CHỈ THỊ
Về tăng cường công tác trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh
Sau hơn 06 năm thực hiện Luật Trợ giúp pháp lý, công tác trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh đã đạt được một số kết quả quan trọng: Tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý ngày càng được củng cố, kiện toàn, năng lực của người thực hiện trợ giúp pháp lý được nâng lên, đáp ứng nhu cầu trợ giúp pháp lý đa dạng và phong phú cho người nghèo, người có công với cách mạng, người tàn tật, người già, trẻ em không nơi nương tựa, người dân tộc thiểu số … đây là chính sách hợp lòng dân, được nhân dân hoan nghênh, các cơ quan tổ chức đồng thuận, nhanh chóng đem lại các lợi ích thiết thực cho các đối tượng được thụ hưởng. Đồng thời hoạt động trợ giúp pháp lý góp phần đẩy mạnh hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật và hòa giải cơ sở, qua đó nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân và hiệu lực, hiệu quả của pháp luật trong quản lý xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý góp phần đưa pháp luật vào đời sống, trở thành cầu nối quan trọng giữa Nhà nước với nhân dân, tạo sự đoàn kết gắn bó giữa chính quyền địa phương với nhân dân, sự đoàn kết trong cộng đồng dân cư, đảm bảo quốc phòng và an ninh, ổn định trật tự xã hội ở địa phương.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số hạn chế nhất định: Đối tượng, nhu cầu thụ hưởng trợ giúp pháp lý ngày càng mở rộng và tăng cao, trong khi mạng lưới tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý và tham gia thực hiện trợ giúp pháp lý chưa được kiện toàn, hầu hết các câu lạc bộ trợ giúp pháp lý hoạt động kém hiệu quả; nguồn nhân lực thực hiện công tác trợ giúp pháp lý còn hạn chế cả về số lượng và chất lượng. Việc phối hợp thực hiện trợ giúp pháp lý lưu động và phản hồi, giải quyết các kiến nghị của Trung tâm Trợ giúp pháp lý còn chưa được các ngành, các cấp quan tâm; Các chi nhánh trợ giúp pháp lý hiện vẫn phải đi thuê trụ sở làm việc, kinh phí cấp cho hoạt động trợ giúp pháp lý còn hạn chế… đã làm giảm hiệu quả hoạt động trợ giúp pháp lý trong thời gian qua.
Nhằm khắc phục những hạn chế nêu trên, đồng thời thực hiện có hiệu quả hoạt động trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk trong thời gian tới, UBND tỉnh yêu cầu các sở ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh ngoài việc tiếp tục triển khai thực hiện có kết quả Kế hoạch triển khai Chiến lược trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2012 - 2016, Quyết định số 1609/QĐ-UBND ngày 25/6/2009 của UBND tỉnh về củng cố, kiện toàn Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh và mạng lưới chi nhánh của Trung tâm theo Đề án quy hoạch mạng lưới Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước và chi nhánh của Trung tâm giai đoạn 2008-2010, định hướng đến năm 2015 trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk… cần triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
1. Sở Tư pháp:
a) Tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh thông qua Đề án về công tác trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh làm cơ sở cho việc tham gia, phối hợp, hỗ trợ hoạt động trợ giúp pháp lý của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh.
b) Tiếp tục khuyến khích các tổ chức hành nghề luật sư, tư vấn pháp luật đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý; chú trọng vận động các tổ chức đã đăng ký tiếp nhận vụ việc thực hiện trợ giúp pháp lý miễn phí cho các đối tượng thụ hưởng;
- Thường xuyên bồi dưỡng, nâng cao năng lực thực hiện trợ giúp pháp lý cho đội ngũ người làm công tác trợ giúp pháp lý từ tỉnh đến cơ sở hướng tới mục tiêu đáp ứng 100% nhu cầu trợ giúp pháp lý của các đối tượng, nâng tỉ lệ các vụ việc trợ giúp pháp lý bằng hình thức tham gia tố tụng;
- Tích cực vận động thành lập và hướng dẫn sinh hoạt đối với câu lạc bộ trợ giúp pháp lý tại các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới và các thôn, buôn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn;
- Tiếp tục mở rộng mạng lưới cộng tác viên trợ giúp pháp lý theo hướng nâng cao chất lượng, trong đó chú trọng phát triển cộng tác viên là nữ giới và người dân tộc thiểu số, cộng tác viên có kỹ năng hỗ trợ cho nhóm đối tượng đặc thù là người khuyết tật, trẻ em,….
c) Phối hợp với Báo Đắk Lắk, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh thực hiện tuyên truyền, phổ biến sâu rộng Luật Trợ giúp pháp lý và các văn bản pháp luật liên quan đến hoạt động trợ giúp pháp lý cho cán bộ, công chức, viên chức ở các ngành, các cấp và nhân dân trong tỉnh bằng nhiều hình thức thích hợp, nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm phối hợp của các cấp, các ngành, các cơ quan, tổ chức, đơn vị và của mỗi người dân trong toàn tỉnh về công tác trợ giúp pháp lý.
d) Phối hợp vớicác cơ quan thành viên của Hội đồng phối hợp liên ngành trong hoạt động tố tụng (Công an tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ đội Biên phòng tỉnh)tiếp tụctriển khai có kết quả Chương trình phối hợp liên ngành trong hoạt động tố tụng, tạo điều kiện để người thuộc diện được trợ giúp pháp lý được tiếp cận tổ chức trợ giúp pháp lý và hỗ trợ trợ giúp viên, luật sư - cộng tác viên trợ giúp pháp lý hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.
