Bộ Tư pháp tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết công tác tư pháp năm 2023 và triển khai công tác năm 2024
Ngày đăng: 26/12/2023 14:07
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 26/12/2023 14:07
Chiều ngày 25/12/2023, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác tư pháp năm 2023, đánh giá, kết quả công tác tư pháp giữa nhiệm kỳ và triển khai công tác năm 2024, định hướng nhiệm vụ công tác đến hết nhiệm kỳ (2021-2026).
Tại điểm cầu trực tuyến của Bộ Tư pháp, đồng chí Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ tới dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị; đồng chí Lê Thành Long - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp và các đồng chí lãnh đạo Bộ Tư pháp chủ trì Hội nghị; cùng tham dự Hội nghị còn có: đại diện của nhiều bộ, ban, ngành Trung ương. Tại điểm cầu tỉnh Đắk Lắk, đồng chí Võ Văn Cảnh - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và đồng chí Phan Thị Hồng Thắng - Giám đốc Sở Tư pháp đồng chủ trì hội nghị; tham dự Hội nghị còn có các đồng chí trong Ban Giám đốc Sở Tư pháp; đại diện lãnh đạo: Cục Thi hành án dân sự tỉnh, các sở, ban, ngành của tỉnh; đại diện lãnh đạo các phòng, đơn vị trực thuộc Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp các huyện, thị xã, thành phố.
Theo Báo cáo trung tâm của Hội nghị, kết quả từ đầu nhiệm kỳ đến nay, công tác chỉ đạo, điều hành của Bộ Tư pháp được thực hiện thống nhất, đồng bộ và bám sát mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Ban Chấp hàng Trung ương Đảng, của Quốc hội, của Chính phủ trên cơ sở phương châm hành động của nhiệm kỳ và Nghị quyết hằng năm của Chính phủ; sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị toàn quốc về triển khai công tác tư pháp hằng năm; sự chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền địa phương.
Trong năm 2023, trên cơ sở chỉ đạo, điều hành của Bộ Tư pháp, ngành Tư pháp đã thực hiện theo đúng phương châm “Đoàn kết, kỷ cương, bản lĩnh linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời hiệu quả” của Chính phủ, tiếp tục có nhiều đổi mới, quyết liệt, kịp thời, nổi bật. Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật được các bộ, ngành quan tâm, chú trọng triển khai quyết liệt, đạt được nhiều kết quả tích cực. Năm 2023, Bộ Tư pháp, các bộ, ngành đã xây dựng, trình ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền 515 văn bản quy phạm pháp luật. Các địa phương đã ban hành 3.763 văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) cấp tỉnh, 2.523 VBQPPL cấp huyện và 1.750 VBQPPL cấp xã. Công tác kiểm tra, rà soát VBQPPL được thực hiện kịp thời với khối lượng công việc lớn, góp phần đảm bảo tính thống nhất, công khai, minh bạch, khả thi của hệ thống pháp luật. Công tác truyền thông, phổ biến về chính sách, pháp luật, hòa giải ở cơ sở được tổ chức thực hiện hiệu quả. Năm 2023, các bộ, ngành, địa phương đã tổ chức 436.362 cuộc tuyên truyền pháp luật cho hơn 32.272.992 lượt người; tổ chức 10.936 cuộc thi cho hơn 11.480.199 lượt người dự thi. Đối với công tác đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, tính đến nay có 10.596 đơn vị cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật (đạt 95.2%). Các hoà giải viên đã tiếp nhận 90.522 vụ việc, tỷ lệ hoà giải thành trung bình là 84,7%. Công tác trợ giúp pháp lý đã được triển khai đồng bộ, gắn kết chặt chẽ với triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, các trung tâm trợ giúp pháp lý đã thực hiện 83.389 vụ việc, trong đó có 67.748 vụ việc tham gia tố tụng… Để công tác tư pháp đạt hiệu quả cao, ngành Tư pháp đã xác định 06 định hướng công tác đến hết nhiệm kỳ 2021 - 2026. Riêng trong năm 2024, ngành Tư pháp đã đề ra 09 nhiệm vụ trọng tâm, 15 nhiệm vụ cụ thể trong các lĩnh vực và xác định 6 giải pháp chủ yếu.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Trần Lưu Quang - Phó Thủ tướng Chính phủ đã đánh giá cao sự nỗ lực của ngành Tư pháp trong năm 2023 và kết quả sau nửa nhiệm kỳ vừa qua; đồng thời, đề nghị ngành Tư pháp cần tiếp tục đổi mới, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, xây dựng thể chế, đảm bảo kịp thời, có chất lượng, hiệu quả; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; kịp thời tham mưu sửa đổi, bổ sung Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật; nâng cao chất lượng công tác thi hành pháp luật, đưa pháp luật vào cuộc sống; tăng cường phổ biến giáo dục pháp luật bằng nhiều hình thức phù hợp, hiệu quả. Kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực thi pháp luật. Đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong toàn ngành; tăng cường công tác phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan và cấp ủy, chính quyền các cấp trong chỉ đạo, điều hành công tác tư pháp từ Trung ương đến địa phương. Tập trung đầu tư nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng để đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong ngành Tư pháp; nhân rộng cách làm hay, hiệu quả, sáng tạo trong triển khai, thực hiện nhiệm vụ được giao phù hợp với tình hình thực tiễn của đất nước...
Ngọc Hảo
23/05/2025 10:46:38
14/05/2025 10:50:38
22/04/2025 07:57:18