Kết quả đáng ghi nhận về xã hội hóa hoạt động công chứng và bán đấu giá tài sản trên địa bàn tỉnh
Ngày đăng: 01/08/2017 09:26
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 01/08/2017 09:26
Ngày 02/6/2005, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 49-NQ/TW “Về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020”. Một trong những nhiệm vụ của công tác cải cách tư pháp là hoàn thiện các chế định bổ trợ tư pháp và từng bước xã hội hóa công tác này. Thực hiện chủ trương trên và các quy định của pháp luật có liên quan trong những năm qua, tỉnh Đắk Lắk từng bước xã hội hóa hoạt động công chứng, bán đấu giá tài sản và đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, cụ thể như sau:
Đối với hoạt động công chứng: Ngày 28 tháng 8 năm 2012, Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã ra Quyết định số 1948/QĐ-UBND ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án quy hoạch phát triển tổ chức hành nghề công chứng đến năm 2020 của tỉnh Đắk Lắk (được điều chỉnh tại Quyết định số 1458/QĐ-UBND ngày 24 tháng 5 năm 2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh).
Qua nhiều năm thực hiện, số lượng tổ chức hành nghề công chứng và công chứng viên ngày càng tăng. Năm 2010, Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định cho phép thành lập 02 Văn phòng công chứng đầu tiên (Văn phòng công chứng Đại An và Văn phòng công chứng Đắk Lắk). Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã thành lập 11 Văn phòng công chứng. Trong đó, 07/09 Văn phòng công chứng tổ chức và hoạt động theo loại hình doanh nghiệp tư nhân, thành lập theo quy định của Luật Công chứng năm 2006 đã thực hiện chuyển đổi sang tổ chức và hoạt động theo loại hình công ty hợp danh theo quy định của Luật Công chứng năm 2014; 02 Văn phòng công chứng không kịp thời chuyển đổi do thiếu nguồn công chứng viên hợp danh buộc phải chấm dứt hoạt động (Văn phòng công chứng Phước Thịnh, Văn phòng công chứng Ea H'leo); 02 Văn phòng công chứng thành lập theo quy định của Luật Công chứng năm 2014 . Như vậy, hiện nay còn 09 Văn phòng công chứng đang hoạt động với 19 Công chứng viên hành nghề tại 6/15 huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh. Theo Lộ trình “Quy hoạch phát triển tổ chức hành nghề công chứng đến năm 2020 của tỉnh Đắk Lắk”, từ nay đến năm 2020 phát triển thêm tối đa 11 Văn phòng công chứng hoạt động tại 10 huyện.
Cùng với các Phòng công chứng thuộc Sở Tư pháp, sự ra đời của các Văn phòng công chứng đã đáp ứng được yêu cầu của cá nhân, tổ chức một cách kịp thời. Các tổ chức hành nghề công chứng có sự đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc; các công chứng viên cũng không ngừng bồi dưỡng nâng cao chuyên môn nghiệp vụ. Hoạt động của văn phòng công chứng ngày càng chuyên nghiệp, nhân viên có thái độ lịch sự, tôn trọng khách hàng; giải quyết các yêu cầu tận tình, chu đáo, nhanh gọn và cơ bản đúng quy định pháp luật; giải thích rõ ràng và hướng dẫn đầy đủ những vấn đề cần thiết, không gây phiền hà, sách nhiễu đối với khách hàng. Từ năm 2010 đến nay, các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn tỉnh đã thực hiện công chứng trên 521.000 việc với tổng số phí công chứng gần 106,4 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước trên 24,7 tỷ đồng.
Với những kết quả mà việc xã hội hóa hoạt động công chứng mang lại đã góp phần giảm bớt gánh nặng cho ngân sách nhà nước, tăng nguồn thu ngân sách địa phương; tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh nhằm nâng cao chất lượng phục vụ yêu cầu công chứng của cá nhân, tổ chức, góp phần quan trọng vào tiến trình cải cách tư pháp.
