NHỮNG KẾT QUẢ NỔI BẬT TRONG CÔNG TÁC HÀNH CHÍNH TƯ PHÁP
Ngày đăng: 01/08/2017 09:39
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 01/08/2017 09:39
Cùng với các lĩnh vực hoạt động khác của ngành Tư pháp tỉnh Đắk Lắk, trong những năm qua, công tác hành chính tư pháp đã nỗ lực hoàn thành các nhiệm vụ chính trị được giao, góp phần quan trọng vào các thành tựu chung về kinh tế, xã hội của tỉnh. Là lĩnh vực liên quan đến việc bảo đảm quyền cơ bản của công dân, trực tiếp giải quyết những vấn đề liên quan hàng ngày tới đời sống của công dân và tổ chức, công tác hành chính tư pháp trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk liên tục được hoàn thiện theo hướng cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho tổ chức, cá nhân, đồng thời bảo đảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, cải cách Tư pháp và đạt được kết quả nổi bật sau đây:
Về công tác hộ tịch:
Trước khi có Luật Hộ tịch, với chức năng giúp UBND cấp tỉnh thực hiện quản lý nhà nước về hộ tịch tại địa phương, Sở Tư pháp đã giúp UBND tỉnh thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn trong quản lý nhà nước về hộ tịch và thực hiện đăng ký các việc hộ tịch thuộc thẩm quyền như: đăng ký khai sinh, kết hôn, nhận cha, mẹ, con; nuôi con nuôi, giám hộ, thay đổi, cải chính hộ tịch; bổ sung, điều chỉnh hộ tịch; cấp bản sao giấy tờ hộ tịch từ sổ hộ tịch; cấp lại bản chính Giấy khai sinh có yếu tố nước ngoài.
Sau khi Luật Hộ tịch được ban hành, Sở đã tham mưu UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo UBND các huyện thị xã, thành phố triển khai thực hiện các nhiệm vụ quy định trong Luật như: Quyết định số 382/QĐ-UBND ngày 10/2/2015 ban hành Kế hoạch triển khai Luật Hộ tịch; Quyết định số 1474/QĐ-UBND ngày 26/5/2016 ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án "Cơ cở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc"; Chỉ thị về tăng cường quản lý nhà nước trong công tác đăng ký và quản lý hộ tịch; Quyết định ban hành Quy chế phối hợp giải quyết vướng mắc giữa giấy tờ hộ tịch và các giấy tờ, hồ sơ khác của công dân... Ngoài ra, đã biên soạn tài liệu, tổ chức tập huấn nghiệp vụ đăng ký hộ tịch cho đội ngũ công chức làm công tác hộ tịch ở cấp huyện và cấp xã.
Từ khi triển khai Luật Hộ tịch đến hết 31/12/2016, toàn tỉnh đã đăng ký khai sinh cho 142.139 trường hợp; đăng ký kết hôn cho 33.374 trường hợp; đăng ký khai tử cho 17.112 trường hợp.
Công tác đăng ký hộ tịch ở tất cả các cấp trên địa bàn tỉnh đã thực hiện theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông. Hầu hết các cơ quan đăng ký hộ tịch đều có bảng công khai thủ tục, thời hạn giải quyết từng sự kiện hộ tịch, góp phần tăng cường năng lực, trách nhiệm của cán bộ, công chức và cơ quan nhà nước; kỹ năng, nghiệp vụ đăng ký hộ tịch cũng như tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức được nâng lên, góp phần từng bước xây dựng nền hành chính nhà nước dân chủ, trong sạch, vững mạnh, chuyên nghiệp và hoạt động có hiệu lực, hiệu quả.
Ngoài ra, việc áp dụng công nghệ thông tin trong đăng ký và quản lý hộ tịch cũng được quan tâm đầu tư đúng mức. Trong những năm qua, các huyện, thị xã, thành phố đã đầu tư kinh phí mua máy vi tính, kết nối mạng internet để phục vụ công tác chung và công tác đăng ký, quản lý hộ tịch nói riêng, góp phần tích cực đưa công nghệ thông tin vào phục vụ hoạt động đăng ký và quản lý hộ tịch từ tỉnh đến cơ sở, tăng cường công tác quản lý nhà nước về hộ tịch ở địa phương.
Nhìn chung, công tác đăng ký và quản lý hộ tịch trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực, từng bước đi vào nề nếp và đang phát huy hiệu quả cao; hoạt động quản lý hộ tịch ngày càng khẳng định vị trí, vai trò quan trọng trong tiến trình xây dựng một xã hội phát triển; giá trị pháp lý của các loại giấy tờ hộ tịch như Giấy khai sinh, Giấy chứng nhận kết hôn... đã được các cơ quan, tổ chức, cá nhân coi trọng. Các cơ quan đăng ký hộ tịch đã giải quyết và đăng ký kịp thời các sự kiện hộ tịch phát sinh tại địa phương, qua đó đảm bảo được quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, đồng thời tăng cường quản lý nhà nước tại địa phương, thực hiện chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình… góp phần phát triển kinh tế - xã hội, ổn định an ninh quốc phòng trên địa bàn tỉnh.
