UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Đắk Lắk, giai đoạn 2016-2020
30/08/2017 16:45:00
Hruê anei: 0
Hruê mbruê: 0
Hlăm sa hruê kăm: 0
Jih jang: 0
30/08/2017 16:45:00
Để triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 1600/QĐ-TTg ngày 16/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 và Nghị quyết số 01-NQ-ĐH ngày 24/11/2015 Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015-2010, ngày 17/7/2017, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Đắk Lắk, giai đoạn 2016-2020 (kèm theo Quyết định số 1772/QĐ-UBND ngày 17/7/2017 của UBND tỉnh Đắk Lắk).
Theo đó, kế hoạch đã đề ra 03 mục tiêu cụ thể, gồm:
(1) Tiếp tục giữ vững chất lượng và nâng cao chất lượng đối với 13 xã đã đạt chuẩn nông thôn mới; phấn đấu đến cuối năm 2020 tỉnh Đắk Lắk lúy kế có 61 xã đạt chuẩn nông thôn mới; không còn xã dưới 5 tiêu chí; số tiêu chí đạt chuẩn chung bình là 14,2 tiêu chí/xã; thành phố Buôn Ma Thuột hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới;
(2) Cơ bản hoàn thành các công trình thiết yếu đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất và đời sống của cư dân nông thôn: giao thông, điện, nước sinh hoạt, trường học, trạm y tế xã;
(3) Nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn; tạo nhiều mô hình sản xuất gắn với việc làm ổn định cho nhân dân, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đến năm 2020 đạt trên 41 triệu đồng; giảm tỉ lệ hộ nghèo 2,5-3%/năm.
Trên cơ sở mục tiêu đã đề ra, kế hoạch xác định các biện pháp thực hiện, gồm: (1) Quy hoạch xây dựng nông thôn mới; (2) Phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội; (3) Phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân; (4) Giảm nghèo và an sinh xã hội; (5) Phát triển giáo dục ở nông thôn; (6) Phát triển y tế cơ sở, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe người dân nông thôn; (7) Nâng cao chất lượng đời sống văn hóa của người dân nông thôn; (8) Vệ sinh môi trường nông thôn, khắc phục, xử lý ô nhiễm và cải thiện môi trường tại các làng nghề; (9) Nâng cao chất lượng, phát huy vai trò của tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể chính trị - xã hội trong xây dựng nông thôn mới; cải thiện và nâng cao chất lượng các dịch vụ hành chính công; bảo đảm và tăng cường khả năng tiếp cận pháp luật cho người dân; (10) Giữ vững quốc phòng, an ninh và trật tự xã hội nông thôn; (11) Nâng cao năng lực xây dựng nông thôn mới và công tác giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình; truyền thông về xây dựng nông thôn mới.
Để thực hiện các biện pháp trên, Kế hoạch đã cụ thể hóa các giải pháp sau: (1) Tiếp tục thực hiện cuộc vận động xã hội sâu rộng về xây dựng nông thôn mới; (2) Tiếp tục bổ sung, hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách; (3) Đa dạng hóa các nguồn vốn huy động để thực hiện Chương trình; (4) Cơ chế phân bổ, giám sát và theo dõi các nguồn vốn thực hiện Chương trình; (5) Cơ chế hỗ trợ; (6) Cơ chế về đầu tư; (7) Bộ máy điều hành, quản lý Chương trình.
Tại Kế hoạch, UBND tỉnh đã giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan chủ trì Chương trình và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các Sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã; đồng thời, đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên tích cực tham gia vào thực hiện Chương trình; thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.
Chương trình sẽ được thực hiện từ nay đến hết năm 2020 trên 152 xã của tỉnh. Theo đó, người dân và cộng đồng dân cư trên địa bàn nông thôn sẽ là đối tượng thụ hưởng của Chương trình và cũng là đối tượng thực hiện Chương trình cùng với hệ thống chính trị từ cấp tỉnh đến cơ sở, doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế - xã hội./.
Diễm Xuân
06/10/2021 09:52:49
06/10/2021 09:51:51
06/10/2021 09:48:09