Hội nghị lấy ý kiến đóng góp vào Dự thảo Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân; Luật An toàn thông tin mạng
Ngày đăng: 12/09/2015 12:22
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 12/09/2015 12:22
Sáng 11/9, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh đã tổ chức Hội nghị lấy ý kiến đóng góp vào Dự thảo Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân; Luật An toàn thông tin mạng. Tham dự Hội nghị có đồng chí Phạm Minh Tấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy và đại diện một số sở, ban, ngành liên quan. Đồng chí Y Khút Niê, Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh chủ trì Hội nghị.
Tại Hội nghị các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến cho toàn bộ Dự thảo của 2 Bộ luật nêu trên, trong đó có nhiều ý kiến tâm huyết tập trung vào một số nội dung sửa đổi như: Đối với Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, các đại biểu đề nghị cần phải bổ sung thêm vào Luật các điều, khoản xử lý sau giám sát, báo cáo kết quả giám sát và các đối tượng cần được giám sát tại địa phương; trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị chịu sự giám sát sau khi có kết luận giám sát. Trong quá trình giám sát, nếu phát hiện cá nhân, cơ quan, đơn vị, tổ chức có dấu hiệu vi phạm pháp luật cần thiết phải xử lý về mặt hình sự, thì Quốc hội và Hội đồng Nhân dân có quyền đề nghị các cơ quan pháp luật vào cuộc xử lý theo thẩm quyền. Về quy định cơ quan mặt trận có thể được mời tham gia vào quá trình giám sát, các đại biểu đề nghị nên bỏ cụm từ “có thể”, thay vào đó là “được mời” tham gia nhằm khẳng định và phát huy được vai trò của mặt trận trong xã hội. Đối với Điều 19 và Điều 20 của Luật, có ý kiến đề nghị hủy bỏ vì nội dung ghi trong Dự thảo đã được quy định trong Luật Tổ chức Quốc hội.
Đối với Dự thảo Luật An toàn thông tin mạng, các đại biểu đánh giá đây là nội dung cần thiết phải ban hành trong cơ chế hội nhập hiện nay. Tuy nhiên, bố cục của bản Dự thảo cần thay thế, xem xét lại một số thuật ngữ chuyên ngành mang tính định lượng chung chung như: mật mã dân sự, chứng cứ điện tử,tường lửa… phạm vi điều chỉnh cần mở rộng thêm nội dung hợp tác quốc tế an toàn thông tin mạng, tiến tới xây dựng nội dung này thành một chương mới. Tại Điều 10, các đại biểu đề nghị bổ sung tại Khoản 1 việc gửi thông tin đảm bảo tôn trọng quyền con người để phù hợp với Hiến pháp hiện hành. Nhận định chung của các đại biểu cũng cho rằng vấn đề ngăn chặn và xử lý những thông tin bất lợi, ảnh hưởng đến các cá nhân, đơn vị, tổ chức là hết sức khó khăn. Vì vậy, một số Điều, Khoản trong Luật cần thiết phải được cân nhắc, chỉnh sửa, bổ sung chính xác và đầy đủ, phù hợp với tình hình đất nước và quan hệ quốc tế…
Phát biểu kết luận tại Hội nghị, đồng chí Y Khút Niê, Phó trưởng Đoàn Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh đề nghị đối với Luật An toàn thông tin mạng có các từ chuyên môn cao Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Tư Pháp cần tham gia thêm một số nội dung bằng văn bản, quan tâm hơn đến việc xây dựng nội dung hợp tác quốc tế an toàn thông tin mạng nhằm xây dựng rõ chức năng từ các cấp, sản phẩm an toàn thông tin, những hành vi bị cấm…để luật thực sự đi vào phục vụ cuộc sống người dân. Ý kiến đóng góp của các đại biểu tại Hội nghị sẽ được Văn phòng Đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân tỉnh tổng hợp gửi về Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong thời gian tới.
Nguồn: daklak.gov.vn
23/05/2025 10:46:38
14/05/2025 10:50:38
22/04/2025 07:57:18