Ngày 22/8/2011, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 71/2011/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/10/2011 và thay thế Nghị định số 36/2005/NĐ-CP ngày 17/3/2005 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em). Theo đó, đã bổ sung thêm một số nhóm hành vi, hành vi vi phạm quyền trẻ em; bổ sung một số quy định về trách nhiệm bảo đảm các quyền cơ bản của trẻ em, cụ thể như:
1. Bổ sung thêm một số nhóm hành vi, hành vi vi phạm quyền trẻ em:
Ngoài các nhóm hành vi, hành vi như quy định Chương II Nghị định số 36/2005/NĐ-CP, Nghị định này đã bổ sung thêm nhóm hành vi “Sử dụng cơ sở vật chất dùng cho học tập, sinh hoạt, vui chơi, giải trí của trẻ em vào mục đích khác làm ảnh hưởng đến lợi ích của trẻ em” gồm các hành vi như: sử dụng sai mục đích, làm hư hại cơ sở vật chất dành cho việc học tập, sinh hoạt, vui chơi, giải trí của trẻ em; lấn chiếm đất đai, công trình, nhà, diện tích, khu vực, thời gian sử dụng cho việc học tập, sinh hoạt, vui chơi, giải trí của trẻ em...
Đối với nhóm hành vi “Dụ dỗ, lôi kéo, trẻ em đi lang thang, lợi dụng trẻ em lang thang để trục lợi” đã bổ sung thêm hành vi “ép buộc, khống chế” trẻ em đi lang thang, lợi dụng trẻ em lang thang để trục lợi.
Đối với nhóm hành vi “Cản trở việc học tập của trẻ em”, bổ sung thêm các hành vi như: gây rối, cản trở hoạt động của cơ sở giáo dục; hủy hoại sách vở, đồ dùng học tập của trẻ em; từ chối tiếp nhận hoặc gây áp lực để cản trở việc tiếp nhận trẻ em khuyết tật có khả năng học tập, trẻ em nhiễm, nghi nhiễm, có nguy cơ hoặc có cha, mẹ nhiễm HIV được vào học tại các cơ sở giáo dục theo quy định của pháp luật.
2. Về trách nhiệm bảo đảm quyền cơ bản của trẻ em, đã bổ sung thêm các quy định như:
- Bảo vệ trẻ em trong trường hợp cha, mẹ có hành vi vi phạm quyền trẻ em theo quy định. Theo đó, Tòa án quyết định hạn chế quyền của cha, mẹ đối với con là trẻ em nếu cha, mẹ có hành vi vi phạm quyền trẻ em, làm tổn hại đến sự phát triển bình thường của trẻ em theo tính chất và mức độ của hành vi vi phạm.
- Về trách nhiệm bảo vệ tính mạng, thân thể, nhân phẩm, danh dự của trẻ em, Nghị định quy định: Cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thông tin cho cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội các cấp, UBND các cấp, công chức chuyên trách theo dõi về Lao động - Thương binh và Xã hội cấp xã khi phát hiện các nguy cơ, hành vi ngược đãi, xâm hại tính mạng, thân thể, nhân phẩm, danh dự trẻ em.
Cha, mẹ, người giám hộ, các cơ sở nuôi dưỡng trẻ em, các cơ sở giáo dục, y tế, văn hóa, thể dục, thể thao, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có trách nhiệm thực hiện các biện pháp phòng ngừa tai nạn thương tích cho trẻ em.
- Cha, mẹ, người giám hộ, các cơ quan thông tin đại chúng, cơ sở nuôi dưỡng trẻ em, cơ sở giáo dục, văn hóa, tổ chức xã hội, cơ sở dịch vụ hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em có trách nhiệm tạo mọi điều kiện để trẻ em được tiếp cận các nguồn thông tin phù hợp với lứa tuổi, giới tính và sự phát triển của trẻ em; tạo mọi điều kiện để trẻ em được bày tỏ ý kiến, nguyện vọng về những vấn đề trẻ em quan tâm. Không lợi dụng các hoạt động bày tỏ ý kiến, nguyện vọng của trẻ em vào các mục đích gây áp lực, khiếu kiện, biểu tình, kinh doanh trái pháp luật.
- Cha, mẹ, người giám hộ, các cơ sở nuôi dưỡng trẻ em, cơ sở giáo dục, văn hóa, tổ chức xã hội, cơ sở dịch vụ hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em có trách nhiệm tạo điều kiện cho trẻ em tham gia các hoạt động xã hội phù hợp với năng lực, lứa tuổi và giới tính của trẻ em. Không được lợi dụng sự tham gia hoạt động xã hội của trẻ em và các hoạt động xã hội có sự tham gia của trẻ em vào các mục đích gây áp lực, khiếu kiện, biểu tình, kinh doanh trái pháp luật, lạm dụng và xâm hại trẻ em.
(B.N)