 |
Các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác tư pháp |
Ảnh: D.H |
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu của chúng ta đã dạy “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “Muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”. Thấm nhuần tư tưởng và lời dạy của Người, trong suốt quãng đường 30 năm hình thành và phát triển, ngành Tư pháp Đắk Lắk đã không ngừng quan tâm đến công tác củng cố, kiện toàn về số lượng cán bộ, công chức, viên chức cũng như chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng để ngày càng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của ngành.
Quay trở lại những ngày đầu khi mới được thành lập (theo Quyết định số 356/QĐ-UB ngày 02/8/1982 của UBND tỉnh), tổ chức bộ máy còn quá non trẻ, đội ngũ cán bộ vừa mỏng lại vừa yếu vì hầu như chưa được đào tạo bài bản về công tác tư pháp, cả Sở Tư pháp chỉ vỏn vẹn 03 Tổ chuyên môn (Tổ văn bản pháp quy - tuyên truyền pháp luật; Tổ quản lý các tổ chức Tư pháp khác và hộ tịch; Tổ chức - đào tạo - quản lý toà án), với 11 cán bộ. Đến năm 1988, Phòng Hành chính (nay là Văn phòng Sở) được thành lập; năm 1990, Phòng Công chứng Nhà nước (nay là Phòng Công chứng số 1) và Phòng Tuyên truyền pháp luật được hình thành (trên cơ sở tách từ Tổ văn bản pháp quy - tuyên truyền pháp luật); năm 1995, 1997 và 1998 Phòng Công chứng số 2, Phòng Công chứng số 3, Trung tâm Dịch vụ Bán đấu giá tài sản và Trung tâm Trợ giúp pháp lý cũng lần lượt được ra đời...Và cứ thế trong những năm tiếp theo, các phòng chuyên môn, nghiệp vụ của Sở cũng lần lượt được tách lập và ngày càng hoàn thiện, lớn mạnh cùng vị thế và chức năng, nhiệm vụ của ngành; đến nay, Sở đã có 13 đơn vị trực thuộc, trong đó có 08 phòng chuyên môn, nghiệp vụ (Phòng Tổ chức cán bộ; Văn phòng Sở; Thanh tra Sở; Phòng Xây dựng và Thi hành văn bản quy phạm pháp luật; Phòng Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật; Phòng Phổ biến, giáo dục pháp luật; Phòng Hành chính tư pháp; Phòng Bổ trợ tư pháp) và 5 đơn vị sự nghiệp (03 Phòng công chứng số 1, 2 ,3; Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước và Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản).
Cùng với sự lớn mạnh về tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cũng không ngừng được tăng cường về số lượng và ngày càng được nâng cao về chất lượng. Từ chỗ chỉ có 11 cán bộ khi thành lập và đến 19 - đến 22 cán bộ vào các năm 1988, 1990... thì đến nay, đã xây dựng được một đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tương đối vững mạnh, với 96 người, trong đó Ban Giám đốc có 5 đồng chí; 9/13 đơn vị đều có Trưởng và Phó Trưởng phòng, 04 đơn vị có Trưởng phòng. Đồng thời, xác định việc kiện toàn và nâng cao trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là nhiệm vụ trọng yếu, là nhân tố quyết định đến việc hoàn thành các nhiệm vụ của ngành; trong những năm qua, đã có hàng trăm lượt cán bộ, công chức, viên chức được tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng quản lý hành chính Nhà nước và trình độ chuyên môn...; đến nay, 81 người có trình độ đại học (trong đó có 69 đại học Luật - 01 người đang học cao học Luật); 02 người có trình độ cao đẳng (trong đó 01 người đang học đại học); 06 người có trình độ trung cấp (trong đó có 03 người đang học đại học). Về trình độ ngoại ngữ (tiếng Anh), 02 người có trình độ đại học, 10 người có chứng chỉ C; 36 người có chứng chỉ B và 9 người có chứng chỉ A. Về trình độ tin học, 02 người có trình độ trung cấp, 02 người có chứng chỉ C; 23 người có chứng chỉ B và 46 người có chứng chỉ A. Bên cạnh đó, nhằm không ngừng xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có bản lĩnh chính trị vững vàng, có ý thức tổ chức kỷ luật cao, Sở đã quan tâm đến việc bồi dưỡng lý luận chính trị, quản lý Nhà nước cho cán bộ, công chức, viên chức; đến nay, 11 người có trình độ cao cấp lý luận chính trị, 72 người có trình độ trung cấp và tương đương; 02 người có trình độ quản lý Nhà nước ngạch chuyên viên cao cấp, 10 người có trình độ quản lý Nhà nước ngạch chuyên viên chính. Mặt khác, đội ngũ cán bộ Tư pháp cấp huyện, cấp xã cũng ngày càng được củng cố, kiện toàn; khi Sở Tư pháp thành lập, bộ máy Tư pháp cấp huyện, xã hầu như chưa được hình thành; năm 2004 - sau khi tách lập tỉnh Đắk Nông, toàn tỉnh chỉ có 56 cán bộ thuộc 13 Phòng Tư pháp cấp huyện, 190 cán bộ Tư pháp - Hộ tịch ở 170 xã, phường, thị trấn... thì đến nay, con số đó đã là 67 cán bộ, công chức thuộc 15 Phòng Tư pháp cấp huyện (trong đó, có 01 thạc sĩ, 54 cử nhân, 4 người đang học đại học, còn lại là trung cấp; 16 người có trình độ lý luận chính trị cao cấp, 39 người có trình độ trung cấp và tương đương, còn lại là sơ cấp) ; 184 xã, phường, thị trấn có 280 cán bộ Tư pháp - Hộ tịch (83 người có trình độ đại học, 182 người có trình độ trung cấp và tương đương; 86 người có trình độ lý luận chính trị trung cấp, 124 người có trình độ sơ cấp), trong đó 02 xã bố trí 03 cán bộ Tư pháp - Hộ tịch, 92 xã, phường, thị trấn bố trí 02 cán bộ Tư pháp - Hộ tịch.
Cho đến nay, mỗi cán bộ, công chức, viên chức của ngành đều có thể tự hào rằng ngành Tư pháp Đắk Lắk đã có một hệ thống tổ chức chặt chẽ từ cấp tỉnh đến huyện, xã, với một đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đông đảo về số lượng, trình độ chuyên môn nghiệp vụ đang ngày càng được nâng cao; sự trưởng thành đó đã và đang đánh dấu một thời kỳ phát triển mới, song hành giữa “lượng” và “chất” của ngành Tư pháp.
Trải qua 30 năm xây dựng và trưởng thành, đến nay đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngành Tư pháp vẫn không ngừng được quan tâm củng cố, kiện toàn để ngày càng lớn mạnh về số lượng và chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao hơn nữa chất lượng nguồn nhân lực của ngành; đồng thời, mỗi cán bộ, công chức, viên chức ngành Tư pháp vẫn luôn tiếp tục tu dưỡng, rèn luyện mình, nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, có đủ phẩm chất và năng lực, tính chuyên nghiệp để đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, cải cách hành chính của Nhà nước ta hiện nay, xứng đáng là người lãnh đạo và là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân như lời Bác Hồ kính yêu đã dạy.
Lê Thị Nguyệt Tú
Trưởng phòng Tổ chức cán bộ