NÂNG CAO HIỆU LỰC, HIỆU QUẢ CÔNG TÁC QUẢN LÝ VẬT TƯ NÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐẮK LẮK
Ngày đăng: 25/01/2021 16:31
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 25/01/2021 16:31
Hiện nay, nông nghiệp vẫn là ngành kinh tế chủ đạo của tỉnh, chiếm 39,52 % trong cơ cấu ngành kinh tế (theo giá hiện hành)[1]. Để phát triển sản xuất nông nghiệp hiệu quả và bền vững thì yếu tố đầu vào không thể thiếu là vật tư nông nghiệp. Do đó, trong thời gian qua, tỉnh đã có nhiều giải pháp nhằm tăng cường công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, bảo đảm lợi ích của nông dân.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn[2], hiện nay trên địa bàn tỉnh có trên 900 cơ sở kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, trên 1.160 cơ sở kinh doanh phân bón; trên 20 cơ sở sản xuất phân bón hóa học; trên 250 cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây trồng; có khoảng 500 cơ sở kinh doanh thức ăn chăn nuôi và 270 cơ sở kinh doanh thuốc thú y. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp này chủ yếu hoạt động dưới hình thức hộ gia đình, có một số hoạt động dưới hình thức doanh nghiệp, hợp tác xã.
Nhìn chung, hoạt động quản lý vật tư nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã đi vào nề nếp và đạt được một số kết quả quan trọng. Cụ thể, UBND tỉnh đã kịp thời chỉ đạo triển khai các văn bản Trung ương có liên quan đến quản lý vật tư nông nghiệp như: Luật trồng trọt và các văn bản hướng dẫn thi hành, Luật Chăn nuôi, Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 24/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách trong quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp... Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu UBND tỉnh thực hiện tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật trong sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp, các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật vật tư nông nghiệp; tổ chức công tác kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp trên địa bàn…
Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động quản lý vật tư nông nghiệp trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế. Theo đó, công tác chỉ đạo điều hành của nhiều đơn vị cấp huyện trên địa bàn tỉnh chưa được thường xuyên, một số nơi ít được quan tâm hoặc buông lỏng quản lý. Nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị và kinh phí phục vụ công tác quản lý chưa được quan tâm đúng mức. Tình trạng vật tư nông nghiệp giả, kém chất lượng, hết hạn sử dụng, vi phạm nhãn mác, việc sử dụng hóa chất, các chất kích thích sinh trưởng vượt mức cho phép vẫn còn diễn ra. Việc áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về vật tư nông nghiệp trong thực tế sản xuất, quản lý chưa nhiều. Công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp vẫn còn hạn chế, chưa triển khai đồng bộ, chất lượng chưa cao; nhận thức của người dân về tiêu chuẩn, chất lượng các sản phẩm vật tư nông nghiệp còn hạn chế, thích giá rẻ, ít quan tâm đến chất lượng vật tư nông nghiệp.
Những khó khăn, hạn chế nêu trên bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, trong đó phải kể đến một số nguyên nhân sau: Trách nhiệm quản lý vật tư nông nghiệp giữa các cơ quan chưa được quy định rõ ràng, thống nhất trong một văn bản pháp luật cụ thể mà nằm tản mác ở nhiều văn bản Trung ương dẫn đến khó khăn khi thực hiện nhiệm vụ (trách nhiệm quản lý giống cây trồng quy định tại Nghị định số 94/2019/NĐ-CP ngày 13/12/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Trồng trọt về giống cây trồng và canh tác; trách nhiệm quản lý giống và và sản phẩm giống vật nuôi quy định tại Thông tư số 22/2019/TT-BNNPTNT ngày 30/11/2019 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn một số điều của Luật Chăn nuôi về quản lý giống và sản phẩm giống vật nuôi; trách nhiệm trong quản lý giống thủy sản, thức ăn thủy sản quy định tại Thông tư số 26/2018/TTBNNPTNT ngày 15/11/2018 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về quản lý giống thủy sản, thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản; trong quản lý phân bón quy định tại Nghị định 84/2019/NĐ-CP ngày 14/11/2019 của Chính phủ quy định về quản lý phân bón…); số lượng các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp trên địa bàn tỉnh là khá lớn, nhưng hiện nay trách nhiệm quản lý trực tiếp đối với các cơ sở này chỉ thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nên rất khó khăn trong sắp xếp, bố trí nhân lực để thực hiện thanh tra, kiểm tra đầy đủ, hiệu quả. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức về vật tư nông nghiệp còn mang tính hình thức, chưa hiệu quả; Việc phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương trong quản lý vật tư nông nghiệp chưa chặt chẽ; chế tài xử lý vi phạm để ngăn ngừa vi phạm.
Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả, tạo bước chuyển biến tích cực trong công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp trên địa bàn tỉnh cần phải có những giải pháp thiết thực, phù hợp với đặc điểm tình hình của địa phương. Chẳng hạn, để nâng cao trách nhiệm của các sở, ngành, các đơn vị cấp huyện trong quản lý vật tư nông nghiệp cần thực hiện phân cấp hoặc phân công quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp. Bên cạnh đó, cần tiếp tục rà soát văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND tỉnh có liên quan đến quản lý vật tư nông nghiệp để kịp thời sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc ban hành mới cho phù hợp với quy định pháp luật có liên quan và tình hình thực tế của địa phương. Cần có kế hoạch loại bỏ thuốc bảo vệ thực vật một cách cụ thể, trước hết là rà soát loại bỏ các loại có nồng độ độc hại cao. Đẩy mạnh công tác quản lý vật tư nông nghiệp trên tất cả các khâu từ nhập khẩu, sản xuất, buôn bán, cho đến khi sử dụng. Ngoài ra, để nâng cao hiệu quả quản lý thị trường vật tư nông nghiệp, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật, trách nhiệm cho cả người kinh doanh và nguười sử dụng vật tư nông nghiệp./.
Phan Hiền
[1] Báo cáo số 275/BC-UBND ngày 16/10/2020 về tình hình, kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh 9 tháng đầu năm 2020; ước thực hiện cả năm 2020 và một số đề xuất, kiến nghị với Quốc Hội, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương.
[2] Tờ trình số 116/TTr-SNN ngày 20/5/2019 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
23/05/2025 10:46:38
14/05/2025 10:50:38
22/04/2025 07:57:18