Đối với hoạt động đấu giá tài sản: Nghị định số 17/2010/NĐ-CP ngày 04/3/2010 của Chính phủ về bán đấu giá tài sản đã tạo ra những chuyển biến mới và tích cực cho hoạt động bán đấu giá tài sản trong phạm vi cả nước nói chung và tỉnh Đắk Lắk nói riêng. Thực hiện việc xã hội hóa hoạt động bán đấu giá tài sản theo Nghị định số 17/2010/NĐ-CP, các tổ chức bán đấu giá tài sản trên địa bàn tỉnh đã có những bước phát triển nhanh chóng cả về số lượng và chất lượng. Tính đến nay, toàn tỉnh có 09 doanh nghiệp bán đấu giá tài sản (gồm 03 công ty cổ phần, 04 công ty trách nhiệm hữu hạn và 02 chi nhánh) với 19 đấu giá viên đang hoạt động, được trang bị đầy đủ kiến thức chuyên môn và phương tiện làm việc phục vụ cho công tác đấu giá. Hoạt động của các tổ chức bán đấu giá tài sản dần đi vào nề nếp, hướng tới chuyên nghiệp hóa, phục vụ đắc lực cho nhu cầu bán đấu giá tài sản của Nhà nước, tài sản của các tổ chức, cá nhân, góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách và tạo sự ổn định trật tự, kỷ cương cho hoạt động bán đấu giá tài sản. Từ ngày 01/7/2010 đến 31/5/2017, các tổ chức bán đấu giá tài sản trên địa bàn tỉnh đã thực hiện 4.069 cuộc đấu giá thành, giá khởi điểm hơn 2.083 tỷ đồng, giá bán hơn 2.223,8 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước hơn 379,8 tỷ đồng.
Có thể nói, với sự ra đời của các doanh nghiệp bán đấu giá tài sản trên địa bàn tỉnh đã tạo ra môi trường kinh doanh dịch vụ rộng mở và có sức hút, tạo được sức cạnh tranh trên thị trường bán đấu giá tài sản. Từ đó đặt ra yêu cầu cho mỗi tổ chức bán đấu giá phải nâng cao trình độ chuyên môn, đầu tư đổi mới trang thiết bị và hướng tới sự chuyên nghiệp hóa trong hoạt động chuyên môn của mình… từng bước đáp ứng yêu cầu của khách hàng.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc xã hội hóa hoạt động công chứng và bán đấu giá tài sản còn một số khó khăn, vướng mắc. Đối với hoạt động công chứng, việc đào tạo, phát triển đội ngũ công chứng viên trên địa bàn tỉnh chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế; một số văn phòng công chứng do thiếu công chứng viên hợp danh buộc phải chấm dứt hoạt động. Đối với hoạt động bán đấu giá tài sản, một số tổ chức bán đấu giá chưa tuân thủ nghiêm túc về trình tự, thủ tục bán đấu giá; một số đấu giá viên còn yếu về chuyên môn, nghiệp vụ, hạn chế chuyên môn về pháp luật, kỹ năng hành nghề, không cập nhật kiến thức pháp luật; tình trạng thông đồng, dìm giá còn xảy ra dưới hình thức nhiều người tham gia đấu giá nhưng chỉ một người trả giá còn những người còn lại cố tình không trả giá để khi kết thúc phiên đấu giá thì hưởng tiền chênh lệch đã thỏa thuận trước.
Để công tác xã hội hóa hoạt động công chứng và bán đấu giá tài sản đạt kết quả cao, trong thời gian tới cần tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền pháp luật về hoạt động công chứng và bán đấu giá tài sản; thực hiện nghiêm túc các quy định của Luật Công chứng năm 2014 và Luật Đấu giá tài sản. Đồng thời, cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để phát hiện và chấn chỉnh kịp thời những sai phạm và những biểu hiện tiêu cực trong các hoạt động này.
Phòng Bổ trợ tư pháp
23/05/2025 10:46:38
14/05/2025 10:50:38
22/04/2025 07:57:18