Điều 146 Hiến pháp 1992 được sửa đổi, bổ sung theo Nghị quyết số 51/2001/QH10 ngày 25/12/2001 của Quốc hội khóa 10 (Hiến pháp 1992) quy định: “Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là luật cơ bản của Nhà nước, có hiệu lực pháp lý cao nhất. Mọi văn bản pháp luật khác phải phù hợp với Hiến pháp”.
Điều 2 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 1996 được sửa đổi, bổ sung theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 16/12/2002 quy định:“Hiến pháp là luật cơ bản của Nhà nước, có hiệu lực pháp lý cao nhất. Văn bản quy phạm pháp luật được ban hành phải phù hợp với Hiến pháp, bảo đảm tính thống nhất, thứ bậc hiệu lực pháp lý của văn bản trong hệ thống pháp luật (....). Văn bản quy phạm pháp luật trái với Hiến pháp, trái với văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền bãi bỏ, đình chỉ việc thi hành”. Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 (thay thế Luật năm 1996) quy định một trong những nguyên tắc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật đó là phải đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của văn bản quy phạm pháp luật trong hệ thống pháp luật.
Để đảm bảo cho “mọi văn bản pháp luật khác phải phù hợp với Hiến pháp”, Nhà nước đã quy định những hình thức bảo vệ Hiến pháp như hoạt động giám sát của cơ quan quyền lực, của mặt trận, của nhân dân; hoạt động thẩm định dự thảo văn bản pháp luật trước khi cơ quan có thẩm quyền ban hành (hoạt động tiền kiểm); hoạt động kiểm tra, tự kiểm tra sau khi văn bản được ban hành (hoạt động hậu kiểm)...Tuy nhiên các quy định này cũng chưa đầy đủ, hơn nữa chưa có một thiết chế cụ thể được quy định trong Hiến pháp để đưa ra “phán quyết” một cách chính thức những quy định nào, hành vi nào là trái Hiến pháp (vi hiến). Thời gian qua không phải không có những quy định không phù hợp với Hiến pháp và có cả việc không thực hiện đầy đủ trong thực tế các quy định được Hiến pháp ghi nhận. Đây rõ ràng là những quy định, hành vi vi hiến nhưng chưa được xem xét xử lý một cách kịp thời và triệt để.
Để khắc phục những hạn chế này, trong bản Dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992 chính thức được công bố để lấy ý kiến nhân dân có quy định một thiết chế hiến định độc lập mới đó là Hội đồng Hiến pháp. “Dự thảo bổ sung thiết chế Hội đồng Hiến pháp (Ðiều 120) nhằm thực hiện chủ trương của Ðại hội IX, X và XI về việc xây dựng cơ chế phán quyết về những vi phạm Hiến pháp trong hoạt động lập pháp, hành pháp, tư pháp” (Báo cáo thuyết minh về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 của Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp). Theo đó Quốc hội thành lập Hội đồng Hiến pháp là cơ quan chuyên trách bảo vệ Hiến pháp gồm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và Ủy viên; tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng và số lượng thành viên, việc bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm, nhiệm kỳ của thành viên sẽ do luật định.
Nếu thiết chế Hội đồng Hiến pháp chính thức được quy định trong Hiến pháp sửa đổi lần này chính là một bước cụ thể hóa nguyên tắc quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Hội đồng Hiến pháp với tư cách là một cơ quan chuyên trách bảo vệ Hiến pháp chính là “tạo thêm một phương thức mới, bổ sung một công cụ để Ðảng lãnh đạo Nhà nước và xã hội, bảo vệ đường lối, chính sách của Ðảng và bảo vệ các giá trị của nền dân chủ XHCN và chủ quyền nhân dân” (Báo cáo thuyết minh về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 của Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp).
Theo điều 120 của Dự thảo: Hội đồng Hiến pháp có thẩm quyền kiểm tra tính hợp hiến của các văn bản quy phạm pháp luật do Quốc hội, Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao ban hành; kiến nghị Quốc hội xem xét lại văn bản quy phạm pháp luật của mình khi phát hiện có vi phạm Hiến pháp; yêu cầu Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật của mình hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền hủy bỏ văn bản vi phạm Hiến pháp; kiểm tra tính hợp hiến của điều ước quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước trước khi trình Quốc hội, Chủ tịch nước phê chuẩn.
Vấn đề bảo hiến ở các nước trên thế giới có những cơ chế khác nhau, tuy nhiên không phải là vấn đề mới mẻ. Ở trong nước cũng đã được Đảng đặt ra một cách chính thức từ những kỳ Đại hội trước và lần này, trên cơ sở những kết quả nghiên cứu, thảo luận của các nhà khoa học và nhà quản lý đã chính thức được đưa vào dự thảo lấy ý kiến nhân dân. Đến thời điểm hiện nay, mặc dù còn có những ý kiến khác nhau về cơ chế để bảo vệ Hiến pháp nhưng trong thực tế đã và đang có những quy định và hành vi vi hiến diễn ra. Việc lập ra một thiết chế độc lập để bảo vệ Hiến pháp lúc này là rất cần thiết để đảm bảo trong thực tế Hiến pháp “là luật cơ bản của Nhà nước, có hiệu lực pháp lý cao nhất. Mọi văn bản pháp luật khác phải phù hợp với Hiến pháp” như đã được quy định trong Hiến pháp năm 1992./.
Xuân An