TƯ PHÁP CƯ M'GAR – 33 NĂM PHẤN ĐẤU VÀ TRƯỞNG THÀNH
Ngày đăng: 01/08/2017 08:34
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 01/08/2017 08:34
Cư M'gar là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, trải qua 02 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân các dân tộc trong huyện đã nêu kiên cường, bất khuất, anh dũng vượt qua mọi gian nan, thử thách, lập nên những chiến công hiển hách, góp phần cùng nhân dân cả nước đưa sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc đi đến thắng lợi hoàn toàn. Tên gọi huyện Cư M'gar hình thành từ khi thành lập huyện vào ngày 23/01/1984 (theo Nghị định số 15 - HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng, nay là Chính phủ), cùng thời gian đó, Phòng Tư pháp huyện cũng được thành lập. Trải qua chặng đường 33 năm, Phòng Tư pháp huyện Cư Mgar không ngừng phát triển.
Cư M'gar có địa bàn rộng với diện tích tự nhiên 82.443 ha, có 25 dân tộc anh em cùng chung sống, dân số trên 185.000 người định cư ở 17 đơn vị hành chính (15 xã và 02 thị trấn), trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ trên 46%, là huyện có vị trí địa lý thuận lợi song là huyện có đông đồng bào dân tộc thiểu số, dân cư có sự phân tán, trình độ không đồng đều, tình hình kinh tế - xã hội giai đoạn đầu mới thành lập huyện còn nhiều khó khăn, sự am hiểu và ý thức chấp hành pháp luật chưa cao nên công tác Tư pháp trên địa bàn huyện gặp không ít những khó khăn. Tuy nhiên dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ huyện, sự quản lý điều hành của chính quyền địa phương các cấp, kinh tế - xã hội của huyện không ngừng phát triển, quốc phòng - an ninh được giữ vững, công tác xây dựng hệ thống chính trị luôn được chú trọng, công tác Tư pháp không ngừng lớn mạnh về mọi mặt, là một trong những đơn vị dẫn đầu trong phong trào thi đua của ngành Tư pháp tỉnh nhà.
Qua quá tình thay đổi, sáp nhập, chia tách từ tên gọi ban đầu là “Ban Tư pháp” huyện, đến năm 1995 đổi tên thành “Phòng Tư pháp” huyện. Buổi đầu khi mới thành lập, Phòng Tư pháp Cư M'gar chỉ có 03 biên chế, trong đó có 01 Phó Trưởng phòng và 02 chuyên viên, đến năm 2001, Phòng Tư pháp được bổ nhiệm 01 Trưởng phòng. Từ năm 2014 đến nay, Phòng Tư pháp có 01 Trưởng phòng, 02 Phó Trưởng phòng và 03 chuyên viên, trong đó 05 đồng chí có trình độ đại học và 01 đồng chí trình độ cao đẳng, 02 đồng chí có trình độ cao cấp lý luận chính trị, 01 đồng chí độ trung cấp lý luận chính trị, 03 đồng chí trình độ sơ cấp lý luận chính trị. Đội ngũ công chức tư pháp – hộ tịch các xã, thị trấn đến nay đều có trình độ chuyên môn từ trung cấp trở lên và thường xuyên được tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ. Số lượng biên chế ít nhưng Phòng Tư pháp đã cố gắng, nỗ lực vượt qua khó khăn thực hiện đồng bộ các lĩnh vực công tác tư pháp, tập trung vào các lĩnh vực chủ yếu như: công tác rà soát, hệ thống hóa, kiểm tra, thẩm định, góp ý văn bản quy phạm pháp luật; công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật; công tác hộ tịch, chứng thực... nhờ đó các nhiệm vụ công tác tư pháp trong những năm qua của huyện Cư Mgar được triển khai đồng bộ, sâu rộng, đạt kết quả cao thiết thực ở hầu hết các lĩnh vực.
Với chức năng nhiệm vụ được giao, hàng năm, Phòng Tư pháp đều bám sát các chương trình, kế hoạch của tỉnh, chủ động phân công nhiệm vụ cho cán bộ, công chức tham mưu UBND huyện ban hành các Chương trình, Kế hoạch thực hiện nhiệm vụ trọng tâm công tác Tư pháp kịp thời, đồng bộ, tạo cơ sở thuận lợi để triển khai thực hiện. Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đã được Phòng phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, các tổ chức đoàn thể và đặc biệt là các cơ quan thông tin đại chúng lựa chọn nội dung, hình thức tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng và địa bàn dân cư nên các văn bản pháp luật thường xuyên được tuyên truyền sâu rộng tới tận cơ sở, qua đó kịp thời giáo dục, thuyết phục và động viên đồng bào các dân tộc trong huyện chấp hành tốt Hiến pháp và pháp luật, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của huyện.
