Năm 2016 - năm đánh dấu bước nâng tầm vị thế của ngành Tư pháp (Phạm Văn Phước - Phó Giám đốc Sở Tư pháp)
Ngày đăng: 03/02/2016 04:25
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 03/02/2016 04:25
Năm 2015 tiếp tục là năm đất nước ta đứng trước nhiều khó khăn, thách thức khi nền kinh tế vẫn diễn biến phức tạp, tuy có nhiều nỗ lực, phấn đấu và đột phá trong nhiều lĩnh vực, song vẫn còn một số nhiệm vụ, giải pháp, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh quốc phòng chưa đạt được yêu cầu đã đề ra. Hòa cùng với những thách thức, khó khăn và những thành tựu chung đó, với sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của Đảng, Chính phủ, cùng với sự nỗ lực, quyết tâm của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Tư pháp, trong năm qua, công tác Tư pháp đã gặt hái được nhiều thành tựu quan trọng, tiếp tục khẳng định rõ vị trí, vai trò trong công cuộc xây dựng và phát triển mọi mặt của đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước. Từ những kết quả, thành tựu đã đạt được trong năm 2015, năm 2016 được “hứa hẹn” là năm đánh dấu sự trưởng thành của toàn ngành Tư pháp, đồng thời, đưa vị thế của ngành Tư pháp lên một “tầm cao” mới trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã xã hội chủ nghĩa (XHCN) và hội nhập kinh tế quốc tế.
Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai công tác Tư pháp năm 2016 và định hướng nhiệm kỳ 2016 - 2020 tại điểm cầu Đắk Lắk |
Năm 2016 là năm đánh dấu bước phát triển vượt bậc đối với công tác xây dựng và thi hành pháp luật của đất nước khi hàng loạt các luật, bộ luật rất quan trọng về tổ chức bộ máy nhà nước và các thiết chế trong hệ thống chính trị, về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền con người, quyền công dân chính thức có hiệu lực thi hành cũng như được chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tổ chức thi hành như: Luật Tổ chức Chính phủ năm 2014, Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2014, Luật Hộ tịch năm 2014, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, Bộ luật Dân sự năm 2015, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, Bộ luật Hình sự năm 2015, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, Luật Tố tụng hành chính năm 2015… Các luật này khi được tổ chức triển khai thi hành trong năm 2016 và những năm tiếp theo, được kì vọng sẽ tạo ra cuộc “cách mạng” về thể chế pháp luật, góp phần ổn định môi trường pháp lý cho sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
Có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2016, Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2014 góp phần cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 và các chủ trương, định hướng của Đảng về chính quyền địa phương; đồng thời kế thừa những nội dung hợp lý, sửa đổi, bổ sung những bất cập, vướng mắc trong 12 năm thực hiện Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2003. Với nhiều điểm mới quan trọng như: phân định thẩm quyền giữa trung ương, địa phương và giữa các cấp chính quyền; quy định nhiệm vụ, quyền hạn đặc trưng của chính quyền đô thị; quy định rõ số lượng cấp phó trong cơ cấu tổ chức của HĐND và UBND… Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2014 khi được triển khai thi hành sẽ tạo hành lang pháp lý hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Nhà nước pháp quyền XHCN, bảo đảm việc tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, phát huy quyền dân chủ trực tiếp và gián tiếp của nhân dân ở địa phương, đồng thời, là cơ sở quan trọng để chuẩn bị cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021.
