Bổ sung quyền của người sử dụng đất vào Hiến pháp
Ngày đăng: 26/02/2013 07:42
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 26/02/2013 07:42
![]() |
ảnh: internet |
Là tài nguyên đặc biệt của quốc gia, nguồn lực quan trọng phát triển đất nước, Hiến pháp 1992 (Điều 18) và Dự thảo Hiến pháp (Điều 58) đều quy định người sử dụng đất (tổ chức, cá nhân) được chuyển quyền đối với tài sản, tài nguyên đặc biệt này (quyền sử dụng đất).
Việc “chuyển quyền” có thể được hiểu rằng chuyển từ người sử dụng đất này sang người sử dụng đất khác (làm thay đổi người sử dụng đất), việc chuyển quyền chủ yếu thông qua các hành vi chuyển nhượng, tặng cho, thừa kế... Tuy nhiên, để phù hợp với thực tiễn các giao dịch hàng ngày, quyền sử dụng đất còn được đưa ra để thực hiện các việc như thế chấp, bảo lãnh, góp vốn... các giao dịch này không làm thay đổi người sử dụng đất – tức là quyền sử dụng đất không bị “chuyển” từ người này sang người khác. Các giao dịch này đang diễn ra ngày càng phổ biến và có thể khẳng định quyền sử dụng đất là một trong những tài sản được đem ra để thực hiện các giao dịch này nhiều nhất.
Thực tế hiện nay, việc đem “tài sản thuộc sở hữu toàn dân” để thực hiện các giao dịch như thế chấp, bảo lãnh, góp vốn... nhằm phục vụ cho nhu cầu, lợi ích của cá nhân, tổ chức sử dụng đất được diễn ra phổ biến, thường xuyên... nhưng Hiến pháp 1992 cũng như Dự thảo Hiến pháp vẫn chưa quy định người sử dụng đất có các quyền này, là chưa bao hàm hết các quyền của người sử dụng đất. Như vậy, có thể thấy Hiến pháp 1992 và Dự thảo Hiến pháp đã hạn chế quyền của người sử dụng đất (mặc dù các văn bản pháp luật hiện hành không hạn chế các quyền này của người sử dụng đất).
Vậy, xét về khía cạnh nào đó, vô hình chung các văn bản đã phản ánh chưa sát các nguyên tắc, quan điểm của Hiến pháp. Hiến pháp quy định người sử dụng đất chỉ được thực hiện việc chuyển quyền sử dụng đất, chứ không quy định các quyền thế chấp, bảo lãnh, góp vốn… bằng quyền sử dụng đất; trong khi đó Luật Đất đai năm 2003 cũng như Dự thảo Luật Đất đai đang lấy ý kiến đều quy định người sử dụng đất ngoài việc được chuyển quyền sử dụng đất còn được thực hiện các quyền như thế chấp, bảo lãnh, góp vốn… bằng quyền sử dụng đất. Xét về phương diện thực tế, Hiến pháp đã cho phép người sử dụng đất được chuyển quyền sử dụng đất, thì cũng cần cho phép người sử dụng đất được quyền góp vốn, thế chấp, bảo lãnh… nhằm tạo sự bình đẳng, thống nhất cho người sử dụng đất trong việc thực hiện các quyền liên quan đối với quyền sử dụng đất và vấn đề này cần được thể hiện rõ trong Hiến pháp.
Do đó, cần quy định cụ thể hơn về quyền của người sử dụng đất cho đầy đủ, phù hợp với tình hình thực tế cũng như khẳng định rõ vị trí, vai trò của tài sản, hàng hóa đặc biệt này; theo đó cần bổ sung quyền thế chấp, góp vốn, bảo lãnh... của người sử dụng đất đối với loại tài sản này vào Dự thảo Hiến pháp; hoặc có thể quy định một cách khái quát là “Người sử dụng đất có các quyền sử dụng đất…” cho phù hợp với nguyên tắc hiến định của Hiến pháp, các văn bản Luật sẽ cụ thể hóa các quyền sử dụng đất (quyền chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho, thế chấp, bảo lãnh, góp vốn...). Có như vậy, Hiến pháp mới bảo đảm đầy đủ quyền của người sử dụng đất./
Phạm Thị Phương Hoa – Trưởng phòng Lý lịch tư pháp
23/05/2025 10:46:38
14/05/2025 10:50:38
22/04/2025 07:57:18