Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường
Ngày đăng: 17/01/2014 14:48
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 17/01/2014 14:48
Ngày 14/11/2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 179/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Nghị định gồm 5 chương, 74 điều áp dụng cho các tổ nhân, tổ chức trong nước và cá nhân, tổ chức nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường trong phạm vi lãnh thổ, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam bao gồm: các hành vi vi phạm các quy định về cam kết bảo vệ môi trường, báo cáo đánh giá tác động môi trường, đề án bảo vệ môi trường; các hành vi gây ô nhiễm môi trường; các hành vi vi phạm các quy định về quản lý chất thải; các hành vi vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường trong hoạt động nhập khẩu máy móc, thiết bị, phương tiện giao thông vận tải, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, phế liệu, chế phẩm sinh học; các hành vi vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường trong hoạt động du lịch và khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên; các hành vi vi phạm các quy định về thực hiện phòng, chống, khắc phục ô nhiễm, suy thoái, sự cố môi trường; các hành vi vi phạm hành chính về đa dạng sinh học (bảo tồn và phát triển bền vững hệ sinh thái tự nhiên; bảo tồn và phát triển bền vững các loài sinh vật và bảo tồn và phát triển bền vững tài nguyên di truyền; các hành vi cản trở hoạt động quản lý nhà nước, thanh tra, kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính và các hành vi vi phạm quy định khác về bảo vệ môi trường).
Cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền (tối đa là 1 tỷ đồng đối với cá nhân vi phạm và 2 tỷ đồng đối với tổ chức vi phạm): từ 1,9 - 02 tỷ đồng đối với tổ chức xả nước thải có chứa chất phóng xạ gây nhiễm xạ môi trường vượt quy chuẩn kỹ thuật cho phép; từ 20 - 30 triệu đồng đối với tổ chức không niêm yết công khai Kế hoạch quản lý môi trường của dự án tại địa điểm thực hiện dự án và trụ sở UBND cấp xã nơi thực hiện việc tham vấn cộng đồng để nhân dân biết, kiểm tra, giám sát; từ 70 – 80 triệu đồng đối với hành vi xây lắp không đúng, không vận hành thường xuyên hoặc vận hành không đúng quy trình đối với công trình xử lý môi trường đã cam kết trong đề án bảo vệ môi trường đã được phê duyệt; từ 120 – 130 triệu đồng đối với hành vi không dừng ngay các hoạt động của dự án gây ra sự cố ảnh hưởng xấu đến chất lượng môi trường và sức khỏe cộng đồng; không tổ chức ứng cứu khắc phục sự cố; không thông báo khẩn cấp cho cơ quan quản lý về môi trường cấp tỉnh và các cơ quan có liên quan nơi có dự án để chỉ đạo và phối hợp xử lý; báo cáo sai sự thật kết quả thực hiện các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành của dự án hoặc kết quả đo đạc, phân tích mẫu môi trường của dự án không đúng với thực trạng ô nhiễm của các nguồn thải; 180 – 200 triệu đồng đối với hành vi không lập lại báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án theo quy định; từ 200 – 250 triệu đồng đối với hành vi không có báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt theo quy định...
Bên cạnh đó, tùy theo tính chất, mức độ hành vi vi phạm còn có thể áp dụng hình thức xử phạt bổ sung và áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả như: Tước quyền sử dụng có thời hạn đối với các loại giấy phép, chứng nhận đạt tiêu chuẩn môi trường; tịch thu tang vật vi phạm hành chính, phương tiện được sử dụng để vi phạm; buộc khôi phục lại tình trạng môi trường ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra; buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng không đúng quy định về bảo vệ môi trường; buộc thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường và các biện pháp bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học; buộc đưa ra khỏi lãnh thổ nước Việt Nam hoặc buộc tái xuất hàng hóa, máy móc, thiết bị phương tiện, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, vật phẩm, chế phẩm sinh học và phương tiện nhập khẩu, đưa vào trong nước không đúng quy định về bảo vệ môi trường hoặc gây ô nhiễm môi trường...
Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 30/12/2013 thay thế Nghị định số 117/2009/ NĐ-CP ngày 31/12/2009 của Chính phủ về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
B.L
23/05/2025 10:46:38
14/05/2025 10:50:38
22/04/2025 07:57:18