Hoàn thiện chế định Chủ tịch nước trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992
Ngày đăng: 21/03/2013 07:39
Trong nhà nước xã hội chủ nghĩa, bộ máy nhà nước được tổ chức theo nguyên tắc tập quyền, quyền lực nhà nước là thống nhất và tập trung vào cơ quan quyền lực cao nhất của nhân dân là Quốc hội, chức năng của Chủ tịch nước thống nhất trong các chức năng của Quốc hội như thành lập Chính phủ, quyết định các chính sách cơ bản về đối nội và đối ngoại v.v... Sự hiện diện của Chủ tịch nước, trong chừng mực nhất định, còn nhằm đảm bảo sự phối hợp hoạt động giữa các cơ quan trong bộ máy nhà nước.
Lịch sử lập hiến của nước ta đã trải qua 4 bản Hiến pháp. Theo hoàn cảnh lịch sử mà chế định Chủ tịch nước được quy định khác nhau về chức danh, nhiệm vụ, quyền hạn. Chủ tịch nước trong Hiến pháp năm 1946 được giao nhiều quyền hạn, vừa là người đứng đầu nhà nước, vừa là người đứng đầu Chính phủ. Trong Hiến pháp năm 1959, Chủ tịch nước không còn đồng thời là người đứng đầu Chính phủ mà thiên về việc phối hợp giữa Quốc hội và Chính phủ và được bầu trong công dân. Tại Hiến pháp năm 1980, chế định Chủ tịch nước được xác lập theo chế độ tập thể như mô hình ở các nước xã hội chủ nghĩa Liên Xô và Đông Âu trước đây, có tên gọi là Hội đồng Nhà nước với ưu điểm là quyết định đưa ra hạn chế được thiếu sót. Tuy nhiên, do tính chất tập thể của Hội đồng Nhà nước, các quyết định phải được thông qua theo nguyên tắc đa số nên chậm và không phân định được trách nhiệm cá nhân. Chế định Chủ tịch nước được thiết lập trở lại trong Hiến pháp 1992, vừa tiếp thu những ưu điểm của các mô hình trước, vừa giữ được sự gắn bó với Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội trong việc thực hiện các chức năng của nguyên thủ quốc gia, vừa bảo đảm sự phân công, phối hợp giữa các cơ cấu trong bộ máy nhà nước.
Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 tiếp tục duy trì chế định Chủ tịch nước là phù hợp với tình hình của nước ta trong bối cảnh đang quá độ lên chủ nghĩa xã hội và phù hợp với tình hình thế giới. Bên cạnh việc giữ nguyên các quy định cũ như: Chủ tịch nước là người đứng đầu nhà nước, thay mặt nhà nước về đối nội và đối ngoại v.v… tại các Điều 101, 102, 106, 107, 108 của Hiến pháp năm 1992, thì Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã tăng thêm một số quyền hạn cho Chủ tịch nước như: “Chủ tịch nước có quyền tham dự các phiên họp của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, của Chính phủ. Khi cần thiết, Chủ tịch nước yêu cầu Chính phủ họp bàn về những vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch nước”. (Điều 95 của Dự thảo).
Với các quy định bổ sung trên đã thể hiện vai trò của Chủ tịch nước trong việc thực hiện chức năng giám sát, thực hiện một phần chức năng của Quốc hội đối với Chính phủ, tạo nên một cơ chế luôn luôn theo sát hoạt động của Chính phủ để phát hiện và xử lý kịp thời các quyết định trái Hiến pháp và pháp luật. Bên cạnh đó, việc quy định Chủ tịch nước được yêu cầu Chính phủ họp bàn về những vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch nước tạo điều kiện cho các quyết định của Chủ tịch nước dễ đi vào thực tiễn, phù hợp với thực tế.
Ngoài ra, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 còn bổ sung quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức đối với thẩm phán các Tòa án khác của Chủ tịch nước (Khoản 3 Điều 93) là phù hợp với yêu cầu về cải cách tư pháp theo tinh thần Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị: “Đổi mới và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò của các cơ quan dân cử…đối với hoạt động tư pháp”. Quy định trên đã chuyển thẩm quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Thẩm phán các Tòa án nhân dân địa phương, Tòa án quân sự quân khu và tương đương, tòa án quân sự khu vực từ Chánh án Tòa án nhân dân tối cao sang Chủ tịch nước, nhằm làm rõ vai trò của Quốc hội, Chủ tịch nước với cơ quan thực quyền cũng như đảm bảo cho thẩm phán an tâm, công minh khi đưa ra quyết định nhân danh Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Tuy nhiên, để hoàn thiện chế định Chủ tịch nước trên thực tế và tránh sự chồng chéo trong việc sử dụng quyền lực của chủ thể này thì cần nghiên cứu thêm các vấn đề sau:
- Làm rõ quy định tại Khoản 5 Điều 93 Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 khi quy định Chủ tịch nước có quyền: “Thống lĩnh các lực lượng vũ trang nhân dân, giữ chức Chủ tịch Hội đồng quốc phòng và an ninh”, trong khi Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam nói rõ “Đảng lãnh đạo Quân đội nhân dân Việt Nam và Công an nhân dân Việt Nam tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt…Đồng chí Tổng Bí thư là Bí thư Quân uỷ Trung ương” vìquy định như vậy dễ gây nhầm lẫn giữa quyền hạn của Chủ tịch nước với Bộ Chính trị và Tổng Bí thư trong việc quản lý, chỉ huy các lực lượng vũ trang nhân dân. Phải chăng quyền hạn của Chủ tịch nước đối với lực lượng vũ trang là về các mặt tổ chức, chăm lo xây dựng lực lượng vũ trang, xây dựng nền quốc phòng toàn dân,…còn những nhiệm vụ quan trọng mang tính sống còn, tồn vong đối với Nhà nước thì thuộc về Đảng, Bộ Chính trị?
- Tại Điều 98 cần quy định cụ thể “thời gian dài” là bao lâu trong trường hợp “Khi Chủ tịch nước không làm việc được trong một thời gian dài thì Phó Chủ tịch quyền Chủ tịch”, vì quy định mang tính mở như vậy tạo sự linh hoạt trong công tác quản lý nhà nước nhưng cũng dễ dẫn đến việc lạm dụng quyền lực cũng như không đề cao trách nhiệm của cá nhân Chủ tịch nước.
Chủ tịch nước là một định chế quan trọng trong cơ cấu tổ chức bộ máy nhà nước ta, đóng vai trò vừa thực thi quyền lực, vừa giám sát các cơ quan hành pháp, tư pháp, là một mấu chốt quan trọng trong việc đảm bảo xây dựng một nhà nước pháp quyền, công bằng, dân chủ vì vậy cần quy định rõ ràng và chặt chẽ hơn đối với các quyền cơ bản của Chủ tịch nước.
Thiên Định