PHÁT BIỂU CỦA ĐỒNG CHÍ TRẦN ĐÌNH LONG NGUYÊN GIÁM ĐỐC SỞ TƯ PHÁP, NGUYÊN PHÓ CHỦ NHIỆM ỦY BAN PHÁP LUẬT QUỐC HỘI TẠI LỄ KỶ NIỆM 35 NĂM THÀNH LẬP SỞ TƯ PHÁP
Ngày đăng: 03/08/2017 08:45
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 03/08/2017 08:45
Tôi rất vinh dự được tham dự buổi Lễ kỷ niệm 35 năm thành lập Sở Tư pháp và được phát biểu trước buổi lễ trọng thể này. Trước hết cho tôi gửi đến các đ/c lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, cùng tất cả quý vị đại biểu lời chúc sức khỏe và hạnh phúc; chúc buổi lễ thành công tốt đẹp!
Kính thưa quý vị đại biểu! Như các vị đã biết, bộ máy Nhà nước nói chung, ngành Tư pháp nói riêng là công cụ thực hiện quyền làm chủ của nhân dân, vừa là công cụ thực hiện quyền lãnh đạo của Đảng, đồng thời là công cụ quản lý kinh tế - xã hội của Nhà nước...
Ngành Tư pháp ra đời, tồn tại và phát triển gắn liền với quá trình lịch sử của đất nước, có lúc được chú trọng và cũng có lúc không được chú trọng, nhất là trong thời kỳ chiến tranh và những năm 70 của thế kỷ trước, như ở tỉnh ta những ngày đầu mới thành lập Sở Tư pháp cũng như ngành Tư pháp trong tỉnh, chúng ta cũng gặp không ít khó khăn, vừa thiếu thốn cơ sở vật chất, vừa không có đủ cán bộ có trình độ chuyên môn về luật để bố trí làm công tác tư pháp, và chức năng nhiệm vụ của ngành Tư pháp cũng chưa được quy định cụ thể. Ngày nay, trong thời kỳ xây dựng đất nước, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, vì nhân dân thì tất yếu phải có nền pháp chế XHCN, chính vì vậy ngành Tư pháp có một vị trí quan trọng trong bộ máy Nhà nước. Chức năng, nhiệm vụ của ngành Tư pháp không chỉ được quy định trong Nghị định của Chính phủ mà còn thể hiện trong nhiều luật chuyên ngành, như Luật Ban hành VBQPPL, Luật Phổ biến giáo dục pháp luật, Luật Luật sư, Luật Công chứng, Luật Trợ giúp pháp lý, Luật Hòa giải cơ sở, Luật Hộ tịch, Luật Giám định tư pháp, Luật Nuôi con nuôi, Luật Thi hành án dân sự...
Với chức năng nhiệm vụ đó, Đảng và Nhà nước đã đặc biệt quan tâm đầu tư mọi nguồn lực, nhất là con người và cơ sở vật chất đảm bảo cho ngành Tư pháp Việt Nam nói chung và của Đắk Lắk nói riêng đáp ứng yêu cầu hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc nhất.
Trên thực tế, tôi là người công tác ở Sở Tư pháp không nhiều, nhưng dù có đi đâu, làm gì tôi vẫn luôn theo dõi ngành Tư pháp của tỉnh nói chung và Sở Tư pháp nói riêng. Tôi nhận thấy sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, HĐND, UBND các cấp rất lớn đối với ngành Tư pháp, trong đó đặc biệt là phát huy vai trò của ngành Tư pháp, đó là động lực của toàn ngành không ngừng phấn đấu rèn luyện đạo đức, phẩm chất cách mạng và nâng cao về trình độ chuyên môn nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao, góp phần quan trọng trong việc tăng cường pháp chế XHCN trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là một trong những nội dung cốt lõi của việc xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN. Có thể nói không có nền pháp chế XHCN thì không thể có Nhà nước pháp quyền và như thế bộ máy Nhà nước chỉ là bộ máy cai trị chứ không phải là công cụ thực hiện quyền làm chủ của nhân dân! Tôi nói sự quan tâm của các cấp ủy Đảng và HĐND, UBND là động lực phấn đấu công tác của ngành Tư pháp của tỉnh, bởi đặc thù của ngành Tư pháp là không có điều kiện vật chất - xét cả hai mặt trong mối quan hệ bên trong của ngành và bên ngoài xã hội, bởi lẽ không ít người lựa chọn ngành Tư pháp như là điểm cuối của cuộc hành trình và đó cũng là tất yếu vì quyền tự do nghề nghiệp, vì cuộc sống của con người. Vấn đề đáng quan tâm ở đay là sự thu hút của địa phương, nhất là lực hấp dẫn của lãnh đạo địa phương.
