Sở Tư pháp tỉnh Đắk Lắk với công tác quản lý nhà nước về thi hành pháp luật
Ngày đăng: 01/08/2017 10:21
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 01/08/2017 10:21
Công tác quản lý thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và theo dõi tình hình thi hành pháp luật là nhiệm vụ công tác luôn được lãnh đạo Sở Tư pháp Đắk Lắk quan tâm và tham mưu cho UBND tỉnh triển khai đồng bộ, kịp thời nhằm góp phần quan trọng trong việc phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý nghiêm minh mọi hành vi vi phạm pháp luật; tăng cường nhận thức của các tổ chức, cá nhân trong thi hành pháp luật; bảo đảm trật tự, kỷ cương trong quản lý xã hội; bảo vệ lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân trên địa bàn tỉnh.
Nhận thức được vai trò của công tác quản lý thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và theo dõi tình hình thi hành pháp luật với việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước ở địa phương, thời gian qua, Sở Tư pháp đã tham mưu UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật để thống nhất thực hiện trên địa bàn tỉnh, như: Quyết định số 27/2010/QĐ-UBND ngày 14/10/2010 ban hành Quy định về theo dõi tình hình thi hành pháp luật trên địa bàn tỉnh; Quyết định số 20/2015/QĐ-UBND ngày 27/7/2015 ban hành Quy chế phối hợp trong công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật trên địa bàn tỉnh; Quyết định số 68/2015/QĐ-UBND ngày 21/12/2015 ban hành Quy chế phối hợp quản lý nhà nước trong công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn tỉnh,... Qua đó, công tác này đã được triển khai sâu rộng, thường xuyên đến các sở, ngành ở tỉnh, UBND cấp huyện và UBND cấp xã; các đơn vị, địa phương đã gắn công tác quản lý thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và theo dõi tình hình thi hành pháp luật với việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ và có sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan trong quá trình thi hành pháp luật.
Hàng năm, Sở Tư pháp đã tham mưu UBND tỉnh ban hành các kế hoạch công tác quản lý thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và theo dõi tình hình thi hành pháp luật của tỉnh, việc xây dựng kế hoạch công tác được thực hiện khoa học, bảo đảm lựa chọn đúng, phù hợp nội dung, phạm vi cần tổ chức theo dõi như: xác định vấn đề bức xúc, trọng tâm, địa bàn trọng điểm có nhiều phản ánh, kiến nghị về thi hành pháp luật của các cơ quan, tổ chức, cá nhân; các lĩnh vực có nhiều có quy định còn chồng chéo, bất cập; phạm vi đối tượng cần ưu tiên đánh giá, nguồn thông tin cần thiết phục vụ cho việc đánh giá (năm 2011: kiểm tra lĩnh vực cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất; cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; cấp Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh; năm 2012: kiểm tra lĩnh vực xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại; năm 2013: kiểm tra lĩnh vực đăng ký, quản lý hộ tịch và chứng thực; năm 2014: kiểm tra lĩnh vực an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, hoạt động kinh doanh thức ăn đường phố và xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm; năm 2015: kiểm tra lĩnh vực cấp phép xây dựng và quản lý trật tự xây dựng đô thị; xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng, phát triển rừng và quản lý lâm sản; năm 2016: kiểm tra lĩnh vực thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai; xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực giao thông đường bộ). Bên cạnh đó, Sở cũng đã tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành và UBND cấp huyện tổ chức xây dựng các kế hoạch của đơn vị, địa phương trên cơ sở kết hợp triển khai theo chuyên đề trong kế hoạch của UBND tỉnh và nội dung phù hợp với tình hình, yêu cầu của từng đơn vị, địa phương.
Để triển khai thực hiện các kế hoạch, Sở Tư pháp đã chủ động thực hiện bằng các biện pháp như: thành lập Đoàn liên ngành của tỉnh tổ chức kiểm tra, khảo sát thi hành pháp luật trong phạm vi, đối tượng được xác định; đôn đốc các cơ quan, địa phương triển khai kịp thời, đầy đủ các chỉ đạo của Bộ Tư pháp, UBND tỉnh về công tác quản lý thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và theo dõi tình hình thi hành pháp luật; chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan tổ chức kiểm tra việc thực thi công tác quản lý thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và theo dõi tình hình thi hành pháp luật trên địa bàn tỉnh; kịp thời tổ chức các hội nghị phổ biến các nội dung cơ bản của các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành trong lĩnh vực này; biên soạn và phát hành các loại tờ gấp, tài liệu tuyên truyền pháp luật cho người dân; công tác bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về công tác cho đội ngũ công chức pháp chế thuộc các sở, ngành ở tỉnh và UBND cấp huyện cũng được quan tâm triển khai (trong đó có cả hoạt động phối hợp với Bộ Tư pháp, các sở, ngành và UBND cấp huyện tổ chức tập huấn nghiệp vụ); xây dựng các mẫu phiếu khảo sát về tình hình thi hành pháp luật lấy ý kiến của cán bộ quản lý, người dân và các cơ sở sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp về tình hình thực thi pháp luật.
