật; một số phòng, ban cấp huyện và UBND cấp xã và tất cả các thôn, buôn, tổ dân phố, cụm dân cư trong toàn tỉnh... góp phần đáng kể vào công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của tỉnh. Đặc biệt, trong Cuộc thi Bản tin Tư pháp toàn quốc do Bộ Tư pháp tổ chức lần đầu vào năm 2000, Bản tin Tư pháp Đắk Lắk đã đạt Giải Tư, được Bộ Tư pháp và Sở Tư pháp các tỉnh bạn đánh giá cao.
Tháng 1 năm 2008 Trang tin điện tử của Sở Tư pháp Đắk Lắk chính thức khai trương đã trở thành một kênh thông tin pháp luật quan trọng đối với cán bộ làm công tác tư pháp và đông dảo nhân dân. Đến nay đã có gần 200.000 lượt truy cập thường xuyên cung cấp thông tin về công tác tư pháp của ngành, giới thiệu văn bản pháp luật mới, hướng dẫn đến nghiệp vụ tư pháp, cung cấp miễn phí dịch vụ tìm kiếm các văn bản chỉ đạo, văn bản pháp luật của Trung ương, của tỉnh.
Việc lồng ghép phổ biến, giáo dục pháp luật trong hoạt động hòa giải cơ sở cũng đặc biệt được chú trọng, mỗi năm các tổ hòa giải thụ lý khoảng 3.000 vụ việc và có khoảng 70% các vụ việc mâu thuẫn tranh chấp nhỏ trong cộng đồng dân cư được giải quyết, chủ yếu về các lĩnh vực đất đai, dân sự, hôn nhân gia đình…đã tỏ ra là một kênh rất hiệu quả để các quy định của pháp luật được lan truyền.
Cùng với công tác hòa giải, công tác trợ giúp pháp lý cũng là một kênh chuyển tải các quy định của pháp luật đến với người dân, có tính thiết thực cao vì thông qua việc tham gia tố tụng, đại diện, tư vấn, hòa giải cho đối tượng, đã trực tiếp bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, góp phần làm lành mạnh môi trường pháp lý xã hội, thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng ở địa phương. Hằng năm, Trung tâm Trợ giúp pháp lý của tỉnh đã tổ chức hàng chục đợt trợ giúp lưu động đến tận thôn, buôn để trực tiếp hướng dẫn, tư vấn pháp luật cho hàng trăm lượt người thuộc đối tượng được trợ giúp pháp lý miễn phí của các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; đồng thời, kết hợp với việc cấp phát tài liệu, tờ gấp, nói chuyện chuyên đề về pháp luật, hoạt động trợ giúp pháp lý đã đưa chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với từng người, tạo niềm tin trong nhân dân.
Kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Sở Tư pháp Đắk Lắk, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đã dành được vị trí xứng đáng trong các hoạt động của ngành. Để tiếp tục thực hiện mục tiêu đưa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật hướng về cơ sở, phục vụ cơ sở; trong thời gian tới Sở Tư pháp sẽ tiếp tục nỗ lực cải tiến, đổi mới các hình thức, nâng cao chất lượng nội dung hơn nữa để phục vụ kịp thời nhu cầu tìm hiểu pháp luật của nhân dân, góp phần nâng cao sự hiểu biết, ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân, nhằm đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên đại bàn tỉnh.
Nguyễn Xuân thu
Trưởng phòng Phổ biến, giáo dục pháp luật