Kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia 10 tháng đầu năm 2018 trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk
Ngày đăng: 25/12/2018 16:25
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 25/12/2018 16:25
Ngày 29/11/2018, UBND tỉnh đã ban hành Báo cáo số 336/BC-UBND về đánh giá công tác chỉ đạo, điều hành và tình hình thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia 10 tháng đầu năm 2018 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, việc thực hiện các Chương trình MTQG trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả đáng kể, cụ thể như sau:
Về huy động và phân bổ nguồn vốn: Trong 10 tháng đầu năm 2018, tổng nguồn lực huy động thực hiện 02 Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) Giảm nghèo bền vững và Chương trình MTQG Xây dựng nông thôn mới hơn 8.527.910 triệu đồng. Trong đó, nguồn vốn ngân sách Trung ương: 286.919 triệu đồng; nguồn vốn ngân sách địa phương: 491.758 triệu đồng; nguồn vốn huy động từ cộng đồng dân cư: 704.412 triệu đồng; nguồn vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án khác: 1.247.033 triệu đồng.
Đối với Chương trình MTQG Xây dựng nông thôn mới: Tính đến hết tháng 10/2018, toàn tỉnh có 30 xã đạt chuẩn nông thôn mới (tương đương 20%), trong đó có 29 xã đã có Quyết định công nhận xã đạt chuẩn. Toàn tỉnh không còn xã đạt dưới 05 tiêu chí, có 37 xã đạt từ 05 đến 09 tiêu chí, 54 xã đạt từ 10 đến 14 tiêu chí và 32 xã đạt từ 15 đến 18 tiêu chí. Toàn tỉnh đạt 2.007 tiêu chí/2.888 tiêu chí, bằng 69,5%, tăng 80 tiêu chí so với cuối năm 2017; bình quân toàn tỉnh đạt 13,2 tiêu chí/xã, tăng 0,53 tiêu chí so với cuối năm 2017.
Đối với Chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững: Tổng số hộ nghèo trên địa bàn tỉnh cuối năm 2017 là 66.956 hộ, tương đương 15,37% số hộ, giảm 2,59% so với cuối năm 2016. Trong đó mức giảm hộ nghèo ở đồng bào dân tộc thiểu số đạt 4,19%; mức giảm hộ nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn đạt 5,25%. Toàn tỉnh không còn huyện có tỷ lệ hộ nghèo trên 50%...
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số tồn tại, hạn chế trong thực hiện Chương trình, như: kết quả giải ngân 10 tháng đầu năm 2018 còn thấp; tiến độ xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản trong các chương trình MTQG của một số đơn vị còn chậm; việc thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn vẫn còn một số khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện như nguồn kinh phí để thực hiện Đề án còn hạn chế, không đáp ứng được nhu cầu kinh phí cho các hoạt động của Đề án; phần lớn lao động nông thôn tham gia học nghề trên địa bàn tỉnh là lao động thuộc hộ nghèo; đội ngũ giáo viên đào tạo nghề còn thiếu, việc điều tra và khảo sát nhu cầu đào tạo để xác định ngành nghề đào tạo của từng địa phương, từng thời điểm một số nơi chưa được quan tâm đúng mức; một số cấp ủy, chính quyền ở địa phương chưa thực sự quan tâm đến công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn,…
Trên cơ sở kết quả đạt được, tỉnh Đắk Lắk đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 có 01 – 02 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới; 61 xã – tương đương 40% số xã được công nhận đạt chuẩn; số tiêu chí xây dựng nông thôn mới đạt được bình quân trên một đơn vị xã dự kiến đạt 14,38 tiêu chí/xã vào cuối năm 2020. Phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh giảm xuống còn dưới 5% theo tiêu chuẩn đa chiều hiện tại. Để thực hiện được mục tiêu này, đồng thời khắc phục tồn tại, hạn chế, UBND tỉnh yêu cầu tập trung đẩy mạnh thực hiện một số giải pháp trọng tâm, như:
- Về công tác lãnh đạo, chỉ đạo: Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp, các ngành, cấp ủy, chính quyền các cấp để đảm bảo các cơ quan, đơn vị tham gia vào thực hiện các chương trình, dự án thuộc Chương trình, phát huy đúng, đủ và kịp thời vai trò, trách nhiệm của cơ quan, đơn vị mình trong việc thực hiện Chương trình.
- Về công tác tuyên truyền: Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, khơi dậy cho cộng đồng dân cư để thực hiện các phong trào thi đua trong Chương trình xây dựng nông thôn mới nhằm phát huy sức mạnh của toàn dân, góp phần vào việc thực hiện mục tiêu của Chương trình; tuyên truyền mục tiêu giảm nghèo sâu rộng đến các cấp, các ngành, các tầng lớp dân cư và người nghèo nhằm thay đổi và chuyển biến nhận thức trong giảm nghèo, khơi dậy ý chí chủ động, vươn lên của người nghèo, tiếp nhận và sử dụng có hiệu quả chính sách và nguồn lực hỗ trợ của nhà nước, của cộng đồng để thoát nghèo, vươn lên khá giả;…
- Về việc huy động và lồng ghép các nguồn vốn: Thực hiện đa dạng hóa viêc huy động nguồn lực và phân bổ vốn đầu tư hợp lý để triển khai thực hiện Chương trình; tăng cường lồng ghép giữa các nguồn vốn đầu tư trên cùng địa bàn, cùng mục tiêu, cùng đối tượng;…
- Về cơ chế thực hiện: Thực hiện cơ chế phân cấp, trao quyền cho địa phương, cơ sở để địa phương chủ động cân đối nguồn lực để thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình đề ra; tăng cường sự tham gia của người dân trong suốt quá trình xây dựng và thực hiện Chương trình.
H.C
23/05/2025 10:46:38
14/05/2025 10:50:38
22/04/2025 07:57:18