Cùng với các lĩnh vực hoạt động khác của ngành Tư pháp tỉnh Đắk Lắk, trong những năm qua, công tác hành chính tư pháp đã nỗ lực hoàn thành các nhiệm vụ chính trị được giao, góp phần quan trọng vào các thành tựu chung về kinh tế, xã hội của tỉnh. Là lĩnh vực liên quan đến việc bảo đảm quyền cơ bản của công dân, trực tiếp giải quyết những vấn đề liên quan hàng ngày tới đời sống xã hội, công dân và tổ chức trên địa bàn tỉnh, công tác hành chính tư pháp trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk liên tục được hoàn thiện về cơ chế pháp luật và cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho tổ chức, cá nhân trong giải quyết công việc, đồng thời bảo đảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, cải cách tư pháp và đạt được kết quả khả quan trọng các mặt công tác sau đây:
Về ban hành các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh các hoạt động hành chính tư pháp tại địa phương: Với chức năng quản lý nhà nước về hộ tịch, quốc tịch, nuôi con nuôi, lý lịch tư pháp tại địa phương, trong những năm qua, Sở Tư pháp tham mưu trình HĐND, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật về đăng ký, quản lý hộ tịch, quốc tịch, nuôi con nuôi, lý lịch tư pháp ở địa phương như: Nghị quyết, Quyết định về mức thu lệ phí đăng ký hộ tịch; miễn giảm lệ phí đăng ký hộ tịch; Quy chế phối hợp giải quyết vướng mắc giữa giấy tờ hộ tịch và các giấy tờ, hồ sơ khác của công dân giải quyết, Chỉ thị triển khai thực hiện Luật Nuôi con nuôi; Chỉ thị tăng cường công tác đăng ký, quản lý hộ tịch trên địa bàn tỉnh; Chỉ thị triển khai Luật Lý lịch tư pháp trên địa bàn tỉnh… Ngoài ra, còn ban hành và triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án về đăng ký khai sinh cho trẻ em; đăng ký kết hôn cho các cặp vợ chồng chung sống với nhau trên thực tế nhưng chưa đăng ký kết hôn; Kế hoạch triển khai việc rà soát, lập danh sách và hỗ trợ giải quyết hồ sơ xin nhập quốc tịch Việt Nam cho những người không quốc tịch mà không có đầy đủ giấy tờ về nhân thân, nhưng đã cư trú ổn định trên lãnh thổ Việt Nam từ 20 năm trở lên… để hoàn thiện cơ sở pháp lý lĩnh vực hành chính tư pháp, nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước và xác định trách nhiệm của các ngành, địa phương trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về lĩnh vực hành chính tư pháp.
Về công tác hộ tịch: Công tác đăng ký hộ tịch ở tất cả các cấp trên địa bàn tỉnh đã thực hiện theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông. Hầu hết các cơ quan đăng ký hộ tịch đều có bảng công khai thủ tục, thời hạn giải quyết từng sự kiện hộ tịch góp phần tăng cường năng lực, trách nhiệm của cán bộ, công chức và cơ quan nhà nước; kỹ năng, nghiệp vụ hành chính hộ tịch cũng như tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức được nâng lên góp phần từng bước xây dựng nền hành chính nhà nước dân chủ, trong sạch, vững mạnh, chuyên nghiệp và hoạt động có hiệu lực, hiệu quả. Công tác đăng ký và quản lý hộ tịch ngày càng đi vào nền nếp và đang phát huy hiệu quả cao. Trong 05 năm (từ 2007 đến 2011), toàn tỉnh đã đăng ký được 206.433 trường hợp đăng ký khai sinh; 37.376 trường hợp đăng ký khai tử; 72.694 trường hợp đăng ký kết hôn; tỷ lệ đăng ký khai sinh, khai tử quá hạn giảm từ 45% năm 2008 xuống 32% năm 2011 đối với công tác đăng ký hộ tịch có yếu tố nước ngoài được thực hiện đúng quy định pháp luật, bảo đảm chủ trương phục vụ nhân dân dù đó là công dân Việt Nam, người Việt Nam định cư ở nước ngoài hay người nước ngoài. Các yêu cầu đăng ký hộ tịch có yếu tố nước ngoài đều được giải quyết nhanh chóng, kịp thời, đúng pháp luật, nhiều trường hợp thực hiện xong trước thời hạn theo luật định. Ngoài ra, việc áp dụng công nghệ thông tin trong đăng ký và quản lý hộ tịch cũng được quan tâm đầu tư đúng mức. Trong những năm qua, các huyện, thị xã, thành phố đã đầu tư kinh phí mua máy vi tính, kết nối mạng internet để phục vụ công tác chung và công tác đăng ký, quản lý hộ tịch nói riêng. Thực hiện Tiểu dự án PMS áp dụng Hệ thống quản lý theo kết quả đầu ra trong lĩnh vực đăng ký, quản lý hộ tịch, Sở Tư pháp tỉnh đã trang bị 56 bộ máy vi tính và cài đặt phần mềm quản lý hộ tịch với tổng giá trị hơn 1,7 tỷ đồng cho Phòng Hành chính tư pháp, 03 Phòng Tư pháp và 45 xã, phường, thị trấn của thành phố Buôn Ma Thuột và các huyện Krông Bông, Ea Súp. Những kết quả này đã góp phần tích cực đưa công nghệ thông tin vào phục vụ hoạt động đăng ký và quản lý hộ tịch từ tỉnh đến cơ sở, tăng cường công tác quản lý nhà nước về hộ tịch ở địa phương.
