Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) để điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội là yêu cầu và là một trong những chức năng quản lý nhà nước quan trọng nhất của chính quyền các cấp. Trong những năm qua, thực hiện Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND và các văn bản hướng dẫn thi hành, công tác ban hành văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực, hệ thống văn bản QPPL của tỉnh từng bước được củng cố và hoàn thiện, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự và an toàn xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.
Công tác xây dựng văn bản QPPL được Sở Tư pháp tham mưu thực hiện trên các nội dung như: Phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh xây dựng Chương trình xây dựng và ban hành văn bản QPPL của HĐND, UBND tỉnh; chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương soạn thảo các văn bản QPPL của ngành trình UBND tỉnh hoặc đề nghị UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành; tổ chức góp ý, thẩm định đối với các dự thảo văn bản QPPL do các sở, ngành tham mưu soạn thảo; tổ chức lấy ý kiến về các dự án luật, pháp lệnh và các dự thảo văn bản QPPL khác do các bộ, ngành ở trung ương soạn thảo v.v…
Với các chức năng, nhiệm vụ được giao, thời gian qua, Sở Tư pháp đã không ngừng cố gắng để hoàn thành tốt các nhiệm vụ trong các lĩnh vực của công tác xây dựng văn bản QPPL, thể hiện qua một số kết quả sau:
1. Về xây dựng Chương trình xây dựng và ban hành văn bản QPPL của HĐND, UBND tỉnh
Trước khi có Luật ban hành văn bản QPPL của HĐND, UBND, hàng năm Sở Tư pháp đều tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch xây dựng văn bản QPPL trong năm, để làm cơ sở cho các ngành tham mưu thực hiện. Sau khi Luật có hiệu lực thi hành, nhiệm vụ này được giao cho Văn phòng UBND tỉnh chủ trì thực hiện. Trên cơ sở tổng hợp kết quả đăng ký văn bản QPPL của các sở, ban, ngành, hàng năm, Sở Tư pháp đã phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh và các Sở, ngành có liên quan xây dựng dự thảo Chương trình xây dựng và ban hành văn bản QPPL của năm trình UBND tỉnh hoặc đề nghị UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành. Đồng thời, Sở Tư pháp cũng đã phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh theo dõi, kiểm tra đôn đốc cơ quan soạn thảo văn bản, bảo đảm tiến độ, thời gian xây dựng và trình dự thảo văn bản; tổ chức đánh giá, tổng kết việc thực hiện Chương trình xây dựng văn bản và báo cáo tình hình ban hành văn bản của HĐND, UBND tỉnh hàng năm.
Việc xây dựng và tổ chức thực hiện Chương trình ban hành văn bản của HĐND, UBND tỉnh hàng năm đã giúp cho các sở, ngành của tỉnh chủ động và kịp thời trong việc tham mưu ban hành văn bản QPPL, bảo đảm đúng quy trình ban hành văn bản QPPL theo quy định của pháp luật, cũng như trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị có liên quan trong việc tham gia xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật ở địa phương.
2. Trong hoạt động góp ý, thẩm định dự thảo văn bản QPPL
Trong phạm vi chức năng nhiệm vụ được giao, Sở Tư pháp đã giúp UBND tỉnh chỉ đạo, đôn đốc các Sở, ngành, địa phương thực hiện nghiêm quy trình ban hành văn bản QPPL, trong đó có việc thực hiện thủ tục góp ý vào dự thảo văn bản QPPL. Nhờ đó, công tác tổ chức lấy ý kiến góp ý vào các dự thảo văn bản QPPL đã được các cơ quan tham mưu xây dựng văn bản quan tâm và thực hiện khá đầy đủ, nghiêm túc, với nhiều hình thức lấy và thành phần lấy ý kiến góp ý đa dạng, trên cơ sở đó, chất lượng văn bản ban hành của tỉnh ngày càng được nâng cao, bảo đảm quyền và lợi ích của các đối tượng có liên quan và tính khả thi của văn bản trên thực tế. Việc lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân vào Dự thảo văn bản QPPL đã góp phần bảo đảm tính dân chủ, minh bạch, công khai trong việc hoạch định chính sách của các cơ quan nhà nước; đồng thời, bảo đảm tính khả thi của văn bản được ban hành. Thông qua thủ tục lấy ý kiến góp ý, Sở Tư pháp đã phát hiện và kịp thời kiến nghị không ban hành những văn bản không thuộc thẩm quyền của HĐND, UBND tỉnh, hoặc những văn bản xét thấy không cần thiết phải tham mưu ban hành.