Nói Nhà nước pháp quyền tức là nói quản lý xã hội bằng pháp luật. Đối với ngành Tư pháp được giao nhiều lĩnh vực công tác, bao gồm: xây dựng VBQPPL, phổ biến giáo dục pháp luật, hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp... công tác nào cũng quan trọng, nhưng tôi thấy có hai lĩnh vực đặc biệt quan trọng: thứ nhất là công tác xây dựng VBQPPL với hai nhiệm vụ đó là thẩm định văn bản và kiểm tra văn bản, thứ hai là công tác phổ biến giáo dục pháp luật, mặc dù công tác này là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, nhưng đối với ngành Tư pháp vừa là cơ quan tham mưu của UBND, vừa là trực tiếp thực hiện nếu không thấy rõ công tác này thì có thể làm đến đâu thì làm. Trong công tác xây dựng VBQPPL, ngành Tư pháp vừa có chức năng thẩm định dự thảo văn bản trình UBND cùng cấp, vừa tự kiểm tra văn bản của cấp mình và kiểm tra văn bản của cấp dưới - đây là những việc đòi hỏi những người thực hiện phải có kiến thức pháp luật sâu và kiến thức xã hội rộng... Trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, tùy theo từng đối tượng có yêu cầu đạt đến mục đích cao, thấp khác nhau, nhưng mục tiêu chung là xây dựng ý thức tuân thủ pháp luật trong toàn xã hội, mà trách nhiệm của ngành Tư pháp vừa là cơ quan tham mưu, vừa là nồng cốt tổ chức thực hiện. Công tác này đòi hỏi phải kiên trì, thực hiện một cách thường xuyên, liên tục mới có thể đem lại hiệu quả. Bởi vì để có được ý thức tuân thủ pháp luật trong toàn xã hội không phải là chuyện một mai, một chiều, nhưng khi mà một xã hội ý thức tuân thủ pháp luật còn có hạn thì cuộc sống của nhân dân chưa được yên ổn và như thế bộ máy quản trị, điều hành phải tốn nhiều công sức. Chính vì vậy, công tác này phải chấp nhận sự tốn kém, nhưng sự tốn kém cần thiết để bảo đảm cho sự ổn định và phát triển kinh tế - xã hội và hạn chế được thiệt hại do vi phạm pháp luật gây ra.
Chúng ta mơ ước làm sao có một xã hội bình yên, không có buôn gian bán lận, không có trộm cắp, cướp giật, không có “cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan” và chúng ta cũng không thể tưởng tượng nếu một xã hội mà không có sự tuân thủ theo pháp luật!... Khác với điều mơ ước là nhiệm vụ đặt ra cho ngành Tư pháp rất rõ ràng, vì vậy điều mong muốn của chúng ta: ngành Tư pháp không ngừng phát triển mạnh hơn nữa, đảm bảo vừa là công cụ sắc bén, vừa là niềm tin của Đảng và của nhân dân đối với ngành Tư pháp của tỉnh nói chung và Sở Tư pháp nói riêng.
Xin trân trọng cảm ơn sự theo dõi của quý vị!
23/05/2025 10:46:38
14/05/2025 10:50:38
22/04/2025 07:57:18