Những kết quả nêu trên có thể khẳng định công tác đăng ký và quản lý hộ tịch trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực, từng bước đi vào nề nếp và đang phát huy hiệu quả cao; hoạt động quản lý hộ tịch ngày càng khẳng định vị trí, vai trò quan trọng trong tiến trình xây dựng một xã hội phát triển; giá trị pháp lý của các loại giấy tờ hộ tịch như Giấy khai sinh, Giấy chứng nhận kết hôn... đã được các cơ quan, tổ chức, cá nhân coi trọng. Các cơ quan đăng ký hộ tịch đã giải quyết và đăng ký kịp thời các sự kiện hộ tịch phát sinh tại địa phương, qua đó đảm bảo được quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, đồng thời tăng cường quản lý nhà nước tại địa phương.
Về công tác quốc tịch: Việc thực hiện Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 và các văn bản hướng dẫn thi hành đã được triển khai đồng bộ trên địa bàn tỉnh. Tính đến nay đã xác nhận có quốc tịch Việt Nam và xác nhận gốc Việt Nam cho 08 trường hợp. Ngoài ra, triển khai thực hiện Điều 22 Luật quốc tịch Việt Nam và Điều 8 Nghị định số 78/2009/NĐ-CP ngày 22/9/2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam về quy định trình tự, thủ tục và hồ sơ xin nhập quốc tịch Việt Nam đối với người không quốc tịch cư trú ổn định tại Việt Nam. Theo đó, Sở tư pháp đã trình, UBND tỉnh Đắk Lắk đã ban hành Kế hoạch triển khai trên địa bàn tỉnh và chỉ đạo, hướng dẫn các UBND các huyện, thị xã, thành phố tiến hành rà soát, lập danh sách người không quốc tịch đủ điều kiện nhập quốc tịch Việt Nam để hướng dẫn họ hoàn tất các thủ tục xin nhập quốc tịch Việt Nam. Qua rà soát, đã có văn bản đề nghị Chủ tịch nước xem xét, quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam đối với 01 trường hợp là người không quốc tịch.
Bên cạnh đó, thực hiện chỉ đạo của Bộ Tư pháp về việc rà soát Việt kiều Campuchia trở về sinh sống tại một số tỉnh phía Nam, Sở Tư pháp tỉnh đã tiến hành rà soát tại các huyện, thị xã, thành phố. Theo kết quả rà soát, trên địa bàn tỉnh có 04 trường hợp Việt kiều Campuchia về nước sinh sống từ năm 2009, họ đều không có giấy tờ tuỳ thân, là những người lao động, có trình độ văn hoá thấp và chưa được hưởng quy chế công dân Việt Nam nên họ gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống và gây khó khăn trong công tác quản lý hộ tịch, hộ khẩu ở địa phương. Do đó, đã đề xuất Bộ Tư pháp cho nhập quốc tịch Việt Nam đối với các trường hợp này.
Về công tác chứng thực: Công tác chứng thực bản sao, chữ ký tại Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã đến nay đã đi vào nền nếp, ổn định. Trình tự, thủ tục, chứng thực đã được đơn giản và công khai; giảm thời gian và chi phí đi lại của tổ chức, cá nhân; đề cao tinh thần trách nhiệm công chức Tư pháp - hộ tịch xã, phường trong việc thực hiện nhiệm vụ. Mọi giao dịch của các tổ chức và công dân cũng đã được giải quyết nhanh chóng, kịp thời đáp ứng được yêu cầu của mọi tổ chức và công dân. Trung bình mỗi năm, các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh đã chứng thực được 4.345 hợp đồng, giao dịch; 486.547 bản sao, thu lệ phí hơn 3,2 tỉ đồng.
