Hội nghị lấy ý kiến tham gia góp ý xây dựng Luật
Ngày đăng: 08/10/2015 16:04
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 08/10/2015 16:04
Sáng 08/10, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh tổ chức Hội nghị lấy ý kiến tham gia góp ý xây dựng Luật. Tham dự Hội nghị có các đồng chí là Đại biểu Quốc hội khóa XIII công tác tại tỉnh, đại diện lãnh đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, đại diện các sở, ban, ngành liên quan; đồng chí Y Khút Niê, Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh chủ trì Hội nghị.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, tham gia ý kiến góp ý vào Dự thảo các Luật: Tố tụng dân sự (sửa đổi); Tố tụng hành chính (sửa đổi) và Luật Hàng hải Việt Nam. Tham gia góp ý vào Dự thảo Luật Tố tụng dân sự (sửa đổi), các đại biểu cơ bản đồng ý với Dự thảo Luật và cho rằng Dự thảo Luật có kết cấu lớn, nội dung quy định rộng với 41 chương, 508 điều. Bộ luật Tố tụng dân sự góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân; giáo dục mọi người nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật.
Các đại biểu tham dự Hội nghị |
Các đại biểu cho rằng đây là một bộ luật lớn, với nhiều vấn đề quan trọng nên cần rà soát lại những gì vướng mắc để sửa cho phù hợp nhưng yêu cầu đầu tiên là phải phù hợp với Hiến pháp. Một số ý kiến đề nghị nên áp dụng thủ tục rút gọn ở cả hai giai đoạn phúc thẩm và sơ thẩm trong giải quyết tranh chấp lao động. Nhiều ý kiến tán thành với quy định trong Dự thảo về việc mở rộng thẩm quyền của Hội đồng xét xử giám đốc thẩm được sửa bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị. Tuy nhiên, việc sửa bản án phải rất thận trọng, cần quy định chặt chẽ những trường hợp cụ thể như chứng cứ trong hồ sơ đã được thu thập đầy đủ, rõ ràng hoặc việc sửa bản án, quyết định đó không gây thiệt hại về tài sản, không làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích của các bên đương sự...
Đồng chí Bùi Hồng Qúy, Phó Giám đốc Sở Tư pháp tham gia góp ý xây dựng Luật |
Dự thảo Luật Tố tụng hành chính có 22 chương với 341 điều. Luật này quy định những nguyên tắc cơ bản trong tố tụng hành chính; nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan kiểm sát, người tiến hành tố tụng, người thực hiện nhiệm vụ kiểm sát; quyền và nghĩa vụ của người tham gia tố tụng, cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan; trình tự, thủ tục khởi kiện, giải quyết vụ án hành chính, thi hành án hành chính và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hành chính. Tham gia góp ý vào Dự thảo Luật, các đại biểu nhất trí với việc bổ sung quy định về việc phát hiện và kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ văn bản pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án hành chính nhưng đề nghị xem xét lại các quy định về trình tự kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ văn bản pháp luật cho hợp lý. Các đại biểu quan tâm góp ý vào các nội dung như: việc nhập hoặc tách vụ án hành chính; các điều kiện nhập hai hoặc nhiều vụ án mà Toà án đã thụ lý riêng biệt thành một vụ án để giải quyết bằng một vụ án hành chính; thời hạn kháng nghị đối với bản án của Tòa án cấp sơ thẩm của Viện kiểm sát cùng cấp. Trong điều 243 quy định thẩm quyền của Hội đồng xét xử phúc thẩm bên cạnh thẩm quyền hủy bản án sơ thẩm nên quy định thêm thẩm quyền hủy một phần bản án sơ thẩm cho sát với điều kiện thực tế hiện nay…
Tại Hội nghị, các đại biểu cũng đã dành thời gian góp ý vào Dự thảo Luật Hàng hải Việt Nam, Luật này có 20 chương 343 điều, các đại biểu cho rằng tinh thần cởi mở để thu hút đầu tư vào lĩnh vực hàng hải là tinh thần chủ đạo có thể dễ dàng nhìn thấy trong Dự thảo Luật Hàng hải Việt Nam. Rất nhiều nội dung mới đã được đưa vào Dự thảo Luật như điều kiện kinh doanh đối với doanh nghiệp đóng mới, sửa chữa tàu, những quy định để kiểm soát hoạt động phá dỡ tàu cũ, hay mô hình tổ chức Ban Quản lý và khai thác cảng tại cảng biển…Một số ý kiến cho rằng, Dự thảo Bộ luật cần có cơ chế cụ thể để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực hàng hải theo hướng những việc nào không thực sự cần thiết phải có sự tham gia của Nhà nước thì nên giao cho các thành phần kinh tế khác thực hiện nhằm phát huy, khai thác tiềm năng, thế mạnh về vốn, về nhân lực của xã hội...
Đồng chí Y Khút Niê, Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh phát biểu kết luận Hội nghị |
Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Y Khút Niê, Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh đánh giá cao tinh thần góp ý xây dựng Luật của các đại biểu. Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh cho rằng đây là những bộ luật lớn nên cần có sự hoàn chỉnh về kết cấu chương, điều cho dễ hiểu, hợp lí. Ba bộ luật trên có tầm quan trọng liên quan đến nhiều lĩnh vực của đời sống và quyền, nghĩa vụ của công dân. Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh ghi nhận các ý kiến góp ý và sẽ tổng hợp báo cáo Quốc hội trong thời gian đến.
Nguồn: daklak.gov.vn
23/05/2025 10:46:38
14/05/2025 10:50:38
22/04/2025 07:57:18