Xây dựng văn bản quy phạm pháp luật – một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu của Tư pháp Đắk Lắk
Ngày đăng: 01/08/2017 10:35
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 01/08/2017 10:35
Kể từ khi được thành lập đến nay (năm 1982), cùng với sự phát triển của tỉnh Đắk Lắk, Sở Tư pháp luôn thể hiện được vai trò quan trọng của mình trong công tác quản lý nhà nước về hoạt động xây dựng pháp luật, công tác soạn thảo, ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) của HĐND, UBND tỉnh Đắk Lắk với nhiều kết quả tích cực, tạo sự chuyển biến về chất, góp phần vào kết quả thực hiện Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 tại Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị, đồng thời phục vụ đắc lực cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng của địa phương.
Cùng với các cơ quan nhà nước ở địa phương, Sở Tư pháp nói riêng, ngành Tư pháp Đắk Lắk nói chung đã tham mưu HĐND, UBND tỉnh xây dựng một hệ thống pháp luật khá đồng bộ, bao quát hầu hết các lĩnh vực, từ xây dựng và hoàn thiện pháp luật về tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước đến bảo đảm quyền con người, quyền tự do dân chủ của công dân…; tham mưu HĐND, UBND tỉnh ban hành theo thẩm quyền các quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển ngành, các chính sách, biện pháp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương để triển khai các chủ trương của Bộ Chính trị, Tỉnh ủy; chính sách, chiến lược quy hoạch của Chính phủ, Bộ, ngành trên tất cả lĩnh vực kinh tế - xã hội, văn hóa, giáo dục, y tế, môi trường, an ninh, quốc phòng…, trong đó, các lĩnh vực phát triển nông nghiệp - nông thôn, y tế, giáo dục, chính sách cán bộ, công chức, đầu tư cơ sở hạ tầng đặc biệt được quan tâm, góp phần quan trọng vào việc nâng cao đời sống nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội; thúc đẩy phát triển kinh tế, gắn với ổn định chính trị và tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc. Những kết quả quan trọng đó có sự góp phần không nhỏ của cơ quan tư pháp.
Công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác tư pháp tỉnh Đắk Lắk. Thông qua việc tham gia góp ý, thẩm định dự thảo văn bản quy phạm pháp luật đã đảm bảo việc ban hành các quy định của HĐND, UBND tỉnh phù hợp, thống nhất với các quy định của Hiến pháp và pháp luật hiện hành, đảm bảo tính khả thi khi triển khai thực hiện trong cuộc sống; góp phần trực tiếp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, người dân trên địa bàn tỉnh. Nhận thức rõ tầm quan trọng và trách nhiệm của mình, trong những năm vừa qua, công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật luôn được lãnh đạo Sở quan tâm và chỉ đạo sát sao. Tập thể cán bộ, công chức làm công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật luôn nêu cao tinh thần, trách nhiệm trong thực hiện công tác chuyên môn.
Hàng năm, Sở Tư pháp cùng các sở, ngành đã giúp UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành các nghị quyết, trình UBND tỉnh ban hành các quyết định, chỉ thị (từ 01/7/2016, theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, không tham mưu ban hành Chỉ thị). Cùng với đó, chất lượng văn bản quy phạm pháp luật ngày càng được nâng lên. Nội dung của văn bản quy phạm pháp luật cơ bản đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp và thống nhất, bước đầu khắc phục được tình trạng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật cồng kềnh, phức tạp, khó tiếp cận, khó áp dụng; từ đó, góp phần xây dựng một hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, từng bước có tính khả thi, công khai, minh bạch.
