Nhằm giảm thiệt hại về kinh tế cho Chủ các lò gạch thủ công, thủ công cải tiến, lò đứng liên tục, lò vòng sử dụng nhiên liệu hóa thạch (than, dầu, khí), lò vòng, lò vòng cải tiến không sử dụng nhiên liệu hóa thạch mà sử dụng phế liệu ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh (sau đây viết tắt là Chủ các lò gạch) khi thực hiện việc tháo dỡ và chuyển đổi ngành nghề. Ngày 20/7/2022, tại Kỳ họp thứ Tư, HĐND tỉnh Khóa X đã ban hành Nghị quyết số 21/NQ-HĐND quy định một số chính sách hỗ trợ cho Chủ các lò gạch, cụ thể như sau:
Đối với các cơ sở dừng hoạt động sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công tự nguyện chấm dứt hoạt động trước ngày 31/12/2020 và hoàn thành việc tháo dỡ lò gạch thủ công, nhà xưởng, di chuyển vật tư, máy móc thiết bị và các hạng mục phụ trợ, hoàn trả mặt bằng trước ngày 31/12/2022 thì được hỗ trợ như sau:
Thứ nhất, hỗ trợ tháo dỡ lò gạch thủ công:
- Đối với lò đứng liên tục kiểu đứng hỗ trợ: 38.000.000 đồng/01 cửa lò.
- Đối với lò vòng cải tiến, hoffman: 4.000.000 đồng/01 cửa lò.
Thứ hai, hỗ trợ đối với một số hạng mục khác:
- Hỗ trợ chi phí tháo dỡ mái che phơi gạch: 31.000 đồng/1 m2.
- Hỗ trợ chi phí tháo dỡ mái che mở rộng xung quanh lò: 41.000 đồng/1 m2.
- Hỗ trợ tháo dỡ các công trình phụ trợ (nhà ở công nhân, nhà vệ sinh, nhà điều hành…): 248.000 đồng/1 m2.
Thứ ba, hỗ trợ đào tạo nghề thực hiện theo Quyết định số 21/2017/QĐ-UBND ngày 18/7/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk quy định về mức hỗ trợ chi phí đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.
Các cơ sở dừng hoạt động sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công tự nguyện chấm dứt hoạt động trước ngày 31/12/2020 nhưng không thực hiện hoàn thành việc tự nguyện tháo dỡ lò gạch thủ công, nhà xưởng, di chuyển vật tư, máy móc thiết bị và các hạng mục phụ trợ, hoàn trả mặt bằng trước ngày 31/12/2022 thì không được hỗ trợ.
Nghị quyết có hiệu lực từ ngày 20/7/2022
Trọng Đức