Về công tác quốc tịch: Việc thực hiện Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 và các văn bản hướng dẫn thi hành tiếp tục được triển khai đồng bộ trên địa bàn tỉnh, giải quyết kịp thời các yêu cầu của công dân về các vấn đề liên quan đến quốc tịch.
Bên cạnh đó, trong thời gian qua, tỉnh đã ban hành và thực hiện Kế hoạch triển khai Tiểu Đề án giải quyết các vấn đề về quốc tịch, hộ tịch, hộ khẩu và các giấy tờ tùy thân khác cho người dân di cư từ Campuchia về nước; Kế hoạch rà soát, đánh giá việc giải quyết vấn đề quốc tịch, hộ tịch của trẻ em là con của công dân Việt Nam với người nước ngoài đang cư trú trên địa bàn tỉnh, đảm bảo tiến độ và chất lượng.
Do đặc thù là một tỉnh miền núi, trong những năm qua, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk không giải quyết trường hợp nào xin nhập, thôi, trở lại hoặc bị tước quốc tịch Việt Nam. Tuy nhiên, đã xác nhận có quốc tịch Việt Nam và xác nhận gốc Việt Nam cho 11 trường hợp, đề nghị Chủ tịch nước xem xét, quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam đối với 01 trường hợp là người không quốc tịch.
Về công tác chứng thực:
Thực hiện Nghị định số 79/2007/NĐ-CP ngày 18/5/2007 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành và địa phương triển khai thực hiện ban hành văn bản về chứng thực theo thẩm quyền để quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện tốt công tác chứng thực; thường xuyên bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác chứng thực ở cấp huyện và cấp xã; tiến hành thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định về chứng thực... Từ khi thực hiện Nghị định số 79/2007/NĐ-CP đến hết ngày 31/3/2014, các cơ quan có thẩm quyền chứng thực trên địa bàn tỉnh đã chứng thực 8.413.128 bản sao từ bản chính; 9.031 chữ ký; 213.267 hợp đồng, giao dịch, thu lệ phí hơn 35 tỷ đồng.
Triển khai Nghị định số 23/2015/NĐ-CP ngày 16/02/2015 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch (thay thế Nghị định số 79/2007/NĐ-CP); tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 20/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ về một số biện pháp chấn chỉnh tình trạng lạm dụng yêu cầu nộp bản sao có chứng thực đối với giấy tờ, văn bản khi thực hiện thủ tục hành chính, Sở Tư pháp đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định về mức trần chi phí in, chụp, đánh máy giấy tờ, văn bản tại các cơ quan thực hiện chứng thực; Quyết định quy định cộng tác viên dịch thuật và mức thù lao dịch thuật trên địa bàn tỉnh. Do đó, công tác chứng thực bản sao, chữ ký tại Phòng Tư pháp cấp huyện, UBND cấp xã đến nay đã đi vào nền nếp, ổn định. Trình tự, thủ tục, chứng thực đã được đơn giản và công khai; giảm thời gian và chi phí đi lại của tổ chức, cá nhân. Mọi giao dịch của các tổ chức và công dân đã được giải quyết nhanh chóng, kịp thời đáp ứng được yêu cầu cải cách hành chính trong giai đoạn hiện nay. Thực hiện Nghị định số 23/2015/NĐ-CP đến nay, các cơ quan có thẩm quyền chứng thực đã thực hiện chứng thực 140.947 hợp đồng, giao dịch, chữ ký; 4.119.164 bản sao với mức thu phí hơn 18 tỉ đồng, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của nhân dân trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đồng thời là công cụ đắc lực phục vụ quản lý nhà nước có hiệu quả, bảo đảm an toàn pháp lý cho các giao dịch, góp phần tích cực vào việc phòng ngừa tranh chấp, vi phạm pháp luật, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa.
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký đã được triển khai tương đối rộng khắp bằng nhiều hình thức khác nhau, đã thu hút sự quan tâm của mọi tầng lớp nhân dân trong xã hội, góp phần làm tăng cường một bước nhận thức của xã hội về công tác chứng thực. Ngoài ra, đã tổ chức nhiều đợt tập huấn nghiệp vụ công tác chứng thực cho cán bộ, công chức làm công tác chứng thực tại cấp huyện, cấp xã nhằm giúp họ nắm được phạm vi các loại việc chứng thực thuộc thẩm quyền; đồng thời, nắm bắt những khó khăn, tồn tại trong triển khai nhiệm vụ chứng thực tại cơ sở để có biện pháp hướng dẫn kịp thời.
