Chương trình trọng tâm công tác cải cách tư pháp giai đoạn 2016 - 2021 trên địa bàn tỉnh
Ngày đăng: 27/10/2016 07:51
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 27/10/2016 07:51
Nhằm tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động của các cấp ủy, chính quyền, các cơ quan tư pháp trong công tác cải cách tư pháp giai đoạn 2016 - 2021, tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, Kết luận số 79-KL/TW ngày 25/12/2013 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 20-NQ/TW ngày 28/01/2008 của Ban Chấp hành trung ương Đảng khóa X về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, Kết luận số 92-KL/TW của Bộ Chính trị thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, ngày 01/9/2016, Tỉnh ủy Đắk Lắk đã ban hành Kế hoạch số 17-KH/TU về thực hiện Chương trình trọng tâm công tác cải cách tư pháp giai đoạn 2016 - 2021 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, Kế hoạch đã xác định rõ vai trò, trách nhiệm của từng cấp uỷ đảng, chính quyền, các cơ quan tư pháp và các cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ. Cụ thể là:
- Tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến nội dung Nghị quyết số 49-NQ/TW, Kết luận số 79-KL/TW, Kết luận số 92-KL/TW của Bộ Chính trị, Chương trình số 04-CTr/TU và Chương trình số 38-CTr/TU của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về cải cách tư pháp đến toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, đơn vị và nhân dân…
- Nâng cao vai trò của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh, cấp huyện; huy động các cơ quan, tổ chức và phương tiện thông tin đại chúng tham gia làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và đấu tranh phòng, chống tội phạm; đẩy mạnh và nâng cao chất lượng hoạt động hòa giải ở cơ sở.
- Tiếp tục tổ chức phổ biến, triển khai thi hành có hiệu quả các bộ luật, luật như: Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Tố tụng Dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự…
- Thường xuyên rà soát, sơ kết, tổng kết việc thi hành pháp luật; tổng hợp những khó khăn, vướng mắc trong quá trình áp dụng pháp luật hình sự, dân sự, hành chính, thủ tục tố tụng tư pháp, tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp… trên cơ sở đó đề xuất kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các bộ luật, luật hoặc ban hành các văn bản hướng dẫn kịp thời để có cơ sở thi hành thống nhất, chính xác.
- Tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức lối sống, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ nhân dân trong đội ngũ cán bộ, đảng viên các cơ quan tư pháp; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm đạo đức nghề nghiệp, vi phạm pháp luật…
- Tập trung nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan tư pháp theo tinh thần Nghị quyết số 49-NQ/TW, Kết luận số 79-KL/TW của Bộ Chính trị và các văn bản luật của Quốc hội. Chú trọng công tác xử lý tin báo tố giác tội phạm; kiểm sát chặt chẽ việc thụ lý, giải quyết tin báo tội phạm, bảo đảm việc xác minh chính xác, kịp thời, nhất là các tin báo tội phạm tham nhũng…
- Tiếp tục kiện toàn tổ chức, bộ máy các cơ quan tư pháp các cấp theo Thông tư liên tịch số 23/2014/TTLT-BTP-BNV về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy cơ quan Sở Tư pháp, phòng Tư pháp và Đề án vị trí việc làm được phê duyệt. Đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ các cơ quan tư pháp theo phân cấp. Kiện toàn đội ngũ Luật sư, Giám định viên, Công chứng viên và các chức danh tư pháp khác có đủ năng lực và phẩm chất đạo đức tốt đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ…
- Tăng cường hoạt động giám sát của nhân dân, của các tổ chức đoàn thể chính trị, xã hội và công tác giám sát của cơ quan dân cử đối với các hoạt động tư pháp, nhất là đối với các hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, bắt giam giữ, cải tạo phạm nhân và công tác thi hành án nhằm góp phần đấu tranh phòng, chống tiêu cực, tham nhũng trong cán bộ, đảng viên, công chức trực tiếp làm công tác tư pháp.
- Duy trì tốt công tác phối hợp trong phòng, chống tội phạm, bảo vệ an ninh biên giới trên cơ sở các văn bản thỏa thuận giữa lãnh đạo, lực lượng vũ trang và lực lượng chức năng tư pháp của 02 tỉnh Đắk Lắk - Việt Nam và Mondulkiri - Vương quốc Cămpuchia.
- Tiếp tục tăng cường hợp tác trong đấu tranh phòng, chống tội phạm và hoạt động xét xử đối với các loại tội phạm xuyên quốc gia; đồng thời tổ chức các hoạt động hợp tác, trao đổi kinh nghiệm trong công tác xét xử với Toà án sơ thẩm Mondulkiri - Vương quốc Cămpuchia và Toà án nhân dân tỉnh Champasak - Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào theo các thỏa thuận hợp tác đã ký kết.
- Tạo điều kiện hỗ trợ về kinh phí, cơ sở vật chất để các cơ quan tư pháp triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình trọng tâm công tác cải cách tư pháp giai đoạn 2016 - 2021 trên địa bàn tỉnh.
Để tổ chức thực hiện Kế hoạch này, Tỉnh ủy cũng yêu cầu các cấp uỷ đảng, chính quyền, các cơ quan tư pháp và các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao tổ chức nghiên cứu, quán triệt, triển khai thực hiện Kế hoạch này; đồng thời, xây dựng kế hoạch, chương trình cụ thể để triển khai thực hiện có hiệu quả tại địa phương, cơ quan, đơn vị mình; định kỳ tiến hành kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện và báo cáo kết quả về Ban Thường vụ Tỉnh ủy theo quy định.
Xuân Hòa
23/05/2025 10:46:38
14/05/2025 10:50:38
22/04/2025 07:57:18