Việt Nam với việc thực thi Công ước CEDAW
Ngày đăng: 12/12/2013 14:01
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 12/12/2013 14:01
Được sự tài trợ của tổ chức Foreign Affairs, Trade and Development Cannada trong hai ngày 07 và 08/12/2013 Bộ Tư pháp đã phối hợp với đại diện của cơ quan liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ, United Nations Entity for Gender Equality and the Empowerment of Women (UN WOMEN) đã tổ chức tập huấn về Công ước loại bỏ các hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW) và Bộ công cụ lồng ghép giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật cho các cán bộ, công chức làm công tác xây dựng, thẩm định văn bản quy phạm pháp luật các Sở Tư pháp các tỉnh từ Nam Trung bộ trở vào.
Các đại biểu tham gia tập huấn đã được các chuyên gia, báo cáo viên của Bộ Tư pháp trình bày sơ qua về lịch sử hình thành và các nội dung chính của Công ước như các quyền bình đẳng của phụ nữ trong đời sống chính trị, tham gia các quan hệ quốc tế, quốc tịch, giáo dục, việc làm, sức khỏe v.v…Việt Nam tham gia xây dựng, thông qua và ký Công ước CEDAW vào ngày 29/7/1980, phê chuẩn Công ước CEDAW vào ngày 17/02/1982 và có hiệu lực với Việt Nam từ ngày 19/3/1982. Từ khi tham gia Công ước CEDAW, Việt Nam đã tích cực xây dựng một môi trường bình đẳng để phụ nữ có thể tham gia vào mọi mặt kinh tế - chính trị - văn hóa – đời sống xã hội với hơn 250 quy định mang tính quy phạm từ Hiến pháp, Luật, Nghị quyết, Nghị định cho đến Quyết định, Chỉ thị, Thông tư của các cơ quan Trung ương để nội luật hóa các quy định của Công ước CEDAW như Hiến pháp, Bộ Luật Dân sự, Bộ Luật Hình sự, Bộ Luật Hôn nhân và Gia đình v.v... Đặc biệt, ngày 29/11/2006, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã thông qua Luật Bình đẳng giới có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2008, đây là văn bản pháp lý tập trung thể hiện sự quyết tâm của Nhà nước ta trên lĩnh vực bình đẳng giới, làm nền tảng trong thực hiện bình đẳng giới trong lập pháp và thực thi pháp luật ở Việt nam.
Tại đợt tập huấn, các đại biểu tham dự cũng đã được giới thiệu về Bộ công cụ lồng ghép giới trong quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và kinh nghiệm lồng ghép bình đẳng giới trong quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật được xây dựng trên cơ sở các quy định hiện hành về bình đẳng giới và quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của các cấp. Theo đó, việc thực hiện lồng ghép bình đẳng giới được thực hiện trong các giai đoạn lập, đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; xây dựng dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật (soạn thảo, thẩm định, thẩm tra); lồng ghép bình đẳng giới trong giai đoạn xem xét, thông qua dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. Để thực hiện lồng ghép tốt hơn công tác bình đẳng giới vào quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật cũng như bảo đảm tốt hơn các quyền và lợi ích của phụ nữ theo công ước CEDAW nói chung và pháp luật trong nước nói riêng, trong thời gian tới Đảng và Nhà nước sẽ xem xét thông qua Dự thảo Luật Hôn nhân và gia đình (sửa đổi) và Thông tư về lồng ghép giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.
(Đăng Tuệ)
23/05/2025 10:46:38
14/05/2025 10:50:38
22/04/2025 07:57:18