KIỂM SOÁT THỦ TỤC HÀNH CHÍNH GÓP PHẦN ĐÁNG KỂ TRONG CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
Ngày đăng: 01/08/2017 09:31
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 01/08/2017 09:31
Kiểm soát thủ tục hành chính (TTHC) là hoạt động được thực hiện nhằm ngăn ngừa, phát hiện những sai phạm trong quá trình xây dựng, thực hiện TTHC, được Chính phủ quy định tại Nghị định số 63/2010/NĐ-CP ngày 08/6/2010 về kiểm soát TTHC để triển khai thực hiện tại các cơ quan hành chính nhà nước từ trung ương đến địa phương.
Ở địa phương, hoạt động này được Chính phủ giao cho Ủy ban nhân dân (UBND) cấp tỉnh và UBND cấp huyện quản lý, triển khai thực hiện thông qua Sở Tư pháp và Phòng Tư pháp, cụ thể: tại khoản 2 Điều 8 Nghị định số 24/2014/NĐ-CP ngày 04/4/2014 quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có quy định “Sở Tư pháp tham mưu, giúp UBND cấp tỉnh quản lý nhà nước về kiểm soát TTHC”; và tại khoản 2 Điều 7 Nghị định số 37/2014/NĐ-CP ngày 05/5/2014 quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh quy định “Phòng Tư pháp tham mưu, giúp UBND cấp huyện thực hiện chức năng quản lý nhà nước về kiểm soát TTHC”.
Tại tỉnh Đắk Lắk, kiểm soát TTHC cũng đã được triển khai thực hiện theo đúng các quy định của Chính phủ. Hiện nay, hoạt động này do Sở Tư pháp trực tiếp tham mưu, triển khai thực hiện thông qua Phòng Kiểm soát TTHC được Sở tiếp nhận từ văn phòng UBND tỉnh năm 2013. Qua hơn 06 năm triển khai, hoạt động kiểm soát TTHC của cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh góp phần đáng kể vào tiến trình cải cách TTHC, cải cách hành chính của tỉnh thông qua việc thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm sau:
Nhiệm vụ góp ý, thẩm định về các quy định TTHC
Theo Điều 11 Nghị định số 63/2010/NĐ-CP được sửa đổi tại khoản 4 Điều 1 Nghị định số 48/2013/NĐ-CP thì khi xây dựng dự thảo văn bản QPPL có quy định về TTHC, cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh phải gửi dự thảo văn bản QPPL đến các cơ quan có liên quan và Sở Tư pháp để góp ý và thẩm định về TTHC đó.
Thực hiện quy định này, nhìn chung, các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh cũng đã chấp hành gửi dự thảo văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) có quy định TTHC đến các cơ quan liên quan để lấy ý kiến về TTHC và gửi về Sở Tư pháp để thẩm định. Trong năm 2015 và 2016, Sở Tư pháp đã thực hiện góp ý đối với 19 dự thảo Quyết định và thẩm định 09 dự thảo Quyết định có quy định về TTHC. Mặc dù hiện nay số lượng văn bản QPPL có chứa TTHC được gửi góp ý, thẩm định có xu hướng giảm vì theo quy định tại Khoản 4 Điều 14 Luật Ban hành văn bản QPPL năm 2015 thì từ ngày 01/7/2016, địa phương không được quy định TTHC trừ trường hợp được Luật giao. Tuy nhiên, không thể phủ nhận một điều là nhờ vào việc góp ý, thẩm định về TTHC trong các dự thảo văn bản QPPL, các cơ quan trên địa bàn tỉnh đã kiểm soát tốt việc ban hành TTHC trước khi đưa chúng vào thực hiện trong cuộc sống, góp phần bảo đảm cho hệ thống các quy định về TTHC ngày càng chất lượng, có tính khả thi cao.
Nhiệm vụ công bố TTHC
Công bố TTHC là một trong những nội dung quan trọng của kiểm soát TTHC. Theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Thông tư số 05/2014/TT-BTP thì cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh có trách nhiệm xây dựng dự thảo Quyết định công bố TTHC để tham mưu Chủ tịch UBND cấp tỉnh công bố theo quy định.