Xác định tầm quan trọng của việc đa dạng hóa nội dung và hình thức tuyên truyền, thời gian qua, Phòng Tư pháp huyện Cư M'gar đã tham mưu tổ chức trên 70 hội nghị phổ biến, quán triệt các văn bản pháp luật được Quốc hội các khóa thông qua; 05 hội nghị hưởng ứng “Ngày pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Đặc biệt là các hội nghị lấy ý kiến nhân dân về việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2012; Bộ luật Dân sự (sửa đổi); Luật Đất đai (sửa đổi), Phòng đã phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện tổ chức các hội nghị lấy ý kiến nhân dân thu hút 30.000 người tham gia. Năm 2016, diễn ra cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp, công tác tuyên truyền pháp luật phục vụ cuộc bầu cử đã thu hút hàng trăm nghìn người. Bên cạnh đó, đơn vị còn đa dạng hóa bằng nhiều hình thức tuyên truyền như tổ chức hội thi, cuộc thi. Riêng từ năm 2003 đến nay, Phòng Tư pháp huyện đã tham mưu tổ chức trên 22 hội thi, cuộc thi. Đặc biệt trong Cuộc thi “Tìm hiểu Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam” năm 2015, đã thu hút 10.137 bài dự thi, trong đó: đối tượng học sinh, sinh viên: 4.582 bài; cán bộ, công chức, viên chức, người lao động: 5.555 bài, kết quả cuộc thi cấp tỉnh, đơn vị huyện Cư M'gar đạt 01 giải nhất tập thể; 01 giải nhất, 01 giải ba và 01 giải khuyến khích cá nhân; 01 cá nhân đạt giải khuyến khích cuộc thi cấp Trung ương. Ngoài ra, Phòng Tư pháp huyện còn phối hợp với Đài Truyền thanh huyện xây dựng chuyên mục “Thông tin giải đáp chính sách pháp luật” phát hàng tuần trên sóng phát thanh của huyện. Hàng năm, đơn vị còn tổ chức in tờ rơi, tờ gấp với hình ảnh trực quan, sinh động, nội dung cô đọng, xúc tích giúp người dân dễ hiểu, dễ nhớ. Cùng với đó, công tác trợ giúp pháp lý cũng được Phòng chú trọng phối hợp với Trung tâm Trợ giúp pháp lý thực hiện. Các loại hình câu lạc bộ pháp luật như: câu lạc bộ “Phụ nữ với pháp luật”, “tuổi trẻ với pháp luật”, câu lạc bộ “tuổi trẻ phòng, chống tội phạm”, “phòng, chống tệ nạn xã hội” được thành lập và phù hợp với các đối tượng nên hoạt động có chất lượng… Các tổ hòa giải ở cơ sở bình quân mỗi năm đã thụ lý hơn 300 vụ việc mâu thuẫn và tranh chấp trong nội bộ nhân dân và hòa giải đạt trên 60%, qua đó đã không ngừng củng cố, tăng cường tình đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng dân cư, góp phần ổn định tình hình an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn.
Thực hiện chủ trương của Chính phủ về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước và hưởng ứng phong “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, các thôn, buôn, tổ dân phố đã xây dựng hương ước, quy ước; từ việc thẩm định, phê duyệt, sửa đổi, bổ sung và kiểm tra triển khai thực hiện - đến nay, huyện Cư M'gar có 189/189 thôn, buôn, tổ dân phố đều có bản hương ước, quy ước. Phòng Tư pháp đã tham mưu cho UBND huyện ban hành hơn 400 quyết định phê duyệt sửa đổi, bổ sung hương ước, quy ước cho phù hợp với thực tiễn qua từng thời kỳ phát triển kinh tế - xã hội. Việc thực hiện hương ước đã góp phần quan trọng vào việc phát huy dân chủ ở cơ sở, thực hiện cơ chế tự quản, điều chỉnh nhiều mối quan hệ xã hội, giải quyết những tranh chấp phát sinh trong cộng đồng, thực hiện tốt nếp sống văn hóa trong việc cưới, việc tang, lễ hội và hương ước đã từng bước trở thành một phần không nhỏ trong điều chỉnh các quan hệ xã hội, trong đời sống của cộng đồng dân cư trên địa bàn huyện. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của xã hội, đến nay đời sống vật chất, tinh thần và ý thức chấp hành pháp luật của đồng bào các dân tộc trong huyện không ngừng được nâng lên. Đó chính là thành quả của sự đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật, vận động nhân dân chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Công tác rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL theo quy định cũng được tiến hành thường xuyên, có chất lượng, qua đó kịp thời phát hiện những văn bản hết hiệu lực, sai sót về nội dung, hình thức, kỹ thuật trình bày, tránh sự mâu thuẫn, chồng chéo. Công tác kiểm tra, thẩm định, góp ý văn bản quy phạm pháp luật có những chuyển biến tích cực, đảm bảo về mặt thời gian, trình tự, thủ tục góp phần đảm bảo chất lượng văn bản và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn huyện. Trong giai đoạn 2003 đến 2017, Phòng đã tham mưu UBND huyện ban hành 01 văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực tư pháp; góp ý hàng trăm dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương; 89 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của cấp tỉnh, cấp huyện; 350 dự thảo văn bản khác.
