Nội dung tham luận của đồng chí Giám đốc Sở tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc đánh giá kết quả thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm công tác Tư pháp năm 2019 và triển khai công tác năm 2020
Ngày đăng: 25/12/2019 10:56
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 25/12/2019 10:56
Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc đánh giá kết quả thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm công tác Tư pháp năm 2019 và triển khai công tác năm 2020, đồng chí Nguyễn Minh Thuận, Giám đốc Sở Tư pháp đã phát biểu tham luận về công tác phối hợp giữa cơ quan Tư pháp địa phương với cơ quan Thi hành án dân sự trong tham mưu giúp UBND các cấp chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và thi hành án hành chính. Trang thông tin điện tử Sở Tư pháp tỉnh Đắk Lắk xin giới thiệu nội dung của tham luận này:
- Kính thưa đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ;
- Kính thưa đồng chí Lê Thành Long, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp và các đồng chí đại diện các Bộ, ngành;
- Thưa toàn thể hội nghị!
Được sự ủy quyền của lãnh đạo UBND tỉnh, tôi xin tham luận về công tác phối hợp giữa cơ quan Tư pháp địa phương với cơ quan Thi hành án dân sự trong tham mưu giúp UBND các cấp chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và thi hành án hành chính, với một số nội dung như sau:
Thứ nhất, về triển khai thực hiện Luật Tố tụng hành chính năm 2015
Thực hiện Quyết định số 325/QĐ-TTg ngày 01/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Tố tụng hành chính, ngày 05/4/2016 UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, Luật Tố tụng hành chính năm 2015 trên địa bàn tỉnh; trong đó, tập trung vào các nhiệm vụ như phổ biến, quán triệt nội dung, tổ chức tập huấn, rà soát các văn bản QPPL do địa phương ban hành có liên quan đến Luật Tố tụng hành chính. UBND tỉnh cũng đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các đơn vị, địa phương xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai thi hành Luật Tố tụng hành chính gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của từng đơn vị, địa phương đảm bảo thiết thực, hiệu quả; chỉ đạo, đôn đốc UBND, Chủ tịch UBND các cấp và thủ trưởng các cơ quan hành chính thực hiện nghiêm các bản án hành chính đã có hiệu lực thi hành. Tuy đã có nhiều nỗ lực, cố gắng trong tổ chức thi hành án hành chính của các đơn vị, địa phương, nhưng do nhiều nguyên nhân và khó khăn, vướng mắc, trong đó có cả cơ chế, pháp luật nên hiện nay Đắk Lắk là một trong số các tỉnh, thành phố có lượng án tồn chưa thi hành xong khá lớn (21 việc).
Thứ hai, về công tác phối hợp giữa cơ quan Tư pháp địa phương với cơ quan Thi hành án dân sự
Các cơ quan Tư pháp địa phương đã chủ động phối hợp với cơ quan Thi hành án dân sự cùng cấp trong việc tham mưu giúp UBND, Chủ tịch UBND triển khai, thực hiện Luật Tố tụng hành chính năm 2015; đôn đốc, theo dõi việc chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và thi hành án hành chính; trong đó, tập trung vào các nội dung: tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tố tụng hành chính, thi hành án hành chính cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân bằng nhiều hình thức phong phú, đảm bảo thiết thực, phù hợp với tình hình tại đơn vị, địa phương; tổ chức rà soát các văn bản quy phạm pháp luật do HĐND, UBND tỉnh; HĐND, UBND huyện, thị xã, thành phố ban hành có liên quan đến quy định của Luật Tố tụng hành chính để kịp thời sửa đổi, bổ sung cho phù hợp; tham mưu giúp UBND, Chủ tịch UBND các cấp trong công tác thống kê báo cáo về thi hành án hành chính; hướng dẫn, đôn đốc, chỉ đạo người đứng đầu cơ quan, tổ chức, cá nhân là người phải thi hành án hành chính trong việc thi hành dứt điểm các bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.