Về công tác lý lịch tư pháp: Thực hiện Luật Lý lịch tư pháp và các văn bản hướng dẫn thi hành; Chỉ thị số 11/2011/CT-UBND ngày 10/8/2011 về việc triển khai Luật LLTP trên địa bàn tỉnh; Quy chế phối hợp liên ngành số 97/QCPH-STP-TAND-CA-CTHADS về việc trao đổi, cung cấp và cập nhật thông tin lý lịch tư pháp trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, công tác trao đổi, cung cấp, tiếp nhận và cập nhật thông tin lý lịch tư pháp trên địa bàn tỉnh đến nay đã đi nề nếp. Sau 5 năm thực hiện Luật Lý lịch tư pháp, Sở Tư pháp đã tiếp nhận 58.371 thông tin lý lịch tư pháp; lập và cung cấp 12.828 bản lý lịch tư pháp cho Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia; cấp 15.828 Phiếu lý lịch tư pháp (trong đó, tỷ lệ trả kết quả trước hạn đạt 97%)
Hiện nay, việc tiếp nhận và xử lý thông tin vào hệ thống cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp dùng chung đã đi vào nề nếp; dòng thông tin đầu vào từ các cơ quan tiến hành tố tụng và các cơ quan khác theo quy định của pháp luật đã được khai thông; việc giải quyết cấp Phiếu lý lịch tư pháp cho người có yêu cầu, bảo đảm về mặt thời gian giải quyết và sự thuận tiện cho người dân; đã thực hiện việc đăng ký cấp Phiếu lý lịch tư pháp trực tuyến, trả kết quả cấp Phiếu lý lịch tư pháp qua dịch vụ bưu chính. Dự kiến trong năm 2017 sẽ thực hiện việc tiếp nhận yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp qua dịch vụ bưu chính.
Về công tác nuôi con nuôi: Việc triển khai các quy định của Luật Nuôi con nuôi đã được các Sở, ngành, địa phương triển khai nghiêm túc, đúng pháp luật và đạt được những kết quả thiết thực, góp phần quan trọng trong việc bảo đảm thực hiện quyền trẻ em được chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trong môi trường gia đình; động viên, khơi dậy tinh thần nhân đạo, nhân văn của con người Việt Nam; giữ gìn và phát huy truyền thống tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách trong cán bộ và nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh.
Từ khi thực hiện Luật Nuôi con nuôi, UBND cấp xã trên toàn tỉnh đã đăng ký nuôi con nuôi trong nước cho 132 trường hợp; UBND tỉnh đã đăng ký nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài cho 10 trường hợp; lập và thông báo danh sách trẻ em cần tìm gia đình thay thế trong nước và nước ngoài theo quy định.
Ngoài ra, tính đến hết ngày 31/12/2015, toàn tỉnh có 127 trường hợp nuôi con nuôi thực tế. Trong đó, số trường hợp đáp ứng đủ điều kiện đăng ký theo quy định của Luật Nuôi con nuôi là 102 trường hợp, số trường hợp đã được đăng ký là 36 trường hợp. Số trường hợp nuôi con nuôi thực tế đáp ứng đủ điều kiện nhưng chưa đăng ký là 66 trường hợp (trong đó có 44 trường hợp do cha mẹ nuôi/con nuôi không muốn đăng ký vì muốn giữ bí mật; 02 trường hợp do một bên cha/mẹ nuôi hoặc con nuôi đã chết; 09 trường hợp do không đủ điều kiện về độ tuổi (cha/mẹ nuôi và con nuôi cách nhau dưới 20 tuổi); 09 trường hợp khó khăn về hồ sơ, giấy tờ; 02 trường hợp vì lý do khác).
Công tác bồi thường nhà nước: Các Sở, ngành, UBND cấp huyện đã triển khai thực hiện nghiêm túc Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành. Sở Tư pháp đã tăng cường hướng dẫn các ngành, địa phương nghiên cứu, tập huấn bồi dưỡng kiến thức pháp luật về bồi thường của nhà nước nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức trong quá trình thực thi công vụ. Thực hiện Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước, các cơ quan trên địa bàn tỉnh đã thụ lý, giải quyết 8 trường hợp với tổng số tiền bồi thường khoảng 2 tỷ đồng.
Công tác đăng ký giao dịch bảo đảm: Được triển khai thực hiện, bảo đảm an toàn, thông suốt. Mỗi năm, các tổ chức đăng ký giao dịch bảo đảm đã thụ lý, giải quyết hàng trăm ngàn đơn yêu cầu đăng ký, cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm.
Để tiếp tục thực hiện các Nghị quyết của Đảng về chiến lược cải cách Tư pháp, chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam của ngành Tư pháp nói chung và của lĩnh vực hành chính tư pháp nói riêng, trong thời gian tới, lĩnh vực hành chính tư pháp phải tăng cường quản lý vĩ mô theo hướng hiện đại hóa, gắn kết pháp luật về hành chính tư pháp với thực thi phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, áp dụng công nghệ thông tin, tăng cường tính chuyên nghiệp, hiện đại; xây dựng cơ sở dữ liệu tập trung, nhất là trong công tác quốc tịch và hộ tịch./.
VÂN ANH
Trưởng phòng Hành chính tư pháp
23/05/2025 10:46:38
14/05/2025 10:50:38
22/04/2025 07:57:18