2. Các Sở Nội vụ, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Giáo dục và Đào tạo, Ban Dân tộc tỉnh và các sở, ngành, đơn vị có liên quan:
a) Phối hợp chặt chẽ với Sở Tư pháp trong việc thực hiện các chương trình, kế hoạch, đề án về trợ giúp pháp lý của tỉnh đảm bảo tăng nguồn lực, thực hiện trợ giúp pháp lý hiệu quả.
b) Khuyến khích, tạo điều kiện để cán bộ, công chức, viên chức và cá nhân khác có trình độ chuyên môn thuộc cơ quan, tổ chức mình tham gia làm cộng tác viên trợ giúp pháp lý.
c) Khi nhận được văn bản kiến nghị của tổ chức trợ giúp pháp lý, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm xem xét giải quyết và thông báo kịp thời kết quả giải quyết bằng văn bản theo quy định của pháp luật.
3. Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư: Trên cơ sở cân đối ngân sách địa phương, tham mưu cho UBND tỉnh bố trí kinh phí đặc thù cho hoạt động trợ giúp pháp lý và kinh phí xây dựng trụ sở làm việc cho các chi nhánh trợ giúp pháp lý, đảm bảo thực hiện có hiệu quả công tác này.
4. UBND các huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm chỉ đạo Phòng Tư pháp, Phòng Tài nguyên và Môi trường, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, các phòng, ban thuộc UBND cấp huyện tích cực phối hợp, hỗ trợ Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh triển khai hoạt động trợ giúp pháp lý lưu động, các hoạt động nghiệp vụ trợ giúp pháp lý để trợ giúp đối tượng trợ giúp pháp lý tại địa phương, giải quyết các kiến nghị của Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh; chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn phát triển câu lạc bộ trợ giúp pháp lý; tạo điều kiện, hỗ trợ cho các câu lạc bộ trợ giúp pháp lý hoạt động, đồng thời phát triển cộng tác viên trợ giúp pháp lý trên địa bàn.
Đối với UBND các huyện Krông Păk, Cư Kuin và các huyện nơi các chi nhánh sẽ được thành lập cần chủ động bố trí địa điểm làm việc, giao đất xây dựng trụ sở làm việc cho các chi nhánh trợ giúp pháp lý đã và sẽ được thành lập theo lộ trình Đề án của UBND tỉnh đã phê duyệt.
5. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Hội Luật gia, Đoàn Luật sư, Hội Cựu chiến binh, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh, Tỉnh đoàn thanh niên…tiếp tục động viên, khuyến khích và tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân thuộc Hội, đoàn thể tham gia thực hiện trợ giúp pháp lý bằng các hình thức phù hợp theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý; tuyên truyền sâu rộng trong đoàn viên, hội viên, quần chúng nhân dân về tổ chức và hoạt động trợ giúp pháp lý, về quyền và nghĩa vụ của các đối tượng thụ hưởng chính sách trợ giúp pháp lý miễn phí nhằm góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh.
Giao Giám đốc Sở Tư pháp chịu trách nhiệm triển khai, theo dõi, đôn đốc việc thực hiện Chỉ thị này.
Trong quá trình thực hiện Chỉ thị nếu có khó khăn, vướng mắc các cơ quan, đơn vị phản ánh về Sở Tư pháp để tổng hợp, trình UBND tỉnh chỉ đạo kịp thời.
Chỉ thị này có hiệu lực thi hành sau 10 (mười) ngày, kể từ ngày ký và thay thế Chỉ thị số 09/2007/CT-UBND ngày 12 tháng 6 năm 2007 của UBND tỉnh về tăng cường công tác trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh./.
Nơi nhận: TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
- VP Chính phủ; CHỦ TỊCH
- Cục Kiểm tra văn bản -Bộ Tư pháp; (để b/c)
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Văn phòng UBND tỉnh ;
- UBMTTQ tỉnh;
- Đoàn ĐBQH tỉnh ; (để giám sát)
- TAND, VKSND, Công an tỉnh;
- Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh ;
- Bộ đội Biên phòng tỉnh;
- Các sở, ban, ngành thuộc tỉnh;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Cơ quan Báo, Đài tỉnh;
- Công báo tỉnh;
- Cổng thông tin điện tử tỉnh;
- Sở Tư pháp (Phòng Kiểm tra VB QPPL, TT TGPL);
- Lưu: VT, NC.