Nhìn chung, trong thời gian qua, hoạt động chứng thực trên địa bàn tỉnh đã có những bước phát triển, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, khẳng định ngày càng rõ hơn vị trí, vai trò quan trọng của hoạt động này trong đời sống xã hội, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng đồng thời là công cụ đắc lực phục vụ quản lý nhà nước có hiệu quả, bảo đảm an toàn pháp lý cho các giao dịch, góp phần tích cực vào việc phòng ngừa tranh chấp, vi phạm pháp luật, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa.
Về công tác lý lịch tư pháp: Thực hiện Luật Lý lịch tư pháp; Nghị định số 111/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Lý lịch tư pháp; Chỉ thị số 11/2011/CT-UBND ngày 10/8/2011 về việc triển khai Luật LLTP trên địa bàn tỉnh; Quy chế phối hợp liên ngành số 97/QCPH-STP-TAND-CA-CTHADS về việc trao đổi, cung cấp và cập nhật thông tin lý lịch tư pháp trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, công tác trao đổi, cung cấp, tiếp nhận và cập nhật thông tin lý lịch tư pháp trên địa bàn tỉnh đến nay đã cơ bản đi nề nếp. Tính đến hết ngày 31/5/2012, Tòa án nhân dân, cơ quan Thi hành án dân sự các cấp đã cung cấp được 5.121 thông tin lý lịch tư pháp, Sở Tư pháp đã tiếp nhận được 5.621 thông tin lý lịch tư pháp (bao gồm cả 500 thông tin do Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia và Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố cung cấp); tiến hành phân loại, cập nhật, cung cấp 1.545 thông tin lý lịch tư pháp cho Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia và Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố. Cơ quan Công an đã tiếp tục cung cấp thông tin lý lịch tư pháp để làm cơ sở lập thông tin lý lịch tư pháp và cấp Phiếu lý lịch tư pháp. Tính từ 01/01/2011 đến nay, đã cấp Phiếu lý lịch tư pháp cho hơn 2.800 trường hợp, giải quyết kịp thời các yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp của công dân, tổ chức trên địa bàn tỉnh. Như vậy, sau hơn hai năm triển khai thực hiện, công tác lý lịch tư pháp trên địa bàn tỉnh đã đạt được một số kết quả khả quan như: Hệ thống cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp đã bắt đầu vận hành, việc tiếp nhận và xử lý thông tin đã cơ bản đi vào nề nếp; Dòng thông tin đầu vào từ các cơ quan tiến hành tố tụng và các cơ quan khác theo quy định của pháp luật bắt đầu được khai thông; Việc giải quyết cấp phiếu lý lịch tư pháp cho người có yêu cầu, bảo đảm về mặt thời gian giải quyết và sự thuận tiện cho người dân…
Về công tác nuôi con nuôi: đã triển khai thực hiện Luật Nuôi con nuôi và các văn bản hướng dẫn thi hành đồng bộ trên địa bàn tỉnh. Tính đến thời điểm hiện nay, Uỷ ban nhân dân các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã đăng ký nuôi con nuôi trong nước cho 19 trường hợp; Uỷ ban nhân dân tỉnh đã đăng ký nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài cho 01 trường hợp theo quy định của Luật Nuôi con nuôi. Việc triển khai các quy định của Luật Nuôi con nuôi đã được các Sở, ngành, địa phương triển khai nghiêm túc, đúng pháp luật và đạt được những kết quả thiết thực, góp phần quan trọng trong việc bảo đảm thực hiện quyền trẻ em được chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trong môi trường gia đình; động viên, khơi dậy tinh thần nhân đạo, nhân văn của con người Việt Nam; giữ gìn và phát huy truyền thống tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách trong cán bộ và nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh.
Để tiếp tục thực hiện các Nghị quyết của Đảng về chiến lược cải cách tư pháp, chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam của ngành Tư pháp nói chung và của lĩnh vực hành chính tư pháp nói riêng, trong thời gian tới, lĩnh vực hành chính tư pháp phải tăng cường quản lý vĩ mô theo hướng hiện đại hóa, gắn kết pháp luật về hành chính tư pháp với thực thi phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, áp dụng công nghệ thông tin, tăng cường tính chuyên nghiệp, hiện đại; xây dựng cơ sở dữ liệu tập trung trong công tác quốc tịch, hộ tịch, chứng thực và lý lịch tư pháp.
Nguyễn Thị Vân Anh
Trưởng Phòng Hành chính tư pháp