Chỉ có Chánh án Tòa án nhân dân và Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật
Ngày đăng: 27/02/2018 15:57
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 27/02/2018 15:57
Theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 và Luật Tố tụng hành chính năm 2010, khi Chánh án Tòa án nhân dân (sau đây gọi là Chánh án) vắng mặt, một Phó Chánh án Tòa án nhân dân (sau đây gọi là Phó Chánh án) được Chánh án uỷ nhiệm thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn về tố tụng của Chánh án. Phó Chánh án chịu trách nhiệm trước Chánh án về nhiệm vụ được giao(quy định tại khoản 2 Điều 40 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004, khoản 2 Điều 35 Luật Tố tụng hành chính năm 2010). Tương tự khi Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân (sau đây gọi là Viện trưởng) vắng mặt, một Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân (sau đây gọi là Phó Viện trưởng) được Viện trưởng uỷ nhiệm thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn về tố tụng của Viện trưởng. Phó Viện trưởng chịu trách nhiệm trước Viện trưởng về nhiệm vụ được giao (quy định tại khoản 2 Điều 44 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004; khoản 2 Điều 39 Luật Tố tụng hành chính năm 2010).
Như vậy, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 và Luật Tố tụng hành chính năm 2010 không giới hạn phạm vi ủy nhiệm về tố tụng của Chánh án và Viện trưởng cho cấp phó của mình, nên trong thực tế Phó Chánh án và Phó Viện trưởng thường được Chánh án và Viện trưởng ủy nhiệm thay mình thực hiện tất cả hoạt động tố tụng, bao gồm cả quyền quyết định kháng nghị các bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm.
Tuy nhiên, theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2017) và Luật Tố tụng hành chính năm 2015 (có hiệu lực từ ngày 01/7/2016), phạm vi ủy nhiệm của Chánh án và Viện trưởng cho cấp phó đã bị giới hạn lại. Cụ thể khi Chánh án vắng mặt, một Phó Chánh án được Chánh án ủy nhiệm thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Chánh án, trừ quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án(khoản 2 Điều 47 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015; khoản 2 Điều 37 Luật Tố tụng hành chính năm 2015). Tương tự khi Viện trưởng vắng mặt, một Phó Viện trưởng được Viện trưởng uỷ nhiệm thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn về tố tụng của Viện trưởng, trừ quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án (khoản 2 Điều 57 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, khoản 2 Điều 42 Luật Tố tụng hành chính năm 2015).
Tuấn Quang
23/05/2025 10:46:38
14/05/2025 10:50:38
22/04/2025 07:57:18