Một trong những sự kiện pháp lý quan trọng, nổi bật, có tính chất đột phá nữa của ngành Tư pháp trong năm 2016 là việc Luật Hộ tịch năm 2014 và Nghị định số 123/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành của Luật Hộ tịch năm 2014 chính thức có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2016. Đây có thể được coi là “cuộc cách mạng”, tạo nền tảng cho những cải cách trong công tác đăng ký, quản lý hộ tịch nói riêng và quản lý dân cư nói chung khi lần đầu tiên Việt Nam có văn bản ở tầm Luật để điều chỉnh về lĩnh vực hộ tịch, sau nhiều năm điều chỉnh bằng các Nghị định của Chính phủ. Việc ban hành Luật Hộ tịch năm 2014 và Nghị định số 123/2015/NĐ-CP sẽ đảm bảo tốt nhất quyền, lợi ích hợp pháp của người dân trên cơ sở cải cách, cắt giảm mạnh thủ tục và các giấy tờ trong đăng ký hộ tịch (giảm từ 46 xuống còn 25 thủ tục); khi Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử và Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư vận hành thống nhất, người dân chỉ cần xuất trình duy nhất 1 loại giấy tờ (có Số định danh cá nhân) khi yêu cầu giải quyết thủ tục hành chính nói chung, đăng ký hộ tịch nói riêng mà không cần phải nộp giấy tờ để chứng minh về nhân thân, nơi cư trú; cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính để giải quyết các vụ việc hộ tịch có yếu tố nước ngoài cho người dân khi quy định không phỏng vấn đối với trường hợp đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài tại UBND cấp huyện, đơn giản hóa thủ tục cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân tại UBND cấp xã… Khi chính thức được triển khai thi hành, Luật Hộ tịch và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật sẽ thực sự tạo hành lang pháp lý ổn định, lâu dài bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, tạo nền tảng quan trọng đảm bảo quản lý dân cư theo hướng khoa học, hiện đại, phục vụ thiết thực việc xây dựng, hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Sau khi được tổ chức lấy ý kiến rộng rãi, nghiêm túc, khoa học, thực chất trong toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và các tầng lớp nhân dân, ngày 24/11/2015, Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 10 đã thông qua Bộ luật Dân sự (sửa đổi) để thay thế cho Bộ luật Dân sự 2005 sau 10 năm triển khai thi hành. Với 6 phần, 27 chương, 689 điều, Bộ luật Dân sự năm 2015 được ghi nhận là có nhiều nội dung mang tính đột phá trong tư duy pháp lý về cơ chế điều chỉnh quan hệ dân sự của cá nhân, pháp nhân như: xác định lại chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự, các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự; quy định cụ thể hơn các quyền nhân thân của cá nhân; xác định lại các hình thức sở hữu; bổ sung các điều kiện về giao dịch chung, điều chỉnh hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi, hủy bỏ và hậu quả của hủy bỏ hợp đồng; tạo điều kiện tốt hơn cho người yếu thế bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp; hoàn thiện nhiều quy định trong các chế định về tài sản, hợp đồng, thừa kế… Với tư cách là một đạo luật lớn, phức tạp, phạm vi điều chỉnh rộng, tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội, là luật chung, luật nền cho các luật khác trong hệ thống pháp luật, việc thông qua Bộ luật Dân sự 2015 thực sự là một bước tiến lớn trong việc định hình cách ứng xử của các cá nhân, pháp nhân trong giao lưu dân sự, bảo vệ tốt hơn quan hệ nhân thân, tài sản của người dân, tổ chức kinh tế Việt Nam và người nước ngoài, doanh nghiệp nước ngoài có quan hệ dân sự - kinh tế với Việt Nam, qua đó sẽ góp phần quan trọng vào sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước trong giai đoạn phát triển mới.
Hiến pháp năm 2013, với việc ghi nhận và bảo đảm thực hiện các quyền con người, quyền công dân đã đặt ra yêu cầu phải tiếp tục đổi mới, hoàn thiện cả hệ thống pháp luật, trong đó có pháp luật hình sự với tính cách là công cụ pháp lý quan trọng và sắc bén nhất trong việc bảo đảm và bảo vệ quyền con người, quyền cơ bản của công dân. Trước yêu cầu của việc đổi mới đó, ngày 27/11/2015, tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Bộ luật Hình sự (sửa đổi). So với Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009), Bộ luật Hình sự năm 2015 có nhiều sửa đổi, bổ sung rất quan trọng theo tinh thần cải cách tư pháp của Đảng, nhằm góp phần bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, trước hết là đảm bảo quyền của các nhóm dễ bị tổn thương như phụ nữ, trẻ em, người già, người khuyết tật; đặc biệt là các quy định thể hiện tính nhân đạo cao như giảm hình phạt tù, giảm các tội phạm có hình phạt tử hình và giảm các trường hợp áp dụng phạt tử hình; thay thế việc truy cứu trách nhiệm hình sự bằng việc áp dụng các biện pháp giám sát giáo dục người dưới 18 tuổi; bổ sung các quy định nhằm giúp người bị kết án thuận lợi hơn trong việc tái hòa nhập với xã hội như quy định về xóa án tích, tha tù trước thời hạn có điều kiện; quy định về trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại (doanh nghiệp) trong các lĩnh vực kinh tế, môi trường... Mặt khác, Bộ luật cũng đã có những quy định nhằm xử lý nghiêm khắc hơn đối với các hành vi phạm tội như bổ sung nguyên tắc xử lý người giữ chức vụ có quyền hạn cao thì xử phạt càng nặng; mở rộng phạm vi xử lý đối với tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ ra cả khu vực ngoài nhà nước... Có thể thấy rằng, Bộ luật Hình sự năm 2015 đã thể hiện sâu sắc quan điểm của Đảng và Nhà nước ta là hướng thiện trong xử lý hình sự, nhân đạo hóa chính sách hình sự, đồng thời thể hiện quyết tâm cao trong công cuộc đấu tranh phòng ngừa tội phạm - “nhân đạo nhưng không bỏ lọt tội phạm”. Khi chính thức có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2016, Bộ luật Hình sự năm 2015 được kỳ vọng sẽ phát huy tốt hơn vai trò là công cụ sắc bén, hữu hiệu trong đấu tranh phòng, chống tội phạm; góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội; bảo vệ các quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.