Trong giai đoạn 2005 - 2012, Sở Tư pháp đã tham gia góp ý đối với 391 dự thảo văn bản QPPL do các Sở, ngành tham mưu soạn thảo. Ngoài ra, đã tổ chức lấy ý kiến góp ý đối với 34 Dự thảo Luật và các dự thảo văn bản khác theo yêu cầu của các Bộ, ngành Trung ương.
Ngoài ra, thực hiện quy định của Luật và sự chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Tư pháp đã phối hợp với các Sở, ngành có liên quan tổ chức thực hiện tốt công tác thẩm định văn bản QPPL. Trong quá trình thực hiện, đã đảm bảo các thủ tục và phạm vi, nội dung và thời gian thẩm định theo quy định; chất lượng văn bản qua thẩm định luôn được đảm bảo, phù hợp với pháp luật cũng như điều kiện thực tế của địa phương. Theo đó, từ năm 2005 đến năm 2012, Sở Tư pháp đã thẩm định đối với 533 dự thảo văn bản QPPL trình HĐND, UBND tỉnh ban hành. Bên cạnh đó, qua theo dõi, phát hiện nhiều dự thảo văn bản trình UBND tỉnh ban hành nhưng chưa thông qua thủ tục thẩm định của cơ quan tư pháp, hoặc dự thảo đã có ý kiến thẩm định nhưng không được cơ quan soạn thảo tiếp thu, chỉnh lý, Sở Tư pháp đã có văn bản báo cáo UBND tỉnh, đề nghị xem xét và chỉ đạo các cơ quan có liên quan có hướng xử lý phù hợp, nhằm ban hành văn bản phù hợp với quy định của pháp luật, bảo đảm nguyên tắc pháp chế xã hội chủ nghĩa.
3. Trong việc xây dựng và hoàn thiện thể chế, đảm bảo thực hiện công tác văn bản QPPL trên địa bàn tỉnh
Để kịp thời triển khai và thực hiện có hiệu quả các quy định của Luật Ban hành văn bản QPPL của HĐND, UBND và các văn bản hướng dẫn thi hànhtới các cấp, các ngành, các địa phương của tỉnh; đồng thời, tham mưu ban hành các văn bản QPPL để cụ thể hóa các quy định về xây dựng văn bản QPP, hoàn thiện thể chế ở địa phương, như: Nghị quyết số 18/2008/NQ-HĐND ngày 08/10/2008 của HĐND tỉnh quy định kinh phí chi cho công tác xây dựng, rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL của HĐND, UBND các cấp trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk (hiện nay được thay thế bằng Nghị quyết số 51/2012/NQ-HĐND ngày 06/7/2012…);Quyết định số 27/2009/QĐ-UBND ngày 25/8/2009 ban hành Quy định về quy trình xây dựng văn bản QPPL của HĐND, UBND; Quyết định số 02/2012/QĐ-UBND Ngày 16/01/2012 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định về quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND trên địa bàn tỉnh (được ban hành kèm theo Quyết định số 27/2009/QĐ-UBND ngày 25/8/2009 của UBND tỉnh) v.v... hoặc các văn bản QPPL nhằm chỉ đạo, đôn đốc, chấn chỉnh các Sở, ngành, các địa phương trên địa bàn tỉnh trong công tác văn bản QPPL, nghiêm túc thực hiện các quy định của Luật, các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành và các văn bản của tỉnh có liên quan, như: Chỉ thị số 09/2009/CT-UBND ngày 01/12/2009 về tăng cường thực hiện công tác xây dựng, ban hành văn bản QPPL của HĐND, UBND trên địa bàn trên địa bàn tỉnh v.v…