Thực hiện quy định trên, hàng năm có hàng chục Quyết định công bố TTHC được UBND tỉnh ban hành, cụ thể: năm 2015, ban hành 24 Quyết định công bố TTHC; năm 2016, ban hành 16 Quyết định công bố TTHC; 6 tháng đầu năm 2017, ban hành 15 Quyết định công bố TTHC…. Tính đến nay, hầu hết các lĩnh vực có TTHC đều được các cơ quan liên quan tham mưu công bố đầy đủ theo quy định; và hoạt động này vẫn thường xuyên được duy trì cập nhật, chuẩn hóa để công bố sửa đổi, bổ sung khi nội dung không còn phù hợp.
Nhiệm vụ rà soát, đánh giá TTHC
Rà soát, đánh giá TTHC là một nhiệm vụ trọng tâm của kiểm soát TTHC, nhằm đánh giá lại toàn bộ TTHC đã ban hành, đang áp dụng thực hiện có còn phù hợp với thực tiễn cuộc sống hoặc có còn phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành có liên quan, để từ đó có hướng xử lý cho phù hợp.
Hàng năm, UBND tỉnh đều ban hành các Kế hoạch rà soát TTHC để chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thực hiện. Tuy hiệu quả rà soát của các cơ quan, đơn vị chưa cao và chưa đồng đều, nhưng hàng năm Sở Tư pháp đều tham mưu cho UBND tỉnh thông qua các phương án đơn giản hóa TTHC và kiến nghị các Bộ, ngành trung ương xem xét sửa đổi các văn bản QPPL liên quan đến TTHC thuộc nhiều lĩnh vực. Cụ thể: trong các năm 2014 và 2015, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 3097/QĐ-UBND ngày 23/12/2014 và Quyết định số 3143/QĐ-UBND ngày 26/11/2015 thông qua phương án đơn giản hóa của 30 TTHC thuộc lĩnh vực Tư pháp và đề xuất Bộ Tư pháp xem xét thực thi sửa đổi các văn bản QPPL trong lĩnh vực này; năm 2016, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 3662/QĐ-UBND ngày 09/12/2016 thông qua phương án đơn giản hóa của 34 TTHC thuộc lĩnh vực Tư pháp, kế hoạch và đầu tư, giao thông vận tải, tài nguyên và môi trường và kiến nghị các Bộ ngành có thẩm quyền xem xét sửa đổi các văn bản QPPL thuộc lĩnh vực quản lý. Nhờ đó, việc rà soát, đánh giá TTHC của tỉnh góp phần hoàn thiện văn bản QPPL có quy định về TTHC, hướng tới tạo cơ sở để thực hiện TTHC thuận lợi hơn cho công dân, tổ chức.
Nhiệm vụ tiếp nhận và xử lý phản ánh, kiến nghị về TTHC
Sở Tư pháp thường xuyên duy trì thực hiện việc tiếp nhận, xử lý các phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh theo đúng Nghị định số 20/2008/NĐ-CP ngày 14/02/2008 của Chính phủ. Tuy nhiên, nhằm chủ động nắm bắt nhu cầu phản ánh của cá nhân, tổ chức liên quan đến TTHC, hàng năm, Sở Tư pháp còn tham mưu cho UBND tỉnh triển khai thực hiện khảo sát những phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh. Từ năm 2015 đến nay, đã trực tiếp tiến hành khảo sát hơn 800 công dân tại 22 cơ quan, đơn vị, nhờ đó nhiều trường hợp có vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện TTHC đã được kịp thời phát hiện, tham mưu xử lý dứt điểm.
Tuy vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, nhưng thông qua việc thực hiện tích cực các nhiệm vụ trọng tâm nêu trên, hoạt động kiểm soát TTHC của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã góp phần lớn vào sự thành công của cải cách TTHC, cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh, nhờ đó mà các chỉ số cải cách hành chính PAPI và PCI của tỉnh ngày càng được cải thiện và nâng cao.
Hoàng Trọng Hùng
Trưởng phòng Kiểm soát thủ tục hành chính
23/05/2025 10:46:38
14/05/2025 10:50:38
22/04/2025 07:57:18