Hướng dẫn thực hiện trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động thi hành án dân sự
Ngày đăng: 16/01/2012 15:09
Ngày 15/12/2011, Bộ Tư pháp và Bộ Quốc phòng ban hành Thông tư liên tịch số 24/2011/TTLT-BTP-BQP hướng dẫn thực hiện trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động thi hành án dân sự và sẽ có hiệu lực từ ngày 30/01/2012.
Về xác định trách nhiệm bồi thường: Căn cứ xác định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong trường hợp người thi hành công vụ ra quyết định hoặc tổ chức thi hành quyết định về thi hành án dân sự chỉ phát sinh khi có đủ các điều kiện sau đây: Có văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định hành vi của người thi hành công vụ là trái pháp luật; hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước; có thiệt hại thực tế xảy ra; có mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại thực tế xảy ra và hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ.
Những văn bản xác định người thi hành công vụ có hành vi trái pháp luật: Quyết định giải quyết khiếu nại của người có thẩm quyền đã có hiệu lực; Kết luận nội dung tố cáo của người có thẩm quyền theo quy định tại Điều 157 Luật Thi hành án dân sự; Bản án, quyết định của Tòa án có thẩm quyền đã có hiệu lực pháp luật.
Xác định thiệt hại thực tế bị mất hoặc giảm sút: Thiệt hại do thu nhập thực tế bị mất hoặc giảm sút của tổ chức được xác định trên cơ sở thu nhập trung bình của hai năm liền kề trước thời điểm xảy ra thiệt hại. Thu nhập của tổ chức được xác định theo báo cáo tài chính hợp pháp của tổ chức; trường hợp không có báo cáo tài chính, tổ chức có thể chứng minh thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút bằng các tài liệu, chứng cứ hợp pháp khác theo quy định của pháp luật có liên quan. Nếu tổ chức được thành lập chưa đủ hai năm tính đến thời điểm xảy ra thiệt hại thì thu nhập thực tế của tổ chức được xác định trên cơ sở thu nhập bình quân trong thời gian hoạt động thực tế của tổ chức đó.
Còn đối với thiệt hại do thu nhập thực tế bị mất hoặc giảm sút của cá nhân thì được tính như sau: Trước khi xảy ra thiệt hại mà người thiệt hại có thu nhập ổn định từ tiền lương trong biên chế, tiền công từ hợp đồng lao động thì căn cứ vào mức lương, tiền công của tháng liền kề của người đó trước khi xảy ra thiệt hại để xác định khoản thu nhập thực tế.
Trong trường hợp trước khi xảy ra thiệt hại mà người thiệt hại có việc làm và hàng tháng có thu nhập nhưng không ổn định thì lấy mức thu nhập trung bình của ba tháng liền kề trước thời điểm thiệt hại xảy ra làm căn cứ để xác định khoản thu nhập thực tế và trong trường hợp trước khi xảy ra thiệt hại mà người bị thiệt hại là nông dân, ngư dân, người làm muối, người trồng rừng, người làm thuê, người buôn bán nhỏ, thợ thủ công, lao động khác có thu nhập nhưng theo mùa vụ hoặc không ổn định thì lấy mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại tại địa phương; nếu không xác định được thu nhập trung bình thì lấy mức lương tối thiểu do Nhà nước quy định áp dụng cho công chức làm việc trong các cơ quan hành chính nhà nước tại thời điểm giải quyết bồi thường làm căn cứ để xác định khoản thu nhập thực tế.
Thương lượng việc bồi thường: Thông tư quy định trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày thụ lý đơn yêu cầu bồi thường, người đại diện phải tổ chức việc xác minh thiệt hại. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc việc xác minh thiệt hại, người đại diện phải tiến hành thương lượng với người bị thiệt hại. Thời hạn thực hiện việc thương lượng là 30 ngày, kể từ ngày kết thúc việc xác minh thiệt hại; trường hợp vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp thì thời hạn thương lượng có thể kéo dài thêm nhưng không quá 45 ngày.
Tuy nhiên, người bị thiệt hại có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết bồi thường nếu như: Người thiệt hại không đồng ý với quyết định giải quyết bồi thường hoặc hết thời hạn ra quyết định giải quyết bồi thường mà cơ quan giải quyết bồi thường không ra quyết định giải quyết bồi thường.
Cơ quan có trách nhiệm chi trả tiền bồi thường:Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày bản án, quyết định giải quyết bồi thường có hiệu lực pháp luật, cơ quan có trách nhiệmbồi thường phải chuyển ngay hồ sơ đề nghị bồi thường đến cơ quan quản lý nhà nước về công tác thi hành án dân sự ở Trung ương để thực hiện thủ tục cấp phát, chi trả tiền bồi thường cho người bị thiệt hại, cụ thể như:
Trong trường hợp cơ quan có trách nhiệm bồi thường là cơ quan Thi hành án dân sự do Bộ Tư pháp quản lý thì chuyển hồ sơ đề nghị bồi thường đến Tổng cục Thi hành án dân sự - Bộ Tư pháp; trong trường hợp cơ quan có trách nhiệm bồi thường là cơ quan Thi hành án dân sự do Bộ Quốc phòng quản lý thì chuyển hồ sơ đề nghị bồi thường đến Cục Thi hành án dân sự - Bộ Quốc phòng.
Tuyết Mai