Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về hôn nhân và gia đình trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk
22/03/2017 07:56:00
Hruê anei: 0
Hruê mbruê: 0
Hlăm sa hruê kăm: 0
Jih jang: 0
22/03/2017 07:56:00
Đắk Lắk là một tỉnh miền núi của khu vực Tây Nguyên với 44 dân tộc anh em cùng sinh sống. Người dân chủ yếu là làm nông, đời sống còn nghèo nên nhận thức pháp luật rất hạn chế nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Mặc dù, thời gian qua các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về hôn nhân, gia đình và đã đạt được một số kết quả nhất định. Tuy nhiên, nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vẫn còn tồn tại, diễn biến ngày càng phức tạp.
Khoản 2, Điều 5 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định: “Cấm tảo hôn, cưỡng ép kết hôn; kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người có cùng dòng máu về trực hệ, giữa những người có họ trong phạm vi ba đời”. Không chỉ vi phạm pháp luật mà tảo hôn và hôn nhân cận huyết còn gây ra hậu quả rất lớn đối với cá nhân, gia đình và xã hội; làm gia tăng nhanh số lượng và giảm chất lượng dân số, trực tiếp ảnh hưởng đến việc chăm sóc, giáo dục trẻ em. Tảo hôn ảnh hưởng trực tiếp đến thể chất, tâm sinh lý, sức khỏe sinh sản của người phụ nữ, nhất là trẻ em gái vì chưa đủ tuổi nên cơ thể phát triển chưa hoàn thiện, việc quan hệ tình dục sớm, mang thai, sinh đẻ, nuôi con sớm làm chậm quá trình phát triển thể chất tự nhiên của con người, dẫn tới thoái hóa và các di chứng bệnh tật, làm suy kiệt sức khỏe của bố, mẹ và con. Kết hôn cận huyết làm suy giảm sức khỏe, tăng tỷ lệ bệnh tật do kết hợp gen mang lại, gây suy thoái chất lượng giống nòi (như bệnh tan máu bẩm sinh có thể làm trẻ bị biến dạng xương mặt, bụng phình to, nguy cơ tử vong rất cao; sinh ra con dị dạng hoặc bệnh di truyền như mù màu, bạch tạng, da vảy cá mở đầu cho cuộc sống tàn phế suốt đời…).
Một trong những nguyên nhân khách quan của nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống là do ảnh hưởng của những quan niệm, thành kiến, phong tục tập quán lạc hậu đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân; do ảnh hưởng của văn hóa phương Tây nên tình trạng sống thử với nhau giữa nam và nữ làm tăng tỷ lệ mang thai ngoài ý muốn. Bên cạnh đó, còn có một số nguyên nhân chủ quan khác như: trình độ dân trí, ý thức chấp hành pháp luật của người dân còn hạn chế; công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân còn mang tính hình thức, còn nhiều bất cập, hiệu quả còn chưa cao; công tác phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm của cấp chính quyền còn chưa mạnh mẽ, thiếu kiên quyết gây tâm lý nhờn luật trong người dân…
Ngày 13/6/2016, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 4594/UBND-KGVX thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số” giai đoạn 2016 - 2020 nhằm nâng cao nhận thức pháp luật về chuyển đổi hành vi trong hôn nhân của đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, nâng cao chất lượng dân số và nguồn nhân lực vùng đồng bào dân tộc, trong đó tập trung điều tra, khảo sát, thu thập thông tin, số liệu liên quan; tổ chức các hoạt động truyền thông; thường xuyên tuyên truyền, vận động trên các phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nói chuyện chuyên đề, hoạt động tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý miễn phí tại cộng đồng và lưu động tại các thôn, buôn, xóm nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, người uy tín; tổ chức biên soạn tài liệu, sản phẩm truyền thông bằng tiếng Việt, tiếng dân tộc thiểu số; xây dựng, lồng ghép các quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, các quy định của pháp luật liên quan khác vào hương ước, quy ước, tiêu chuẩn ấp, xóm văn hóa, gia đình văn hóa…
Bên cạnh việc triển khai các nội dung mang tính chiến lược lâu dài được đề cập trong Đề án, để hạn chế, đẩy lùi và xóa bỏ nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong thời gian tới, thiết nghĩ các cấp, các ngành chức năng trên địa bàn tỉnh cần tập trung mạnh mẽ vào một số giải pháp trước mắt như: đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến những quy định của pháp luật có liên quan đến hôn nhân và gia đình (Luật Hôn nhân và Gia đình; Nghị định số 126/2014/NĐ-CP ngày 31/12/2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hôn nhân và Gia đình; Pháp lệnh dân số; Nghị định số 110/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã...); làm rõ những hậu quả, tác hại và hệ lụy do tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống gây ra để bản thân mỗi người nhận thức được, kiên quyết đấu tranh chống những quan điểm lạc hậu này ngay từ trong gia đình mình và trong cộng đồng dân cư; nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình; mở lớp tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao kiến thức pháp luật cho đội ngũ làm công tác tuyên truyền tại cơ sở (tuyên truyền viên, hòa giải viên, cộng tác viên dân số, người uy tín, già làng, trưởng buôn); xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, các trường hợp dung túng để xảy ra vi phạm; tổ chức gặp mặt kiểm điểm, nêu gương cho cộng đồng…
Thùy Linh
06/10/2021 09:52:49
06/10/2021 09:51:51
06/10/2021 09:48:09