Quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy và chữa cháy
16/08/2017 15:28:00
Hruê anei: 0
Hruê mbruê: 0
Hlăm sa hruê kăm: 0
Jih jang: 0
16/08/2017 15:28:00
Ngày 18/7/2017, Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 83/2017/NĐ-CP quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy và chữa cháy. Nghị định này quy định về bố trí lực lượng và hoạt động cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy và chữa cháy; nguyên tắc, quan hệ phối hợp, bảo đảm điều kiện và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân hoạt động, cư trú trên lãnh thổ Việt Nam.
Theo đó, các nguyên tắc hoạt động cứu nạn, cứu hộ bao gồm: (1) Ưu tiên cứu người bị nạn; thực hiện ngay các biện pháp bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe, phương tiện, tài sản của người bị nạn và lực lượng cứu nạn, cứu hộ. (2) Bảo đảm nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả và thống nhất trong chỉ huy, điều hành hoạt động cứu nạn, cứu hộ. (3) Lấy lực lượng, phương tiện tại chỗ là chủ yếu, lực lượng chuyên trách làm nòng cốt, huy động tổng hợp các lực lượng và nhân dân tham gia cứu nạn, cứu hộ.
Lực lượng phòng cháy và chữa cháy được thực hiện công tác cứu nạn, cứu hộ đối với các sự cố, tai nạn sau: (1) Sự cố, tai nạn cháy. (2) Sự cố, tai nạn nổ. (3) Sự cố, tai nạn sập, đổ nhà, công trình, thiết bị, máy móc, cây cối. (4) Sự cố, tai nạn sạt lở đất, đá. (5) Sự cố, tai nạn có người bị mắc kẹt trong nhà, công trình, trên cao, dưới sâu, trong thiết bị, trong hang, hầm, công trình ngầm. (6) Sự cố, tai nạn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa khi có yêu cầu. (7) Tai nạn đuối nước tại sông, suối, thác nước, hồ, ao, giếng nước, hố sâu có nước, bãi tắm. (8) Sự cố, tai nạn tại khu du lịch, khu vui chơi giải trí. (9) Sự cố, tai nạn khác theo quy định của pháp luât.
Các hành vi nghiêm cấm gồm: (1) Gây sự cố, tai nạn, gây nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe con người, an toàn phương tiện, tài sản để trục lợi. (2) Cản trở, chống lại các hoạt động phòng ngừa cứu nạn, cứu hộ. (3) Cố ý báo tin sự cố, tai nạn giả. (4) Hủy hoại, cố ý làm hư hỏng, tự ý thay đổi, di chuyển phương tiện, thiết bị cứu nạn, cứu hộ, biển báo, biển chỉ dẫn về cứu nạn, cứu hộ. (5) Lợi dụng công tác cứu nạn, cứu hộ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cơ sở, hộ gia đình và cá nhân.
Ngoài ra, Nghị định cũng quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về cứu nạn, cứu hộ; trong đó UBND các cấp có trách nhiệm: chỉ đạo, tổ chức tuyên truyền, phổ biến kiến thức về cứu nạn, cứu hộ và thực hiện các quy định của pháp luật về công tác cứu nạn, cứu hộ tại địa phương; xử lý các hành vi vi phạm về cứu nạn, cứu hộ theo thẩm quyền; chỉ đạo việc tổ chức lực lượng cứu nạn, cứu hộ; đầu tư kinh phí trang bị phương tiện cứu nạn, cứu hộ và duy trì hoạt động của lực lượng cứu nạn, cứu hộ thuộc phạm vi quản lý; định kỳ hàng năm tổ chức bồi dưỡng, huấn luyện nghiệp vụ về công tác cứu nạn, cứu hộ; xây dựng kế hoạch và tổ chức thực tập, diễn tập phương án cứu nạn, cứu hộ tại địa phương và đơn vị mình, đồng thời, chịu trách nhiệm chủ trì tổ chức hoạt động cứu nạn, cứu hộ thuộc phạm vi địa bàn phụ trách và tổ chức sơ kết, tổng kết, thực hiện chế độ thống kê, báo cáo về công tác cứu nạn, cứu hộ trong phạm vi trách nhiệm quản lý.
Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 04/10/2017./.
H’ Cuăn
06/10/2021 09:52:49
06/10/2021 09:51:51
06/10/2021 09:48:09