Bên cạnh đó, nhằm không ngừng nâng cao năng lực cho đội ngũ làm công tác tham mưu xây dựng và ban hành văn bản QPPL, Sở Tư pháp thường xuyên tham mưu UBND tỉnh tổ chức các lớp tập huấn về công tác này với số lượng hàng chục lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ soạn thảo, tham mưu ban hành, thẩm định hoặc các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác tư pháp (trong đó có chuyên đề về công tác văn bản QPPL) và cấp phát tài liệu cho gần 1.500 lượt người là cán bộ, công chức tham gia vào công tác văn bản QPPL ở các cấp (các đối tượng cán bộ, công chức ở tỉnh, ở phòng, ban chuyên môn cấp huyện, Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND cấp xã, công chức Tư pháp - Hộ tịch cấp xã, cộng tác viên kiểm tra văn bản QPPL ở các Sở, ngành, địa phương trong tỉnh, cán bộ lãnh đạo các đoàn thể ở các xã, phường, thị trấn …); đồng thời, thường xuyên có văn bản chỉ đạo và hướng dẫn nghiệp vụ đối với các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh.
Như vậy, có thể tự hào khẳng định rằng trong thời gian qua, Sở Tư pháp đã hoàn thành tốt nhiệm vụ trong công tác quản lý nhà nước về xây dựng và ban hành văn bản QPPL, đã góp phần tạo ra những chuyển biến tích cực trong nhận thức về vai trò của văn bản QPPL đối với quản lý nhà nước, nâng cao trách nhiệm cũng như chất lượng tham mưu ban hành văn bản QPPL của các ngành, các địa phương trên địa bàn tỉnh. Các văn bản được ban hành đúng pháp luật, có tính khả thi cao, đã tác động mạnh mẽ đến các mặt đời sống xã hội, cơ bản đáp ứng được yêu cầu thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và công tác quản lý nhà nước ở địa phương. Cùng với việc ban hành văn bản QPPL đã và đang góp phần giữ vững ổn định chính trị, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; giải quyết được những yêu cầu mà thực tiễn đặt ra; góp phần tạo hành lang pháp lý, đảm bảo việc thực hiện các quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và công dân.
Phát huy những thành quả đạt được, cùng với yêu cầu về cải cách hành chính, cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền, mở rộng hội nhập khu vực và quốc tế thì công tác xây dựng pháp luật của Nhà nước nói chung và xây dựng văn bản QPPL của các cấp chính quyền địa phương nói riêng cũng ngày càng mở rộng ra nhiều lĩnh vực mới, với yêu cầu cao hơn về chất lượng và kịp thời, đầy đủ về số lượng, đòi hỏi ngành Tư pháp cần nỗ lực nhiều hơn nữa, trong đó công tác quản lý nhà nước về xây dựng và ban hành văn bản QPPL cần tập trung vào tăng cường chất lượng góp ý, thẩm định dự thảo văn bản QPPL, bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật, thực tế của địa phương cũng như gắn kết với yêu cầu chỉ đạo, điều hành chung, góp phần loại bỏ những mâu thuẫn, chồng chéo trong hệ thống văn bản QPPL ở địa phương; tăng cường công tác theo dõi đôn đốc, chấn chỉnh việc thực hiện quy định của pháp luật liên quan đến trình tự, thủ tục về ban hành văn bản QPPL v.v…
Phùng Thị Hải Tâm
Trưởng Phòng xây dựng và thi hành văn bản QPPL