Trong phạm vi chức năng nhiệm vụ được giao, Sở Tư pháp đã giúp UBND tỉnh chỉ đạo, đôn đốc các sở, ngành, địa phương thực hiện nghiêm quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có việc thực hiện thủ tục góp ý vào dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. Nhờ đó, công tác tổ chức lấy ý kiến góp ý các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật đã được các cơ quan tham mưu xây dựng văn bản quan tâm và thực hiện khá đầy đủ, nghiêm túc, với nhiều hình thức lấy ý kiến và thành phần lấy ý kiến góp ý đa dạng, trên cơ sở đó, chất lượng văn bản ban hành của tỉnh ngày càng được nâng cao, bảo đảm quyền và lợi ích của các đối tượng có liên quan và tính khả thi của văn bản trên thực tế. Việc lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân vào dự thảo văn bản quy phạm pháp luật đã góp phần bảo đảm tính dân chủ, minh bạch, công khai trong việc hoạch định chính sách của các cơ quan nhà nước; đồng thời, bảo đảm tính khả thi của văn bản được ban hành. Thông qua thủ tục lấy ý kiến góp ý, Sở Tư pháp đã phát hiện và kịp thời kiến nghị không ban hành những văn bản không thuộc thẩm quyền của HĐND, UBND tỉnh, hoặc những văn bản xét thấy không cần thiết phải tham mưu ban hành. Trung bình, mỗi năm, Sở Tư pháp và các sở, ngành của tỉnh đã tham gia góp ý gần 100 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.
Công tác thẩm định văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND đã được Sở Tư pháp ngày càng chú trọng và từng bước đi vào nề nếp, tạo nên sự chuyển biến tích cực trong xây dựng pháp luật ở địa phương. Nhìn chung, tỷ lệ dự thảo văn bản được Sở Tư pháp thẩm định ngày càng tăng dần theo từng năm, cụ thể trong 10 năm (từ năm 2005-2016), Sở Tư pháp đã thẩm định 963 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. Chất lượng thẩm định ngày càng được nâng cao, bảo đảm tính độc lập, khách quan, tuân thủ đúng trình tự, thủ tục quy định. Việc thẩm định các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật được thực hiện trên cơ sở nghiên cứu đối chiếu các quy định pháp luật hiện hành cũng như thực tiễn thi hành pháp luật của địa phương, qua đó, đưa ra những ý kiến thẩm định, đóng góp mang tính thuyết phục đối với cơ quan soạn thảo và cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản. Thông qua hoạt động thẩm định dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, cơ quan tư pháp cũng đã phát hiện nhiều dự thảo văn bản có nội dung không hợp hiến, hợp pháp, mâu thuẫn, chưa đúng thẩm quyền ban hành. Hầu hết ý kiến thẩm định đã được cơ quan soạn thảo tiếp thu để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo văn bản. Những vấn đề còn có ý kiến khác nhau giữa cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm định đã được trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định. Trong quá trình thẩm định, Sở Tư pháp thường xuyên chủ động trao đổi, phối hợp với cơ quan soạn thảo để tìm ra hướng giải quyết đối với những vấn đề còn vướng mắc, mang tính đặc thù của địa phương.
Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ giai đoạn phát triển mới của đất nước, Đảng và Nhà nước ta đã có chủ trương lớn là chuyển hướng chiến lược từ xây dựng thể chế sang trọng tâm hoàn thiện thể chế và thi hành pháp luật. Để thực hiện chủ trương trên, Sở Tư pháp nhận thấy phải đổi mới mạnh mẽ tư duy lập pháp, lập quy và phải quyết tâm cao trong việc thực hiện Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, trong đó ngành tư pháp phải tiếp tục tạo ra sự đột phá trong thực thi nhiệm vụ của ngành, thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ của việc hoàn thiện thể chế, làm cho hoạt động xây dựng pháp luật trở nên năng động, linh hoạt, chủ động trước thực tiễn, có tính khả thi cao. Muốn vậy, phải tiếp tục tập trung làm tốt công tác góp ý, thẩm định các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, thay đổi cơ chế, nâng cao chất lượng thẩm định và sự phối hợp chặt chẽ với cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan khác trong công tác thẩm định; tăng cường tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực phân tích, xây dựng chính sách pháp luật và kỹ năng soạn thảo, thẩm định, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật cho những người làm công tác xây dựng pháp luật bao gồm cả cán bộ, công chức pháp chế của các sở, ngành; có biện pháp phát huy mạnh mẽ sự tham gia của nhân dân, huy động trí tuệ của chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, sự phản biện từ các tổ chức xã hội, từ các phương tiện thông tin đại chúng vào quá trình xây dựng, thẩm định, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là các chính sách, biện pháp phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng do HĐND tỉnh ban hành./.
Phùng Thị Hải Tâm
Trưởng phòng Xây dựng và kiểm tra VBQPPL
23/05/2025 10:46:38
14/05/2025 10:50:38
22/04/2025 07:57:18