Thông qua hoạt động kiểm tra, khảo sát đã phát hiện nhiều hạn chế, bất cập trong thi hành pháp luật tại các đơn vị, địa phương, đó là: đội ngũ cán bộ, công chức vừa thiếu, vừa hạn chế về năng lực; trang bị về phương tiện làm việc chưa đầy đủ (đặc biệt là ở cấp xã); công tác tuyên truyền, phổ biến chưa thực sự được chú trọng do thiếu quan tâm và thiếu kinh phí thực hiện,… phát hiện nhiều quy định của pháp luật còn chồng chéo, không rõ ràng, thống nhất, là một trong những nguyên nhân dẫn tình trạng vi phạm pháp luật trong thực thi, làm giảm sút hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước ở địa phương; đồng thời, Sở cũng đã tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo, chấn chỉnh, khắc phục sai phạm ở một số đơn vị, địa phương trong công tác thi hành pháp luật sau kiểm tra.
Thông qua kết quả công tác quản lý thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và theo dõi tình hình thi hành pháp luật, đã tổ chức kiến nghị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xử lý đối với các quy định bất cập, kiến nghị các biện pháp để bảo đảm điều kiện thực thi pháp luật, góp phần nâng cao chất lượng thực thi pháp luật ở địa phương; rà soát để sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành các văn bản quy định chi tiết theo phân cấp, đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật, tạo cơ sở pháp lý để quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực.
Có thể nói, công tác quản lý thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong thời gian qua trên địa bàn tỉnh đã được Sở Tư pháp tham mưu UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo triển khai đồng bộ, kịp thời và đã đạt được một số kết quả nhất định, góp phần quan trọng trong việc phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý nghiêm minh mọi hành vi vi phạm pháp luật; tăng cường nhận thức của các tổ chức, cá nhân trong thi hành pháp luật; bảo đảm trật tự, kỷ cương trong quản lý xã hội; bảo vệ lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, cho đến nay, công tác này vẫn là một nhiệm vụ mới, có tính chất phức tạp, có phạm vi rộng, liên quan đến tổ chức và hoạt động của tất cả cơ quan, tổ chức từ trung ương đến địa phương và còn có một số khó khăn, vướng mắc, đó là:
Thứ nhất: công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ theo dõi tình hình thi hành pháp luật và pháp luật về xử lý vi phạm hành chính chưa chuyên sâu, chưa thường xuyên dẫn đến việc nắm bắt đầy đủ, toàn diện các quy định pháp luật đối với các đối tượng có liên quan chưa thực sự đồng đều. Một bộ phận nhân dân, nhất là nhân dân thuộc các vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa chưa có đủ điều kiện để thường xuyên tiếp cận với các hoạt động tuyên truyền pháp luật, trình độ dân trí thấp, nhận thức một số người còn yếu kém, bất đồng ngôn ngữ,… dẫn đến hiệu quả của công tác tuyên truyền trong những trường hợp này còn chưa được phát huy triệt để.
Thứ hai: tổ chức bộ máy, biên chế thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước công tác quản lý thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và theo dõi tình hình thi hành pháp luật tại các Phòng Tư pháp cấp huyện chưa đáp ứng hết yêu cầu của nhiệm vụ được giao; số lượng biên chế từ 3-5 người, thực hiện trên 26 nhiệm vụ chuyên môn; do đó, việc phân công cán bộ chuyên trách tập trung nhiều thời gian, chuyên sâu nghiên cứu, bồi dưỡng kiến thức về công tác này là điều khó thực hiện. Công chức Tư pháp – Hộ tịch ở cấp xã còn thiếu và yếu, khối lượng công việc nhiều nên công tác này thực hiện chưa có hiệu quả cao. Lực lượng cán bộ pháp chế tại các sở, ngành còn thiếu và phải kiêm nhiệm nhiều nội dung công việc nên chưa có sự đầu tư đúng mức, hiệu quả công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và theo dõi tình hình thi hành pháp luật chưa đáp ứng yêu cầu.
