Một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong công tác trật tự an toàn giao thông năm 2012
Ngày đăng: 26/12/2011 10:43
Ngày 06/12/2011, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản số 295/TB-VPCP thông báo kết luận của Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia tại Hội nghị tổng kết công tác trật tự an toàn giao thông năm 2011 và triển khai công tác trật tự an toàn giao thông năm 2012. Theo văn bản này, để triển khai có hiệu quả công tác trật tự an toàn giao thông năm 2012, trong thời gian đến các Bộ, ngành và chính quyền địa phương các cấp cần tập trung tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp được nêu tại Nghị quyết số 88/NQ-CP ngày 24/8/2011 của Chính phủ, văn bản số 1702/TTg-KTN ngày 24/9/2011 của Thủ tướng Chính phủ và Chương trình hành động “Năm an toàn giao thông - 2012”. Trong đó, chú trọng thực hiện các nhóm nhiệm vụ, giải pháp cấp bách và lâu dài sau:
1. Nâng cao năng lực và hiệu lực quản lý nhà nước:
- Tăng cường sự chỉ đạo của các cấp ủy Đảng nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của các cấp, các ngành đối với lĩnh vực bảo đảm trật tự an toàn giao thông.
- Đẩy mạnh thực hiện các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông một cách thường xuyên, liên tục, mạnh mẽ và sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan, tổ chức, đoàn thể trong xã hội; quy định trách nhiệm cá nhân đối với lãnh đạo các cấp, cán bộ, công chức, viên chức và người thực thi công vụ, nhiệm vụ trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông và khắc phục ùn tắc giao thông.
- Đẩy mạnh chống tiêu cực trong công tác đăng ký, đăng kiểm phương tiện, đào tạo, sát hạch, cấp Giấy phép lái xe, bằng, chứng chỉ chuyên môn, thanh tra, tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm về bảo đảm trật tự an toàn giao thông.
- Nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch, cấp Giấy phép lái xe, bằng, chứng chỉ chuyên môn. Cương quyết đình chỉ hoạt động của các cơ sở, đơn vị vi phạm các quy định về đào tạo, sát hạch lái xe; đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện Đề án đổi mới quản lý Giấy phép lái xe bảo đảm kết nối thông tin giữa ngành giao thông vận tải và ngành công an, thông qua đó tăng cường sự phối hợp chặt chẽ trong công tác quản lý đối tượng tham gia giao thông.
2. Tăng cường và nâng cao năng lực công tác cưỡng chế thi hành pháp luật:
- Đẩy mạnh việc tuần tra, kiểm soát, kiên quyết xử lý và áp dụng các biện pháp mạnh đối với các hành vi vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông; tăng cường sử dụng hình ảnh của hệ thống giám sát giao thông để xử phạt đối với các hành vi vi phạm; bổ sung nhân lực, trang thiết bị kỹ thuật cho Thanh tra giao thông và các lực lượng Cảnh sát làm công tác thanh tra, tuần tra, kiểm soát.
- Tăng cường chế tài xử phạt vi phạm hành chính, nâng cao mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông; đầu tư hệ thống giám sát giao thông bằng camera trên các tuyến quốc lộ và đường đô thị; giải tỏa hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt.
3. Về tuyên truyền, phổ biến pháp luật:
- Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng của công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông; đưa công tác tuyên truyền an toàn giao thông đến cụm dân cư, làng, xã, khu phố. Chú trọng tuyên truyền giáo dục văn hóa giao thông, tác hại của việc sử dụng rượu, bia đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông, quy định về đội mũ bảo hiểm.
- Thực hiện phổ cập giáo dục pháp luật trật tự an toàn giao thông trong hệ thống giáo dục.
4. Về đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông:
- Đầu tư mở rộng các tuyến quốc lộ trọng yếu, xây dựng hệ thống đường gom trên các tuyến quốc lộ; xây dựng hệ thống trạm dừng nghỉ phục vụ vận tải đường bộ và trạm kiểm tra tải trọng xe trên phạm vi toàn quốc.
- Nâng cao điều kiện an toàn của kết cấu hạ tầng giao thông, khắc phục kịp thời những “điểm đen” về tai nạn giao thông, khôi phục hoạt động của một số trạm kiểm tra tải trọng xe trên các tuyến quốc lộ trọng điểm.
5. Thực hiện quyết liệt việc lập lại trật tự, kỷ cương đối với giao thông đô thị:
- Giải phóng vỉa hè dành cho người đi bộ, lòng đường dành cho phương tiện tham gia giao thông; huy động lực lượng phối hợp cùng lực lượng Thanh tra giao thông và các lực lượng của ngành Công an thực hiện xử lý tất cả các hành vi vi phạm chiếm dụng lòng đường, hè phố.
- Tổ chức lại giao thông khoa học, hợp lý, phù hợp với cơ sở hạ tầng giao thông đô thị; bố trí làn đường dành riêng cho xe buýt; tăng tần suất lượt xe giờ cao điểm, bổ sung phương tiện xe buýt, tăng số tuyến xe buýt…
Tin: Bảo Nguyên; ảnh D.H