Triển khai Tháng hành động vì trẻ em tỉnh Đắk Lắk năm 2022
Ngày đăng: 23/05/2022 08:03
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 23/05/2022 08:03
Ngày 22/4/2022, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 93/KH-UBND về triển khai Tháng hành động vì trẻ em tỉnh Đắk Lắk năm 2022. Tháng hành động vì trẻ em được thực hiện từ 01/6/2022 đến ngày 30/6/2022, với chủ đề: "Chung tay bảo vệ trẻ em, hãy lên tiếng phòng, chống xâm hại, bạo lực trẻ em".
Tháng hành động vì trẻ em năm nay tập trung vào các hoạt động sau:
- Tổ chức các hoạt động truyền thông, ở cấp tỉnh: tập trung thực hiện các hoạt động truyền thông bằng băng rôn, khẩu hiệu, thông điệp tại thành phố Buôn Ma Thuột và một số huyện khó khăn. Ở cấp huyện, cấp xã và ở các trường học, thôn, buôn, tổ dân phố thì căn cứ diễn biến tình hình dịch COVID-19 để tổ chức các hoạt động Tháng hành động vì trẻ em phù hợp với điều kiện, quy định về phòng, chống dịch COVID-19. Nội dung truyền thông gồm:
+ Các thông điệp, khẩu hiệu truyền thông về bảo vệ, chăm sóc trẻ em.
+ Tuyên truyền, phổ biến Luật Trẻ em, văn bản hướng dẫn thi hành Luật Trẻ em; pháp luật về xử lý hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em; các khẩu hiệu, thông điệp, phóng sự, tin bài, tài liệu… về bảo vệ trẻ em, sử dụng mạng internet an toàn; công tác phòng, chống xâm hại trẻ em; phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em; các chính sách về y tế, giáo dục, pháp lý, trợ giúp xã hội cho trẻ em.
+ Phổ biến, hướng dẫn cách sử dụng Tổng đài Quốc gia bảo về trẻ em (số 111), App Tổng đài 111 (IOS, android), đường dây nóng tiếp nhận thông tin, hỗ trợ bảo vệ, chăm sóc trẻ em của tỉnh (số 02623.951567). Tổ chức các hoạt động truyền thông cho gia đình, nhà trường, trẻ em về mối nguy hiểm và hậu quả của hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em; về trách nhiệm phát hiện, thông tin, thông báo, tố giác hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em; các cơ quan và địa chỉ tiếp nhận thông tin vụ việc và hỗ trợ, can thiệp đối với trẻ em bị bạo lực, xâm hại.
- Hỗ trợ, chăm sóc trẻ em, vận động tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm và xã hội cùng Nhà nước hỗ trợ, chăm sóc trẻ em ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, trẻ em dân tộc thiểu số, trẻ em nghèo vượt khó học giỏi, trẻ em khuyết tật, trẻ em bị tai nạn thương tích, trẻ em bị xâm hại, bạo lực...; thăm, tặng quà, trao học bổng, đỡ đầu, trợ giúp trẻ em bị bạo lực, xâm hại, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và trẻ em thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, trẻ em buôn kết nghĩa; thực hiện tốt công tác hỗ trợ, can thiệp đối với trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị bóc lột, bỏ rơi và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt theo Nghị định số 56/2017/NĐ-CP ngày 09/5/2017 của Chính phủ.
- Thúc đẩy sự tham gia của trẻ em thông qua các hoạt động diễn đàn, đối thoại, thăm dò, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của trẻ em đối với các vấn đề về trẻ em hoặc liên quan đến trẻ em; lấy ý kiến của trẻ em trong quá trình xây dựng chương trình, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật, quyết định, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội về trẻ em hoặc liên quan đến trẻ em. Chuyển ý kiến, nguyện vọng, đề xuất của trẻ em đến các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu giải quyết, trả lời. Hướng dẫn trẻ em về kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ, phòng, chống bạo lực, xâm hại; kỹ năng phòng, chống tai nạn, thương tích và các vấn đề liên quan đến trẻ em phù hợp với độ tuổi, mức độ trưởng thành và phát triển.
Kiểm tra, rà soát, phát hiện kịp thời các khu vực thường xảy ra hoặc có nguy cơ xảy ra tai nạn thương tích, tai nạn đuối nước để có biện pháp loại trừ, cảnh báo, chủ động phòng ngừa, bảo đảm an toàn cho trẻ em.
Tổ chức việc bàn giao, tiếp nhận và quản lý trẻ em về sinh hoạt hè tại xã, phường, thị trấn, cộng đồng dân cư (nếu có). Tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí, văn hóa, thể thao, du lịch, tham quan di tích, thắng cảnh bảo đảm an toàn, lành mạnh.
Toàn dân chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em theo quy định pháp luật về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân trong việc thực hiện quyền và bổn phận của trẻ em.
Việc triển khai kế hoạch này nhằm tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của các cấp, các ngành, giáo viên, cha mẹ, người chăm sóc trẻ và trẻ em trong việc thực hiện Luật Trẻ em, các chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em; tăng cường các giải pháp thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em; hỗ trợ giáo viên, cha mẹ, người chăm sóc trẻ và trẻ em tiếp cận các dịch vụ về y tế, pháp lý bảo đảm thực hiện tốt hơn quyền trẻ em, nhất là trẻ em bị bạo lực, xâm hại, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt…
Diễm Xuân
23/05/2025 10:46:38
14/05/2025 10:50:38
22/04/2025 07:57:18