Thứ ba: đối với công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, một số nội dung quy định trong Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 và Nghị định số 81/2013/NĐ-CP chưa rõ ràng, chưa cụ thể cần được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp; quy định công tác báo cáo, thống kê về xử lý vi phạm hành chính, niên độ báo cáo theo quy định hiện hành còn chồng chéo, không thống nhất với niên độ báo cáo của một số ngành. Bên cạnh đó, mặc dù Nghị định về cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính được ban hành, nhưng phần mềm Hệ cơ sở dữ liệu vẫn chưa hoàn thiện, vì vậy quá trình tổng hợp số liệu báo cáo còn gặp nhiều khó khăn, việc thống kê, báo cáo nhiều lúc còn mang tính hình thức, ước lượng. Việc xác định tình trạng nghiện đối với nhiều loại chất ma túy hiện hành (hiện nay chỉ hướng dẫn 2 loại là OPIATS và AMPHETAMINE theo quy định tại Thông tư liên tịch số 17/2015/TTLT-BYT-BLĐTBXH-BCA) chưa đáp ứng được thực tiễn phát triển của xã hội, chẳng hạn như chưa có quy định về việc xử lý người nghiện ma túy đá, một trong những chất ma túy đang ngày càng phổ biến và gây nhiều hậu quả đáng tiếc, nhức nhối trong xã hội. Công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng, trình độ chuyên môn của đội ngũ y bác sỹ làm công tác xác định tình trạng nghiện chưa được quan tâm đúng mức.
Thứ tư: đối với công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật, yêu cầu theo dõi rộng và phức tạp, hình thức theo dõi còn đơn điệu, chủ yếu thông qua các hoạt động kiểm tra và thu thập thông tin từ báo cáo của các đơn vị, địa phương; việc xây dựng, hoàn thiện thể chế về theo dõi tình hình thi hành pháp luật vẫn còn chậm, dẫn đến lúng túng trong thực hiện hoạt động của địa phương; thiếu những quy định cụ thể về cách thức phối hợp và huy động sự tham gia của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong theo dõi tình hình thi hành pháp luật; về việc đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật của cơ quan, tổ chức và cá nhân chưa có bộ tiêu chí cụ thể để thực hiện việc đánh giá; việc xử lý kết quả theo dõi thi hành pháp luật chỉ quy định việc kiến nghị cơ quan, người có thẩm quyền xử lý kết quả theo dõi khi phát hiện có sai sót, nhưng lại không quy định cơ chế cho việc này dẫn đến tình trạng cơ quan, người có thẩm quyền khi nhận được kiến nghị thì không xử lý hoặc xử lý không đúng theo quy định của pháp luật.
Thứ năm: lãnh đạo một số đơn vị, địa phương chưa nhận thức đầy đủ về nhiệm vụ công tác quản lý thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và theo dõi tình hình thi hành pháp luật, coi đây là nhiệm vụ của Ngành Tư pháp nên chưa thật sự quan tâm đến công tác này.
Để bảo đảm triển khai các nhiệm vụ công tác này được triển khai một cách thuận lợi, đồng bộ và có hiệu quả trong thời gian tới, đề nghị Bộ Tư pháp phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan tập trung nghiên cứu, hoàn thiện một số nội dung sau:
Một là, tham mưu sửa đổi, bổ sung các nội dung chưa phù hợp của Luật Xử lý vi phạm hành chính và Nghị định 81/2013/NĐ của Chính phủ. Tổ chức tập huấn chuyên sâu về xử lý vi phạm hành chính, nhằm giúp cho các đơn vị, địa phương tập trung nghiên cứu, trao đổi và đề xuất những phương án hiệu quả để giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính. Triển khai thực hiện phần mềm tin học Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính để đảm bảo việc cập nhật thông tin, theo dõi, thống kê về xử lý vi phạm hành chính thuận lợi.
Hai là, Bộ Tư pháp xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành chỉ tiêu thống kê quốc gia để làm cơ sở xem xét, đánh giá tình hình thi hành pháp luật; Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có trách nhiệm xây dựng, ban hành Chỉ tiêu thống kê ngành làm cơ sở xem xét, đánh giá tình hình thi hành pháp luật. Quy định cơ chế xử lý kết quả theo dõi tình hình thi hành pháp luật, trách nhiệm của các đơn vị, địa phương trong việc xử lý kết quả theo dõi thi hành pháp luật sau kiểm tra, để bảo đảm hiệu lực quản lý nhà nước và sự nghiêm chỉnh tuân thủ pháp luật. Ban hành quy định về công tác phối hợp liên ngành giữa các cơ quan hành chính nhà nước và các cơ quan liên quan (như Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt nam...), trong đó cần làm rõ một số nội dung về phối hợp cung cấp thông tin, trao đổi văn bản, tài liệu, báo cáo, thống kê; phối hợp kiểm tra; xây dựng văn bản có liên quan...
Nguyễn Tuấn Quang
Trưởng phòng QLXLVPHC và TDTHPL
23/05/2025 10:46:38
14/05/2025 10:50:38
22/04/2025 07:57:18