Những điểm mới cơ bản của Luật Căn cước năm 2023
Ngày đăng: 26/07/2024 10:21
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 26/07/2024 10:21
Luật Căn cước năm 2023 bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01/7/2024, với nhiều quy định mới có tác động sâu rộng đến người dân và các cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là quy định mở rộng đối tượng được cấp căn cước so với quy định trước đây tại Luật Căn cước công dân năm 2014 và những người được cấp căn cước sẽ không bị ràng buộc bởi quy định phải có nơi đăng ký thường trú mới được cấp căn cước.
Luật Căn cước năm 2023 đã đổi tên từ “căn cước công dân” sang tên gọi “căn cước”, đồng thời, quy định chứng minh nhân dân sẽ có giá trị sử dụng đến ngày 31/12/2024, tức là kể từ ngày 01/01/2025 thì các chứng minh nhân dân đã được cấp trước đây sẽ không còn giá trị sử dụng nữa. Tuy nhiên, đối với những thẻ căn cước công dân được cấp trước ngày 01/7/2024 vẫn tiếp tục có giá trị sử dụng đến hết thời hạn ghi trên thẻ căn cước công dân. Như vậy, khi Luật Căn cước năm 2023 có hiệu lực thì người dân không bắt buộc phải đổi qua thẻ căn cước mà người có thẻ căn cước công dân còn hạn vẫn có thể tiếp tục sử dụng và khi công dân làm thủ tục đề nghị cấp thẻ căn cước lần đầu sẽ không mất phí.
Một quy định mới nữa mà mọi người dân cũng nên biết đó là sinh trắc mống mắt sẽ bắt buộc thu nhận trong việc cấp căn cước. Đối với sinh trắc ADN và giọng nói thì không bắt buộc người dân phải cung cấp khi thực hiện thủ tục cấp căn cước theo Luật Căn cước năm 2023. Tuy nhiên, dữ liệu sinh trắc ADN và giọng nói sẽ được chuyển vào cơ sở dữ liệu căn cước đối với những người được thu thập trong quá trình tố tụng do cơ quan tố tụng thực hiện trong vụ án hoặc xử lý hành chính để quản lý. Đối với công dân nào có nhu cầu thu thập AND và giọng nói thì đề nghị và vẫn được thu thập, được cập nhập trên dữ liệu căn cước của công dân đó. Việc thu thập ADN và giọng nói sẽ được thực hiện theo quy trình do Bộ Công an quy định.
Điểm mới nổi bật của Luật Căn cước năm 2023 là đối tượng được cấp căn cước có điểm khác biệt so với Luật Căn cước công dân năm 2014, đó là ngoài đối tượng được cấp căn cước là người từ đủ 14 tuổi trở lên thì những người dưới 14 tuổi, kể cả trẻ em mới sinh ra cũng được cấp căn cước. Cụ thể là đối với những người dưới 6 tuổi được cấp căn cước và được thực hiện qua yêu cầu trên dịch vụ công trực tuyến của người thân của trẻ; đối với người từ 6 tuổi đến dưới 14 tuổi, người thân có thể đưa đến cơ quan cấp căn cước để thu nhận các dữ liệu thông tin cũng như là sinh trắc của những công dân này và cấp căn cước. Như vậy, theo quy định của Luật Căn cước năm 2023 thì những đứa trẻ mới vừa sinh ra cũng có thể được cấp căn cước.
Điểm mới tiếp theo là Luật Căn cước năm 2023 quy định việc bỏ trường thông tin quê quán, vân tay và đặc điểm nhận dạng trên thẻ căn cước, tức là những nội dung trên sẽ không in trên mặt của thẻ căn cước, nhưng những thông tin này vẫn có trong dữ liệu căn cước và được khai thác bằng chip điện tử trên thẻ căn cước đó. Ngoài ra, những dữ liệu thông tin như: bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, giấy phép lái xe,… có thể được đưa vào dữ liệu căn cước của công dân. Cùng với đó, Luật Căn cước năm 2023 quy định kể từ ngày 01/7/2024, mỗi công dân khi được cấp định danh điện tử mức độ 2 sẽ được cấp căn cước điện tử.
Như vậy, có thể thấy rằng trong thời điểm chuyển đổi số là xu thế tất yếu, đòi hỏi khách quan của sự phát triển trong thời đại ngày nay, Luật Căn cước năm 2023 với những điểm mới nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ liên quan đến ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, phát huy giá trị, tiện ích thẻ căn cước, phục vụ phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân đã được Chính phủ xác định tại Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030./.
BH
23/05/2025 10:46:38
14/05/2025 10:50:38
22/04/2025 07:57:18