Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai công tác Tư pháp năm 2017
Ngày đăng: 23/12/2016 16:16
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 23/12/2016 16:16
Ngày 22/12/2016, tại Trung tâm Hội nghị quốc tế, Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai công tác Tư pháp năm 2017 tại 63 điểm cầu (điểm cầu Trung ương và điểm cầu 62 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương). Đến dự ở điểm cầu Trung ương có đồng chí Nguyễn Xuân Phúc - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; đồng chí Uông Chu Lưu - Phó Chủ tịch Quốc hội; đồng chí Nguyễn Hòa Bình - Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và đại diện các Bộ, ngành Trung ương, các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp. Chủ trì hội nghị, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, đồng chí Đồng chí Lê Thành Long - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp; đồng chí Phan Chí Hiếu, Thứ trưởng Bộ Tư pháp. Tại điểm cầu Đắk Lắk, đồng chí Võ Văn Cảnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì, cùng với sự tham dự của lãnh đạo các cơ quan: Văn phòng Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Ban Nội chính Tỉnh ủy và đại diện các sở, ngành liên quan ở tỉnh; lãnh đạo các phòng chuyên môn, các đơn vị sự nghiệp của Sở Tư pháp; lãnh đạo các Phòng Tư pháp các huyện, thị xã, thành phố.
Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ phát biểu chỉ đạo hội nghị |
Năm 2016, Bộ, ngành Tư pháp đã khẩn trương triển khai toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, bám sát Chương trình, Kế hoạch công tác, các Nghị quyết, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, nhiệm vụ chính trị của từng địa phương và đã đạt được kết quả cao trên một số mặt công tác như: công tác chỉ đạo điều hành được đổi mới, kịp thời triển khai các chủ trương, chính sách, các chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ; việc phối hợp giữa Bộ Tư pháp với các Bộ, ngành Trung ương được thực hiện chủ động, hiệu quả hơn; việc xây dựng, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật tiếp tục được chú trọng đầu tư nguồn lực, với nhiều quy định bảo đảm tốt hơn các quyền con người, quyền công dân, phục vụ tốt hơn yêu cầu của người dân, doanh nghiệp; giảm mạnh tình trạng “nợ đọng” văn bản; việc thẩm định văn bản quy phạm pháp luật được thực hiện khẩn trương, bảo đảm tiến độ; công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nhất là các văn bản liên quan đến bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp được toàn Ngành tập trung đẩy mạnh; công tác hòa giải ở cơ sở tạo được điểm nhấn quan trọng qua việc tổ chức thành công cuộc thi Hoà giải viên giỏi lần thứ III; công tác hành chính tư pháp đạt hiệu quả, kịp thời phục vụ nhân dân... Tuy nhiên, công tác tư pháp năm qua vẫn còn tồn tại một số khó khăn, hạn chế như: còn lúng túng trong triển khai Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 và Nghị định số 34/2016/NĐ-CP, chất lượng một số văn bản quy phạm pháp luật chưa cao, còn có sai sót; quản lý xủ lý vi phạm hành chính, theo dõi thi hành pháp luật còn nhiều khó khăn; phổ biến, giáo dục pháp luật chưa thực sự gắn với trọng tâm về phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; còn lúng túng trong việc giải quyết hộ tịch có yếu tố nước ngoài khi thực hiện phân cấp theo quy định mới của Luật Hộ tịch; việc chuyển đổi mô hình tổ chức hoạt động của các tổ chức hành nghề công chứng còn lúng túng, tiêu chí xét duyệt hồ sơ thành lập Văn phòng công chứng do một số địa phương ban hành chưa phù hợp với quy định; việc triển khai Đề án đổi mới công tác trợ giúp pháp lý ở một số địa phương còn gặp khó khăn; công tác pháp chế ở nhiều địa phương còn yếu. Đây là những kết quả nổi bật và một số khó khăn còn tồn tại của ngành Tư pháp trong năm 2016 được đồng chí Phan Chí Hiếu, Thứ trưởng Bộ Tư pháp báo cáo tại hội nghị.
Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Đắk Lắk |
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ đã ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng của toàn ngành Tư pháp trong năm 2016. Đồng chí cũng đề nghị ngành Tư pháp phải tiếp tục phát huy những thành tựu đã đạt được, đồng thời đề ra các giải pháp để khắc phục kịp thời những khó khăn, hạn chế còn tồn tại (công tác xây dựng, thi hành pháp luật còn hạn chế, một số vă bản thiếu tính ổn định; việc lập chương trình xây dựng pháp luật chưa đạt được hiệu quả cao; chất lượng hiệu quả thực thi pháp luật còn hạn chế; thủ tục hành chính còn phức tạp, rườm rà; công tác quản lý chính sách còn bị động; dư luận tiêu cực trong lĩnh vực thi hành án dân sự vẫn còn; phong cách, kiến thức, trách nhiệm của một bộ phận cán bộ tư pháp còn hạn chế; công tác thẩm định ở một số ngành, địa phương còn yếu kém và vẫn còn sai sót). Năm 2017, các Bộ, ngành cần đẩy mạnh công tác xây dựng gắn với thi hành pháp luật, đây vừa là công cụ để quản lý xã hội, vừa là công cụ để Nhân dân làm chủ, kiểm tra, giám sát quyền lực nhà nước; chủ động hơn nữa trong xây dựng và tổ chức thực hiện pháp luật có hiệu quả hơn; chủ động tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ các giải pháp đổi mới thể chế, nhất là thể chế liên quan đến đầu tư kinh doanh, khởi nghiệp, giảm thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi. Thủ tướng yêu cầu, Bộ Tư pháp phải làm tốt hơn nữa việc lập chương trình xây dựng pháp luật, chịu trách nhiệm chính về chất lượng, tiến độ của thể chế, chương trình xây dựng pháp luật; tham mưu, thẩm định phải có cơ chế hiệu quả để kiểm soát quyền lực; ngành tư pháp các cấp cần làm tốt hơn nhiệm vụ theo dõi, thi hành pháp luật, làm tham mưu cho Chính phủ, chính quyền các cấp để khắc phục tình trạng “nhờn luật” trong chính bộ máy Nhà nước và trong toàn xã hội; chủ động tham mưu về các vấn đề pháp lý đặt ra trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Đồng chí cũng tin tưởng rằng trong năm 2017, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quan tâm, chăm lo của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng, nhất trí của toàn thể cán bộ ngành Tư pháp, công tác tư pháp sẽ có bước phát triển mới, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và Chiến lược xây dựng pháp luật, cải cách tư pháp đến năm 2020.
Hội nghị đã dành nhiều thời gian để các đại biểu phản ánh những khó khăn, vướng mắc, chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình triển khai nhiệm vụ công tác tư pháp ở cơ sở, qua đó, tháo gỡ để thực hiện tốt hơn nữa công tác tư pháp ở cơ sở trong thời gian tới. Tại Hội nghị, thay mặt Lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trao Huân chương Độc lập hạng Nhì cho đồng chí Hà Hùng Cường, nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp (nhiệm kỳ 2011-2016) vì đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong quá trình công tác, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bộ Tư pháp công bố quyết định khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác tư pháp năm 2016; đồng thời, phát động phong trào thi đua năm 2017.
Đồng chí Đồng chí Lê Thành Long - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp phát biểu kết luận hội nghị |
Kết luận Hội nghị, đồng chí Lê Thành Long ghi nhận sự nỗ lực của toàn ngành trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ công tác Tư pháp năm 2016, đặc biệt là đối với các lĩnh vực trọng tâm; đồng thời, đồng chí cũng thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại hạn chế đã được đề cập tại hội nghị. Năm 2017 là năm thứ hai triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng, thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020, với nhiều cơ hội và cả những khó khăn, thách thức đối với công tác pháp luật, tư pháp, nhất là trong các lĩnh vực xây dựng, hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật, quản lý nhà nước về hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp... Trong bối cảnh đó, đồng chí yêu cầu toàn ngành phải nỗ lực khắc phục khó khăn, triển khai thành công các nhiệm vụ trong năm 2017, trọng tâm là 09 nhiệm vụ: củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ các cơ quan tư pháp, pháp chế từ Trung ương đến địa phương; triển khai có hiệu quả Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015; tổ chức thực hiện tốt công tác thẩm định, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật; xây dựng và tổ chức triển khai hiệu quả Đề án đổi mới công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2017 - 2020; tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ vướng mắc trong triển khai thi hành Luật Công chứng năm 2014; triển khai có hiệu quả Luật Hộ tịch; mở rộng việc áp dụng phần mềm đăng ký hộ tịch gắn với cấp số định danh cá nhân khi thực hiện đăng ký khai sinh; chú trọng công tác bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ ngành Tư pháp...
Tin, ảnh: Bích Luy
23/05/2025 10:46:38
14/05/2025 10:50:38
22/04/2025 07:57:18