Bên cạnh đó, công tác triển khai Luật Tố tụng Hành chính năm 2015 còn gặp khó khăn, vướng mắc trong xác định cơ quan tham mưu UBND tỉnh thực hiện các nhiệm vụ về thi hành án hành chính, cụ thể:
Theo khoản 2 Điều 313 Luật Tố tụng hành chính năm 2015 thì “Bộ Tư pháp chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về thi hành án hành chính” và Điều 34 Nghị định số 71/2016/NĐ-CP có quy định nhiệm vụ, quyền hạn của UBND các cấp về thi hành án hành chính, đó là: (1) UBND cấp tỉnh, cấp huyện chỉ đạo UBND cấp dưới và các cơ quan chuyên môn thuộc UBND nghiêm chỉnh thi hành án hành chính (khoản 1); (2) Chỉ đạo việc thi hành án hành chính đối với các vụ việc phức tạp, ảnh hưởng đến tình hình kinh tế - xã hội, an ninh trật tự ở địa phương (khoản 3), nhưng hiện nay chưa có hướng dẫn cụ thể tại địa phương thì cơ quan nào sẽ tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện các nhiệm vụ được giao về thi hành án hành chính. Mặt khác, Thông tư liên tịch số 23/2014/TTLT-BTP-BNV cũng có quy định: Cơ quan Tư pháp địa phương giúp UBND cùng cấp thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn về thi hành án dân sự, hành chính theo quy định của pháp luật và quy chế phối hợp công tác giữa cơ quan tư pháp và cơ quan thi hành án dân sự địa phương do Bộ Tư pháp ban hành (quy định tại khoản 25 Điều 3 và khoản 19 Điều 5). Tuy nhiên, đến nay cũng chưa có hướng dẫn cụ thể về nội dung này, dẫn đến gây khó khăn trong việc phối hợp tham mưu UBND, Chủ tịch UBND xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu đối với việc chấp hành pháp luật tố tụng hành chính, thực hiện công tác thi hành án hành chính, cũng như việc phối hợp tham mưu các biện pháp xử lý trách nhiệm đối với người không thi hành bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.
Trên cơ sở thực tiễn công tác chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và thi hành án hành chính, chúng tôi kiến nghị:
- Đề nghị Quốc hội nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Tố tụng hành chính năm 2015, xây dựng và hoàn thiện cơ chế, trách nhiệm và quan hệ phối hợp trong giải quyết các vụ án hành chính đối với UBND các cấp và cơ quan tổ chức liên quan.
- Đề nghị Chính phủ chỉ đạo cơ quan có thẩm quyền rà soát tổng thể cơ chế, chính sách pháp luật về đất đai, sở hữu nhà, quy hoạch, bồi thường, giải phóng mặt bằng… để kiến nghị Quốc hội sửa đổi, bổ sung các luật liên quan, đảm bảo việc áp dụng, hướng dẫn pháp luật được thống nhất trong hệ thống pháp luật chuyên ngành và pháp luật về tố tụng hành chính.
- Đề nghị Bộ Tư pháp tham mưu Chính phủ ban hành quy định về cơ quan tham mưu giúp UBND các cấp trong công tác chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và thi hành án hành chính; hướng dẫn cơ chế phối hợp công tác giữa cơ quan tư pháp và cơ quan thi hành án dân sự địa phương trong việc tham mưu, giúp UBND cùng cấp thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn về thi hành án hành chính theo quy định của pháp luật.
Các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phối hợp trong thời gian tới
Về phía địa phương, để công tác phối hợp tiếp tục phát huy hiệu quả trong thời gian tới, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Tư pháp tăng cường phối hợp với Cục Thi hành án dân sự tỉnh tham mưu triển khai quyết liệt một số giải pháp sau:
- Tham mưu các cấp ủy Đảng, chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo việc chấp hành pháp luật tố tụng hành chính, thi hành án hành chính; tham mưu UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành liên quan hướng dẫn, đôn đốc UBND, Chủ tịch UBND các cấp, Thủ trưởng các cơ quan hành chính trong thi hành các bản án hành chính.
- Đẩy mạnh và đa dạng hóa công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của Luật Tố tụng hành chính về thi hành án hành chính; làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, vận động, thuyết phục để người phải thi hành thông suốt về tư tưởng, tự nguyện và hợp tác trong việc thi hành nghĩa vụ của mình đối với bản án, quyết định của Tòa án.
Trên đây là nội dung tham luận về công tác phối hợp giữa cơ quan Tư pháp địa phương với cơ quan Thi hành án dân sự trong tham mưu giúp UBND các cấp chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và thi hành án hành chính của tỉnh Đắk Lắk.
Xin trân trọng cảm ơn sự quan tâm theo dõi của các đồng chí !
23/05/2025 10:46:38
14/05/2025 10:50:38
22/04/2025 07:57:18