Nhằm khắc phục nhưng sai sót do lịch sử để lại hoặc trong thời gian đầu về đăng ký và quản lý hộ tịch, khi các quy định pháp luật còn chưa chặt chẽ, các văn bản hướng dẫn chưa cụ thể, cán bộ phụ trách công tác hộ tịch chưa nắm vững các quy định của pháp luật mà chỉ dựa vào tờ khai của người dân để lập hay xác thực vấn đề phát sinh về hộ tịch, nhân thân; đồng thời tăng cường quản lý, thống nhất để Nhà nước công nhận và bảo hộ quyền con người, quyền, nghĩa vụ công dân, thời gian qua, công tác đăng ký và quản lý hộ tịch cũng ngày càng được quan tâm, chú trọng. Qua đó quản lý dân cư đã được thực hiện một cách khoa học, phục vụ tốt cho việc xây dựng, hoạch định chính sách phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng trên địa bàn. Đến nay công tác hộ tịch đã đi vào nền nếp và phục vụ đắc lực cho các hoạt động quản lý nhà nước và các giao dịch dân sự của người dân, nhất là từ khi Luật Hộ tịch 2014 có hiệu lực. Đây là bước đột phá về thể chế, là cơ sở pháp lý thống nhất, đồng bộ, làm cơ sở để xây dựng hệ thống đăng ký và quản lý hộ tịch theo hướng hiện đại. Công tác quản lý hộ tịch trên địa bàn huyện đã giảm tải việc lưu trữ hồ sơ bằng sổ sách, tạo điều kiện thuận lợi trong việc tra cứu thông tin. Đến nay, 100% xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã được trang bị phần mềm quản lý hộ tịch. Trong những năm qua (2003 - 2017), Phòng Tư pháp đã tham mưu cấp lại bản chính giấy khai sinh cho 1.837 trường hợp; cải chính hộ tịch, xác định lại dân tộc, thay đổi họ tên cho 726 trường hợp; cấp giấy chứng nhận đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài cho 14 trường hợp; đăng ký khai sinh có yếu tố nước ngoài cho 02 trường; cấp bản sao từ sổ gốc cho 16 trường hợp với số lượng 80 bản.
Bên cạnh đó, công tác chứng thực cũng thường xuyên được triển khai thực hiện theo đúng quy định pháp luật. Đơn vị đã ký chứng thực bản sao đúng với bản chính cho trên 52.000 trường hợp với gần 186.700 bản sao; chứng thực hợp đồng giao dịch cho trên 4.400 trường hợp và chứng thực văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế, chứng thực chữ ký cho nhiều trường hợp khác đáp ứng nhu cầu của tổ chức, cá nhân. Song song với các hoạt động đó, những năm gần đây, công tác kiểm soát thủ tục hành chính, kiểm tra theo dõi thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính cũng được triển khai, thực hiện. Hoạt động này đã góp phần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục và rút ngắn thời gian giải quyết cho các tổ chức, cá nhân. Theo thống kê, từ năm 2012 đến nay, trên địa bàn huyện đã kịp thời phát hiện và xử lý gần 116.400 vụ việc vi phạm hành chính với số tiền phạt sau xử lý nộp ngân sách Nhà nước trên 16,6 tỷ đồng.
Trải qua chặng đường hơn 33 năm, các thế hệ cán bộ lãnh đạo, công chức Phòng Tư pháp huyện Cư M'gar đã phát huy truyền thống đoàn kết, phấn đấu hoàn thành xuất sắc chức năng nhiệm vụ được giao. Với những thành tích đó Phòng Tư pháp huyện Cư M'gar đã nhận được nhiều giấy khen, bằng khen của UBND huyện, Sở Tư pháp và của UBND tỉnh. Kế thừa và phát huy những thành quả đạt được, đội ngũ công chức tư pháp Cư Mgar nói chung, Phòng Tư pháp nói riêng tiếp tục nâng cao tinh thần đoàn kết, ý thức phục vụ nhân dân, đẩy mạnh phong trào thi đua thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ trọng tâm công tác Tư pháp năm 2017 và những năm tiếp theo, tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội, giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây quê hương Cư M'gar anh hùng ngày càng giàu đẹp./.
Nguyễn Đức Hải
Trưởng Phòng Tư pháp huyện Cư M'gar
23/05/2025 10:46:38
14/05/2025 10:50:38
22/04/2025 07:57:18