Cũng trong năm 2016, một trong những sự kiện pháp lý quan trọng, nhận được sự quan tâm đông đảo của nhân dân đó là Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật chính thức có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7. Với những nội dung mới, quan trọng dựa trên nền tảng là các nguyên tắc hiến định về tổ chức quyền lực nhà nước, về tính tối thượng của Hiến pháp và pháp luật, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 được kỳ vọng là không chỉ khắc phục những hạn chế, bất cập trong thực tiễn xây dựng và thi hành pháp luật trong thời gian qua, mà với vai trò là “luật về làm luật”, Luật thiết lập một mặt bằng thể chế thống nhất cho hệ thống pháp luật quốc gia, củng cố trật tự ban hành pháp luật của các cơ quan nhà nước từ Trung ương đến địa phương, đồng thời mở ra không gian rộng lớn cho sự tham gia, phản biện và giám sát của Nhân dân trong quá trình xây dựng và vận hành hệ thống pháp luật của đất nước hướng tới mục tiêu đồng bộ, minh bạch, khả thi, dễ tiếp cận, hiệu lực và hiệu quả. Đồng thời, với việc cấm quy định thủ tục hành chính trong các văn bản quy phạm pháp luật của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Tổng Kiểm toán Nhà nước, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, trừ trường hợp được giao trong luật, Luật chắc chắn sẽ góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong thời kỳ hội nhập.
Cùng có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2016 là Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 và Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. Với nhiệm vụ là góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ XHCN, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân, giáo dục mọi người nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 có một điểm mới quan trọng, mang tính đột phá, đó là việc quy định Tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng. Quy định này nhằm thể chế hóa Hiến pháp năm 2013 về bảo vệ tối đa quyền con người, quyền công dân, phù hợp với chủ trương xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, đồng thời khắc phục được một số bất cập trong thực tiễn xét xử các vụ án dân sự trước đây. Cũng trên tinh thần cụ thể hóa Hiến pháp về bảo vệ quyền con người, quyền công dân, đồng thời bảo đảm phát hiện chính xác, nhanh chóng và xử lý công minh, kịp thời mọi hành vi phạm tội, phòng ngừa, ngăn chặn mọi tội phạm, không để lọt tội phạm, không làm oan cho người vô tội, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 có nhiều điểm mới, trong đó đáng chú ý nhất là quy định bắt buộc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh trong quá trình hỏi cung bị can. Khi quy định này được triển khai thực hiện trên thực tế, quá trình hỏi cung bị can sẽ được đảm bảo về tính minh bạch, bảo vệ bị can, chống bức cung, dùng nhục hình, bảo vệ quyền con người, quyền công dân theo yêu cầu của Hiến pháp.
Từ những tiền đề mang tính chất “đòn bẩy” của năm 2015, năm 2016 được kỳ vọng là năm có nhiều thay đổi mang tính đột phá của toàn ngành Tư pháp. Với những nhiệm vụ và trọng trách quan trọng được Đảng và Nhà nước giao phó, bên cạnh việc triển khai và chuẩn bị các điều kiện để triển khai hàng loạt các luật và bộ luật quan trọng, cùng với việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ công tác khác như xây dựng pháp luật; thẩm định, kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa, hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật và pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật; công tác kiểm soát thủ tục hành chính; xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật; thi hành án dân sự; phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở; công tác hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, nuôi con nuôi, lý tịch tư pháp, bồi thường nhà nước; công tác công chứng, bán đấu giá tài sản; bổ trợ tư pháp, trợ giúp pháp lý… năm 2016 sẽ là năm ngành Tư pháp có nhiều cơ hội để khẳng định và nâng cao hơn nữa vị thế, vai trò của mình trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
23/05/2025 10:46:38
14/05/2025 10:50:38
22/04/2025 07:57:18